(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đời của nhà tỷ phú Mỹ Howard Hughes đã được mô tả nhiều trên màn bạc, truyền hình. Song có thể nói, đạo diễn Warren Beatty là người dày công nhất khi kể câu chuyện về nhà tỷ phú lập dị này trên màn bạc, với... 40 năm "thai nghén".
Có tên Rules Don’t Apply, bộ phim đã được tung ra vào cuối tháng 11 vừa qua. Trong đó, Warren Beatty đồng thời là là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất và diễn viên chính.
“Tay chơi” lẫy lừng ở Hollywood
Sinh ra trong một gia đình có cha là bậc thầy về khoan lưu động trong nền công nghiệp dầu lửa, Hughes được sống trong cảnh xa hoa, vương giả từ bé, nhưng lại được mẹ nuôi dưỡng với những cách lạ lùng.
Mẹ Hughes là người bị ám ảnh với bệnh tật và bà thường ngủ cùng con trai. Để cân bằng sự nuôi chiều con một cách thái quá của vợ, cha ông đưa con tới các trường nội trú. Tuy nhiên, cậu con trai nhút nhát và hơi khiếm thính Hughes lại không theo học được trong các ngôi trường đó. Nhưng cậu lại tìm được niềm đam mê trong lĩnh vực hàng không và điện ảnh.
Khi cha mẹ Hughes qua đời, họ để lại cậu con trai 18 tuổi trông ủ ê, học hành dở dang và gặp một số rắc rối về sức khỏe. Hughes đã rời khỏi Houston để tới Hollywood, nơi người chú Robert là một nhà biên kịch.
Nhà tài phiệt Howard Hughes trên máy bay riêng
Hughes đã tiêu xài khoản thừa kế mà cha mẹ ông để lại một cách nhanh chóng. Theo những gì mà Peter Harry Brown và Pat H Broeske viết trong cuốn tiểu sử Howard Hughes: The Unknown Story: “Ông mua đầy khay những chiếc đồng hồ đắt tiền, lạ mắt và trong một buổi tối sắm tới 20 bộ cánh hiệu Brooks Brothers”.
Nhưng Hughes không phải là kẻ chỉ biết ăn chơi, tiêu xài hoang phí. Thời trai trẻ, Hughes chi nhiều tiền bạc cho phim ảnh. Hughes đã vung ra khoản tiền kỷ lục thời đó, 3,8 triệu USD, để đầu tư cho bộ phim sử thi về cuộc chiến trên không có bối cảnh trong Thế chiến I, mang tựa đề Hell’s Angels. Hughes đã thuê 3 đạo diễn và đều sa thải họ trước khi tự tay làm phim.
Sau một thời gian dài bị ngưng trệ sản xuất, cuối cùng phim cũng được hoàn tất vào năm 1930. Đáng nói, phim gặt hái thành công doanh thu và được giới phê bình ca ngợi đồng thời đưa người đẹp tóc vàng bạch kim Jean Harlow trở thành ngôi sao. Lúc đó, trong mắt mọi người Hughes không còn là một chàng trai trẻ Texas mới phất nữa mà là một tay chơi ở Hollywood. Và vây theo ông là những người phụ nữ đẹp nhất kinh đô điện ảnh.
Sau thành công của phim Hell’s Angels, ông bắt đầu làm phim về những thể loại khác, trong đó có phimViễn Tây The Outlaw. Không giống như Hell’s Angels, phim này bị giới phê bình chê bai. Đáng nói, Hughes đã áp dụng chiêu marketing tài tình về nhân vật Russell và sự dâm ô trong phim. Do vậy, nó lại trở thành một tác phẩm ăn khách.
Sự nhạy bén và tinh tường của Hughes trong kinh doanh và công nghệ đã đưa ông trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Trong năm 1966-1968, Hughes đã mua nhiều khách sạn và sòng bạc hơn bất cứ nhà đầu tư nào trong lịch sử thành phố Las Vegas.
Những thói quen điên khùng
Trong suốt cuộc đời mình, Hughes đã bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cùng nhiều bệnh liên quan đến sức khỏe thần kinh khác. Hughes có thể đốt hết tủ quần áo của mình nếu như nghĩ trong nhà mình có quá nhiều vi trùng và rửa tay kỹ đến mức chảy máu.
Một số nhà viết tiểu sử cho rằng chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức đã góp phần tạo nên thành công của Hughes bởi nếu không mắc chứng bệnh đó thì ông không thể là người cầu toàn tuyệt đối đến vậy. Hughes kỹ lưỡng trong cả cách chọn đồ lót cho tới những chiếc đinh tán trên cánh máy bay nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, căn bệnh khiếm thính và sự bất ổn định về cảm xúc của ông nặng thêm, Hughes sống ẩn dật, giam mình trong các khách sạn và ngồi xem đi xem lại các bộ phim. Chưa kể, Hughes còn có thói quen không cắt móng tay và đựng nước tiểu trong lọ.
Khi qua đời hồi năm 1976, Hughes đã khép lại vòng tròn của cuộc đời mình, đầu đời ngồi cô đơn xem phim trong căn phòng tối và chết cô độc trong một phòng chiếu tối tăm.
Sự lập dị, ẩn dật và điên khùng của nhà tỷ phú ấy có thể lý giải vì sao đạo diễn Beatty lại muốn làm phim về Hughes đến mức ám ảnh như vậy.
Dấu ấn đặc biệt trong ngành hàng không Những việc làm mạo hiểm của Hughes trong ngành hàng không đã được mô tả trong The Aviator – bộ phim có sự tham gia của Leonardo DiCaprio. Chẳng hạn Hughes mua TWA, chiếc máy bay đã đưa ông trở thành một người hùng quốc gia với chuyến bay khắp thế giới và đạt kỷ lục tốc độ trên không xuyên lục địa. Hay Hughes đã tạo dựng chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Năm 1966, công ty của Hughes còn thiết kế và chế tạo Surveyor 1, máy bay Mỹ đầu tiên hạ cánh trên mặt Trăng. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags