Trò chuyện với Duy Cường về âm nhạc & Phạm Duy

Thứ Tư, 07/01/2009 00:40 GMT+7

Google News

(TT&VH Cuối tuần) - Dáng thư sinh mảnh khảnh và một cuộc sống ít nhiều khép kín, nhạc sĩ Duy Cường là một hình ảnh gần như trái ngược với người cha nổi tiếng của mình - nhạc sĩ Phạm Duy.

Sài Gòn - TP.HCM một chiều cuối năm se se, lần đầu tiên nhạc sĩ Duy Cường cởi mở những câu chuyện về bản thân, về gia đình, về người bố nổi tiếng của anh.
 
Nhạc sĩ Duy Cường
 
Nhạc sĩ Phạm Duy từng cấm các con theo nghề nhạc

* Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy có cả thảy 8 người con: Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Hảo, Duy Đức và Thái Hạnh, có ai không theo nghề nhạc không thưa anh ?

Duy Quang và Duy Hùng trước khi bị bố Phạm Duy... đập vỡ đàn!
- Hoàn toàn không dính gì đến âm nhạc có Đức và Hạnh. Duy Đức hiện làm kỹ thuật viên chụp XQ tại nhà thương, còn Thái Hạnh làm việc văn phòng.

* Gen âm nhạc là thừa hưởng từ cha ?

- Nếu nói là ảnh hưởng từ huyết thống thì phải nói là từ cả hai, từ cả bên nội lẫn bên ngoại.

Bên ngoại: Bác là kịch sĩ Phạm Đình Sĩ, lấy kịch sĩ Kiều Hạnh, sinh chị Mai Hương (ca sĩ Mai Hương). Ca sĩ Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung) cũng là bác. Mẹ là ca sĩ Thái Hằng, cậu là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và dì là ca sĩ Thái Thanh.

Mấy anh em tôi nghe nhạc trước khi chơi nhạc. Lên tám tuổi đã nghe đĩa của bố mẹ hát và nhạc ngoại như The Beatles, Rascals… Khi lớn lên, vào đúng thời điểm âm nhạc Rock được du nhập vào Việt Nam nên bị tác động rất mạnh lúc bấy giờ. Âm nhạc trong huyết thống cộng với sự tác động ấy đã trở thành nghiệp.

* Nhưng lạ là các người con của Phạm Duy đều trở thành những ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm có tiếng, nhưng không ai trở thành nhạc sĩ sáng tác giống như ông. Phải chăng cái bóng của bố Phạm Duy quá lớn nên không người con nào của ông dám đi vào vùng “bóng râm”?
 
- Cũng đã có nhiều người hỏi tôi câu này. Hồi mới lớn, chơi trong ban nhạc gia đình, tôi vừa đàn vừa hát. Lúc đó tôi thấy trong một ban nhạc cần có người nổi lên ở từng lĩnh vực. Hát là anh Quang (Duy Quang), sáng tác là bố (Phạm Duy), nên tôi mon men sang tìm hiểu về hòa âm. Đấy là tôi nghĩ thế. Quả thực lúc ấy tôi mới 15 tuổi nhưng đã cảm thấy mình có khiếu về hòa âm rồi. Thôi thì, nếu Trời cho mình một hạt giống nào đó, thì mình nên phát huy hạt mầm ấy và nếu tôi làm hòa âm tốt thì sẽ hỗ trợ cho mọi người trong gia đình.
 
Mẹ Thái Hằng và Duy Cường lúc nhỏ

Sau này, khi sang Mỹ, được học nhạc thêm, nghiên cứu về sáng tác, tôi hiểu ra rằng phải có ngôn ngữ (âm nhạc) riêng của mình thì hẵng nên sáng tác, bằng không thì… thôi vậy !

Đối với tôi, âm nhạc của bố giống như dải Trường Sơn vậy. Vì biết nhiều những gì bố viết nên tôi cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của ông. Nếu phải leo qua dải Trường Sơn thì có vẻ hơi mệt đấy, có nghĩa phải bước được qua những gì ông đã viết. Thành thử tôi nghĩ nên có ngôn ngữ và phong cách riêng để đừng dẫm theo bước đi của bố. Anh Duy Quang cũng có viết bài hát, nhưng chưa được nhiều, chắc có nhẽ anh ấy cũng “bị” giống tôi. Tôi nghĩ chuyện đó cũng là bình thường. Thôi, nổi tiếng làm hòa âm là được rồi (cười).

* Có ông bố là nhạc sĩ nổi tiếng nên con đường âm nhạc của anh và các anh chị em trong nhà dễ dàng hơn, thuận lợi hơn người bình thường ?

- Ít người biết rằng: ngày xưa khi chúng tôi còn bé, ông đâu cho chúng tôi học nhạc và chơi nhạc! Có nhẽ ông không muốn cho chúng tôi đi theo nghề này (?) Anh Quang và anh Hùng đã từng bị ông đập vỡ 3 cây đàn !

Còn tôi thì tự học bằng cách đợi bố đi làm, lấy chìa khóa mở đàn piano tập một mình. Lúc đó không có sách, không ai dạy. Phương pháp của tôi là nghe nhạc thật nhiều và lưu vào bộ nhớ để thuộc lòng, khi ngồi vào đàn, tập trung để nhớ lại và đánh lại. Một thời gian bố tôi phát hiện ra, bèn đưa chìa khóa đàn cho mẹ giữ. Rất may, mẹ thương tôi nên nịnh mẹ là lấy được chìa khóa. Cả thuở bé tôi đã học nhạc như vậy.

Năm 1969, nhân lúc bố mẹ đi Pháp biểu diễn, anh Quang lôi tôi, lúc ấy 13 tuổi, đi diễn ở Nha Trang cùng nhóm FreeOnes (Những người tự do). Đang diễn thì nhận điện tín bố đánh ra Nha Trang gọi về Sài Gòn. Lúc đó về nhà mà sợ lắm, sợ bị bố đánh. Nhưng ông ôm chúng tôi vào lòng. Và từ đó ông chấp nhận cho chúng tôi đi chơi nhạc. Sau đó ông sáng tác nhiều bài cho anh Quang hát như : Chuyện tình buồn, Em hiền như ma-xơ, Còn một chút gì để nhớ, Hai năm tình lận đận, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ… Ông còn viết cho chị Julie Quang (ca sĩ Julie, vợ đầu của ca sĩ Duy Quang) những bài như: Mùa Thu chết, Con quỳ lạy chúa trên trời, Trả lại em yêu… Sau đó ông sáng tác cho Hiền (Thái Hiền) những bài nữ ca như Tuổi thần tiên, Tuổi mộng mơ, Tuổi hồng, Bé ca, Đồng ca… Đến năm 1975, đến “tua” ông định “lăng xê” Duy Cường thì… gia đình di tản, thế là… coi như xong luôn, OK luôn ! (cười).

Yêu một vạn người như một người thôi…

* Tuy chưa kịp được lăng xê nhưng sau này anh là người hòa âm hầu hết các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy ở hải ngoại, và cả ở Việt Nam mấy năm nay khi trở về. Cái tên Duy Cường được nhắc đến như một nhạc sĩ hòa âm số một trong làng ca nhạc hải ngoại, xem như là anh cũng được… “lăng xê” thành công rồi ! Trên thực tế, một ca khúc thành công bao giờ cũng là cuộc “hôn phối” thành công, sự hòa hợp của nhạc sĩ sáng tác ca khúc và nhạc sĩ hòa âm phối khí. Có vẻ như trong số 8 anh chị em, anh là người gần gũi nhất với bố?

- Từ nhỏ tới giờ, tôi luôn xem ông như người bạn gần. Là người hay băn khoăn nhiều thứ, gặp chuyện gì tôi cũng hay hỏi bố, từ tình yêu, âm nhạc, bạn bè, cuộc đời,… Hai bố con thân nhau như hai người bạn.
 
Ban nhạc gia đình, người hát là Julie

* Nhân nói chuyện tình yêu, nhiều người yêu thích tình ca của Phạm Duy đều nghĩ rằng sở dĩ ông có nhiều bản tình ca đẹp, làm mê đắm lòng người nhiều thế hệ như vậy vì ông có nhiều mối tình và người ta thêu dệt mỗi bản tình ca Phạm Duy là một câu chuyện tình có thật. Sự thật có phải như vậy không anh ?

- Nhạc phẩm của Phạm Duy nói rất nhiều về tình yêu, và đó là thứ tình yêu rất rộng, yêu quê hương đất nước, yêu người mẹ già, yêu trẻ thơ, yêu bác nông phu… Ông cũng có những bài tặng vợ, như Đêm xuân, Thằng cuội.

Viết về người yêu, trong nhạc ông có rất nhiều, nhưng tình yêu thì chỉ có một người. Có lẽ 90 đến 95% câu chuyện trong những bản tình ca đó liên quan tới người thật, nhưng như tôi biết, thì chỉ liên quan đến một người thôi. Đúng với cái nghĩa “Yêu vạn người như một người thôi”, đó là quan điểm về tình yêu của Phạm Duy.

* Người bằng cả vạn người ấy, thật sự khiến tôi rất đỗi tò mò…

- Người ấy thì nhiều người biết, vì có cả một cuốn sách viết về chuyện này, cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn, NXB Việt Nam phát hành năm 1972, do Tạ Tỵ viết, Tỵ là bạn thân của bố tôi.

Đó là một người phụ nữ đẹp, thơ mộng và mơ mộng, một vẻ đẹp rất kỳ lạ và rất thanh khiết, tôi được gặp bà lúc tôi còn bé nhân dịp bà ghé đến nhà tôi. Hai người yêu nhau cả 10 năm, bà viết tặng bố tôi cả trăm bài thơ. Bài Tôi đang mơ giấc mộng dài, lời ca chính là thơ của bà. Nhưng đó là một mối tình hoàn toàn trong sạch theo đúng nghĩa đen của từ này. Đến khi biết không thể tiếp tục được nữa thì mỗi người mỗi ngả. Cũng từ đó tôi hiểu thế nào là một tình yêu cao thượng. Điều ấy cũng đã ảnh hưởng đến tâm hồn tôi rất nhiều.
 
Ban nhạc gia đình Dreamers
 
Tôi nghĩ, nếu không có chuyện tình này sẽ không có 80% nhạc tình Phạm Duy. Và trong câu chuyện này, người hạnh phúc nhất là chúng ta: là những người được nghe, những người được mượn những tình khúc ấy để tỏ tình khi mới yêu nhau (khi “tình xanh khi chưa lo sợ”), hay đã được sống hạnh phúc cũng như đau khổ với những mảnh tình ca ấy, lúc nào những tình khúc ấy cũng ở bên mình. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ ở thế hệ của tôi hoặc lớn hơn, đã yêu và viết tặng nhau hoặc hát cho nhau nghe những bài như :

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời

Và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối …

Ít nhiều những bài tình ca ấy đã một lần sống trong cuộc tình và cuộc đời của chúng ta và nó đã là chứng nhân, hoặc nó là một phần đời của chúng ta.

Còn ít nhất có 3 người đau khổ: mẹ tôi, người phụ nữ ấy và bố tôi.

* Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi/Còn gì đâu nữa mà khóc với cười… Vài cánh xương hoa nằm ép trong thư/Rồi sẽ tan đi bụi mờ/Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho/Thả gió bay đi mịt mù…-Nghìn trùng xa cách-được xem như một “tuyệt đỉnh tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy, tất cả đều là có thật: cánh xương hoa, vạt tóc nâu khô…?

- Nghìn trùng xa cách là bài nhạc tuyệt vời, chứa chất nhất câu chuyện này, được viết sau khi hai người chia tay. Tôi nghĩ mọi chuyện rồi phải như vậy thôi. Hiện mọi kỷ vật của cuộc tình này tôi vẫn còn giữ. Đó là bổn phận của tôi. Với tôi, đó là báu vật của một cuộc tình.
 
Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy (Duy Cường hàng hai, bên trái)
 
 * Có phải vì quá yêu bố mà anh nhìn cuộc tình này đẹp đến thế không? Trong khi ai cũng biết nhạc sĩ Phạm Duy là một người rất đa tình ?

- Tôi nghĩ những mối tình có thể có nhiều, nhưng tình yêu thì chỉ có một. Từ kinh nghiệm bản thân (cười). Bố tôi là người may mắn. Có ai có quyền lựa chọn tình yêu đâu nhỉ? Nó đến với mình là một sự may mắn hay một ân sủng của Thượng Đế?

* Tôi vẫn thắc mắc về mẹ anh: khi mọi người đều biết chuyện, thì bà…

- Tôi nghĩ bố tôi là người được nhiều may mắn. Nếu không phải mẹ tôi, thì sự nghiệp âm nhạc của ông chắc sẽ khác… Mẹ tôi là một người phụ nữ đặc biệt. Bà cho bố tôi hoàn toàn tự do. Khi cuốn sách Phạm Duy còn đó nỗi buồn xuất bản, lần đầu tiên tôi thấy mẹ buồn. Nhưng sau đó bố tôi dỗ dành, bà lại thôi. Mẹ độ lượng. Mẹ là người sống khép kín, không bao giờ cởi mở ra bên ngoài chuyện riêng, ở với bố tôi, bà chấp nhận hết. Nhưng nói cho cùng, bố tôi luôn có trách nhiệm đầy đủ với gia đình và đối xử tốt với vợ con. Suốt mấy chục năm ở với nhau, chưa bao giờ tôi thấy bố tôi lớn tiếng với mẹ.

* Về “khoản” đa tình, có đời sống tình cảm mạnh mẽ, xem ra anh không bằng bố ?

- Sự mãnh liệt, khao khát tình yêu ai mà chẳng có, có điều cách bộc lộ lại tùy thuộc từng tính của mỗi người. Có nhẽ tôi giống mẹ ở cái “khoản” khép kín, nhưng đa tình thì bố 10 chắc tôi cũng được 9 (cười).

Sẽ mở một club gia đình

* Sự dè dặt khiến anh hầu như “mất hút” dù đã về lại Việt Nam mấy năm rồi, trong khi anh Duy Quang thì phơi phới, vừa mở phòng trà ca nhạc vừa lấy vợ. Anh định tà tà đến bao giờ ?

- Tôi vốn là người thích sống âm thầm, hơn nữa tôi mới thật sự ở hẳn đây 3 năm nay, muốn có thời gian để ổn định cả vật chất lẫn tinh thần, khi ấy đón nhận cái mới có nhẽ sẽ dễ dàng hơn? Còn chuyện tình cảm thì chúng ta đâu có thể định trước được, phải không ?

Về công việc, tôi cũng không muốn làm hùng hục như ngày xưa nữa, vì bản thân đã làm việc quá nhiều rồi, bây giờ nhẹ nhàng thôi. Công việc xưa thế nào thì bây giờ vẫn tiếp tục vậy. Con tằm phải nhả tơ mà. Hiện nay tôi đang muốn mở một studio để làm cái riêng cho mình và hợp tác với những người có cùng ý tưởng. Dự án này cũng sẽ thành lập một ban nhạc, chơi nhạc ngoại và nhạc Việt thập niên 1960, thời kỳ mà rock mới du nhập vào Việt Nam, thời kỳ mà tôi vừa lớn lên.

* Còn bao giờ thì gia đình âm nhạc Phạm Duy có một cuộc “trở lại” được nhiều người mong chờ ?

- Chúng tôi cũng dự định tìm một địa điểm mở một club (dự định này chắc phải từ từ thôi vì tình hình kinh tế lúc này đang khó khăn), coi như tôi chuẩn bị “cơ sở”, nếu các anh và em tôi quay về, lúc ấy sẽ có chỗ để chơi, hơn là để khi mọi người về rồi mới bắt đầu. Đó là dự định thôi, còn thành hay không lại là vấn đề khác nữa.

* Thế hệ thứ ba trong gia đình Phạm Duy có ai theo nghiệp đàn ca không anh ?

- Có con trai của Thái Thảo có khiếu chơi đàn và con trai Thái Hạnh rất thích hát, nhưng ở bên đó không có môi trường phát triển nên e rằng hơi khó…
 
Phạm Thị Thu Thủy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›