Trong suốt hơn một thế kỷ qua, giới nghiên cứu đã tranh cãi về nguồn gốc của hai bức tượng.
Xác định nguồn gốc nhờ tranh phác họa
Chúng mô tả hai người đàn ông khỏa thân, đang cưỡi trên những con báo dữ tợn. Hai bức tượng gây ấn tượng mạnh về thị giác, được đánh giá là những tác phẩm quan trọng, đại diện cho nghệ thuật thời Phục hưng.
Một số chuyên gia cho rằng Michelangelo làm hai bức tượng này ngay sau thời điểm hoàn thành bức tượng đá cẩm thạch David nổi tiếng, nhiều tháng trước khi ông trang trí trần nhà nguyện Sistine ở Roma. Tuy nhiên cũng có ý kiến không công nhận đây là tượng của Michelangelo.
Mặc dù nguồn gốc của hai bức tượng chưa được khẳng định rõ, chúng luôn được coi là những tác phẩm có giá trị. Tại cuộc đấu giá do hãng Sotheby’s tổ chức năm 2002, hai bức tượng này đã đạt giá 1,8 triệu bảng (2,7 triệu USD). Nếu đây đích thực là các tác phẩm của Michelangelo, giá trị của chúng sẽ tăng lên gấp bội.
Được chế tác vào năm 1508, song đến thế kỷ 19, thông tin về hai bức tượng này mới được lưu vào hồ sơ, khi chúng xuất hiện trong bộ sưu tập của Nam tước Adolphe de Rothschild ở Paris.
Trong một cuộc triển lãm năm 1878, nam tước Rothschild tuyên bố đây là các bức tượng của Michelangelo. Ngay lập tức, ý kiến của ông đã bị các học giả bác bỏ.
Kể từ đó, hai bức tượng đã qua tay nhiều chủ. Cứ mỗi lần đổi chủ, chúng lại được gắn với tên tuổi một nghệ sĩ khác, gồm cả nhà điêu khắc Hà Lan Willem Danielsz Van Tetrode.
Tuy nhiên, hồi năm ngoái lại nổi lên ý kiến cho rằng đây là tác phẩm của Michelangelo. Người sở hữu chúng liên hệ với Paul Joannides, giáo sư nghệ thuật thuộc trường Đại học Cambridge. Joannides có nói với vị chủ sở hữu này về những bức phác họa ít người biết đến, thuộc về một trong những học trò của Michelangelo.
Joannides cho biết ông đã tới Bảo tàng Fabre ở Montpellier, Pháp, để nghiên cứu về các bức phác họa trên. Ông phát hiện ra ở góc của một bức phác họa có hình vẽ nguệch ngoạc mô tả một người đàn ông lực lưỡng đang ngồi trên lưng báo. Tư thế của người cưỡi báo giống với một trong hai bức tượng đồng.
Các chuyên gia cho rằng người học trò này đã sao chép các phác họa của Michelangelo, được ông vẽ ra khi chuẩn bị làm tượng. Việc học trò chép lại tranh của thầy vốn không phải là chuyện lạ dưới thời Michelangelo.
Nhiều điểm tương đồng với tác phẩm của Michelangelo
Các bức phác họa gốc của Michelangelo đã bị thất lạc hoặc tiêu hủy từ lâu. Tuy nhiên bản tranh phác thảo của người học trò vẫn còn tồn tại. Đây được xem là yếu tố đóng vai trò mấu chốt, giúp giải mã bí ẩn về tác giả của hai bức tượng.
Cảm thấy hướng giả thuyết mới có sức nặng, Joannides đã tiến hành nhiều phân tích sâu hơn để chứng minh giả thuyết của mình. Ông so sánh hai bức tượng với các tác phẩm khác của Michelangelo và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về phong cách nghệ thuật và kiến thức giải phẫu học.
“Nhiều người thường chủ quan khi gắn tên tuổi Michelangelo với một tác phẩm nào đó. Cứ sau một đến hai năm lại có ai đó đưa ra một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc mới, cho rằng tác giả của nó là Michelangelo. 99,99% trong số những tuyên bố đó đều không chính xác. Nhưng lần này chuyện lại rất khác” - ông nói.
Sử dụng tia X để nghiên cứu, Joannides và cộng sự xác định hai bức tượng này có niên đại vào đầu thế kỷ 16. Họ còn đưa hai bức tượng tới chỗ giáo sư Peter Abrahams, nhà giải phẫu học thuộc trường Đại học Warwick, để so sánh chi tiết với các tác phẩm khác của Michelangelo.
Sau khi xem xét, giáo sư Abrahams nói rằng ông gần như chắc chắn hai bức tượng đồng là của Michelangelo. “Trong những năm 1500, không nghệ sĩ nào có đủ kiến thức về giải phẫu học và kỹ năng làm tượng tốt như Michelangelo. Họ không thể tạo ra những người đàn ông cơ bắp hoàn hảo đến như vậy” - ông nói.
Tiến sĩ Victoria Avery, phụ trách nghệ thuật tại Bảo tàng Fitzwilliam, nơi đang mượn bức tượng từ một bộ sưu tập tư nhân để trưng bày triển lãm, nói thêm: “Hai bức tượng này gây ấn tượng rất mạnh. Chúng tôi hy vọng công chúng sẽ tới triển lãm, tự thẩm định và tham gia vào cuộc tranh cãi đang rất sôi nổi về nguồn gốc của chúng”.
Nếu được chứng minh là tác phẩm do Michelangelo tạo ra, hai bức tượng người cưỡi báo cũng là những tác phẩm tượng đồng cuối cùng của ông còn tồn tại tới nay. |
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags