(Thethaovanhoa.vn) - Bằng triển lãm TechNoPhobe khai mạc lúc 18h ngày 31/3 và kéo dài trong 6 tuần, Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (FCAC) cũng chính thức đi vào hoạt động. Như lấp vào khoảng thiếu vắng về không gian đương đại, tuy mới ra mắt, nhưng The Factory (1000 mét vuông) đã cho thấy quy mô và sự bề thế hàng đầu của mình.
Mục tiêu chính của The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2, TP.HCM) là tạo ra một không gian cho các triển lãm đương đại, thư viện nghệ thuật, nơi lưu trú, trao đổi và làm việc.
Tác phẩm 'Laser Target Shooting' của Ưu Đàm khi sắp đặt
Triển lãm TechNoPhobe giới thiệu tác phẩm tiền phong của nghệ sĩ đương đại hàng đầu Ưu Đàm Trần Nguyễn, và các nghệ sĩ mới nổi như Truc-Anh, Lê Thanh Tùng, Cao Hoàng Long, Nguyễn Hồng Ngọc Nâu và Thierry Bernard-Gotteland.
Sự kiện kéo dài 6 tuần này cũng mở ra một chủ đề rộng và lâu dài hơn, đó là Saigon Now, gồm một chuỗi các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo. “Việc xây dựng một mạng lưới nghệ thuật tại Việt Nam để giáo dục và lan truyền cảm hứng cho cộng đồng là rất quan trọng với tôi”, nghệ sĩ Ti-a Thuy Nguyen - nhà sáng lập The Factory - cho biết.
Mỗi nghệ sĩ tại TechNoPhobe có cách tiếp cận tinh thần đương đại riêng, nhưng đáng chú ý hơn là tác phẩm License 2 Draw của nghệ sĩ Ưu Đàm. Tác phẩm này có điểm lý thú là bất kì ai có điện thoại thông minh và ứng dụng kèm theo đều có thể tham gia tạo tác chung một tác phẩm tại một địa điểm cố định.
Ưu Đàm kể rằng khi License 2 Draw trưng bày tại Nhật Bản và Australia gần đây, nhiều khán giả đã không muốn tin vào điều mà họ đang làm. Tác phẩm được tựu thành ngoài chủ đích và sự quán xuyến của tác giả.
Và khi hoạt động
Anh còn 3 tác phẩm khác tại triển lãm lần này, trong đó có Laser Target Shooting khá bí ẩn, kì dị. Nó trông giống như căn phòng của rô-bốt, nơi các tia laser màu xanh đỏ chăm chỉ đốt cháy bề mặt để tạo nên tác phẩm. Chính khán giả là người điều khiển các tia sáng này bằng điện thoại của mình, tác giả không thể chi phối.
Trong thông cáo đưa ra, có đoạn: “The Factory là trung tâm nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam, với một không gian hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Đây là kết luận hơi vội vàng, nên có thể gây tranh cãi, nhưng nó phản ánh được tình trạng khan hiếm các mô hình nghệ thuật đương đại.
Rõ ràng Việt Nam chưa có một bảo tàng riêng về nghệ thuật đương đại, mà ngay trong các bảo tàng chung cũng thiếu các không gian riêng cho đương đại. Đa số các trường cũng không có chuyên khoa hoặc chuyên bộ môn về nghệ thuật đương đại, nên sự thiếu thốn đến từ căn bản.
Nhìn từ khía cạnh này, những nỗ lực của Ti-a Thuy Nguyen và cộng sự là đáng ghi nhận, ủng hộ. Họ cũng đang chuẩn bị xây dựng một The Factory tại Hà Nội.
Văn Bảy