Sau ba tháng điều tra, cảnh sát kinh tế xác minh Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không có sai phạm đáng kể mà chỉ tồn tại một số hạn chế, thiếu sót.
Thành lập hơn 10 năm, VCPMC lần đầu đối diện với sự phản ứng mạnh mẽ từ nghệ sĩ và cơ quan chức năng. Trước các phản ánh rằng VCPMC không có tư cách pháp nhân nhưng đã đứng ra thu tiền sử dụng tác phẩm một cách tùy tiện, sử dụng tiền có nhiều biểu hiện bất minh, không thực hiện đúng chế độ tài chính kế toán của Nhà nước, để ngoài sổ sách hàng trăm triệu đồng chi tiêu riêng…, Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công an (C46) đã vào cuộc.
|
Phía công an kinh tế chỉ cho rằng, VCPMC thiếu sót khi thu tiền trọn gói của các công ty, tổ chức trong đó có cả bài hát của các tác giả chưa ủy quyền cho trung tâm. VCPMC là tổ chức quản lý tập thể nhưng lại hạch toán theo chế độ kế toán doanh nghiệp, một số cán bộ còn non kém về nghiệp vụ, trang thiết bị còn yếu… dẫn đến thiếu sót, hạn chế trong thu chi. C46 kết luận: Không phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng tại VCPMC.
Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, trong lịch sử ngành, chưa từng có vụ thanh tra nào không phát hiện ra dấu hiệu sai phạm tại các đơn vị, tổ chức, trừ VCPMC. Trước kết luận của cơ quan chức năng, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia sẻ, ông từng thấy buồn và tự ái khi VCPMC bị điều tra nhưng kết quả đã trả lại sự trong sạch cho trung tâm này. Ông cũng hứa sẽ hoàn thiện hoạt động của trung tâm để khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà Cục cảnh sát kinh tế nêu ra. Theo nghệ sĩ Quốc Chiêm - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội, VCPMC nên hoàn thiện barem thu tiền để tránh thắc mắc từ nghệ sĩ.
|
Số lượng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy thác cho VCPMC hiện là 2.178 thành viên. Theo con số trung tâm này đưa ra, 90% thành viên được hỏi đồng ý với mức hành chính phí hiện nay, 86% thành viên được hỏi đồng ý với biểu mức thu tiền mà VCPMC áp dụng, 85% thành viên trả lời đã xem kỹ bảng kê chi tiết và phần thuế thu nhập cá nhân khi nhận phân phối tại Trung tâm.
Những tranh cãi về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ 16/2, khi trung tâm này vận động các nhạc sĩ ký vào đơn tố Cục nghệ thuật biểu diễn tiếp tay cho các "bầu sô" trốn nghĩa vụ với tác giả thông qua việc cấp giấy phép mà không yêu cầu xuất trình hóa đơn nộp tiền tác quyền ca khúc và đề nghị Cục bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền tác giả trước khi cấp phép. Đại diện Cục khẳng định văn bản này không có giá trị pháp lý vì các nhạc sĩ ký trước khi nội dung khiếu nại được soạn thảo và cho biết Cục không có trách nhiệm thu tiền hộ VCPMC. Ngày 16/3, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tiếp tục nhận được văn bản của VCPMC tố cáo một số công ty tổ chức biểu diễn đã “cố tình vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả” nhưng VCPMC không cung cấp hợp đồng ủy thác của các tác giả với VCPMC nên phía Cục nhìn nhận văn bản không có giá trị. Cục cũng tố trung tâm đang có sự nhập nhèm tiền nong: “VCPMC rất mập mờ, thậm chí có biểu hiện sai phạm về thu chi tài chính”. Một số nhạc sĩ tên tuổi như Phú Quang, Quốc Trung… phản đối VCPMC, cho rằng trung tâm này một năm thu 40 tỷ đồng, giữ lại 10 tỷ đồng bỏ túi nhưng lại không có động thái bảo vệ “đứa con tinh thần” của các nghệ sĩ, không cho họ tiếp cận với văn bản thể hiện sự thu chi cụ thể từng khoản, mục của VCPMC. NSND Trần Bình thấy bức xúc khi nghe tin nhạc sĩ Phó Đức Phương hưởng mức lương 45 triệu đồng một tháng và định thành lập một Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả khác để tạo sự minh bạch, công tâm. Mâu thuẫn giữa VCPMC với Cục và một số nghệ sĩ kéo dài trên tờ báo nội bộ của Cục và một số tờ báo ngành dẫn đến sự vào cuộc của Cảnh sát kinh tế hồi giữa tháng 3. |