(Thethaovanhoa.vn) – Làm thế nào một bộ phim cổ điển của Disney từ năm 1967 lại gây được tiếng vang lớn hơn cả Titanic, Avatar hay Star Wars tại Đức?
- Siêu phẩm 'The Jungle Book' bị tố phân biệt chủng tộc
- Disney chọn diễn viên vô danh cho vai chính 'The Jungle Book'
The Jungle Book (dịch: Cậu bé rừng xanh), bản vừa làm lại của Jon Favreau đã có tuần công chiếu rất thành công tại Đức với gần nửa triệu vé bán ra, thu về 5,6 triệu đô, là bộ phim ăn khách nhất của Disney kể từ Alice ở xứ sở thần tiên năm 2010.
Tuy nhiên, so với bản đầu tiên năm 1967, bản mới 2016 chưa thấm tháp gì.
Cậu bé rừng xanh bản 1967
Cậu bé rừng xanh của đạo diễn Wolfgang Reitherman không chỉ là bộ phim của Disney thành công nhất tại Đức, cũng không chỉ là bộ phim hoạt hình thành công nhất tại nước này, mà là bộ phim thành công nhất mọi thời đại từng chiếu tại Đức.
Tại Đức, Cậu bé rừng xanh bản 1967 bán được 27,3 triệu vé, vợt xa Titanic – bộ phim thành công thứ hai với 18,8 triệu vé bán ra. Trong khi đó, Avatar ở vị trí thứ ba với 11,3 triệu vé. Siêu phẩm Thần lực thức tỉnh cũng chỉ bằng 1/3 với gần 9 triệu vé.
Vì đâu Cậu bé rừng xanh phiên bản 1967 lại đạt được sự thành công đáng kinh ngạc này ở Đức?
Câu trả lời đó là nhờ vào tài năng của nhóm nhạc sĩ và nghệ sĩ nhạc kịch Đức – những người đã chuyển thể xuất sắc các ca khúc của Disney sang tiếng Đức với nội dung phù hợp với người dân nước này.
Trong số này, đặc biệt nhắc tới nhà soạn nhạc và sản xuất âm nhạc Heinrich Riethmuller – người trước đó đã thành công trong việc lồng tiếng Đức cho phim Mary Poppins của Disney năm 1964. Với Cậu bé rừng xanh, lần đầu tiên Riethmuller được giao toàn quyền: dịch sang tiếng Đức phần hội thoại, chuyển thể các bài hát trong phim và chỉ đạo bản lồng tiếng của phim.
“Tôi thường không thích các phiên bản lồng tiếng bằng bản gốc, nhưng trong trường hợp này, bản tiếng Đức thật sự hay hơn”, nhà phê bình phim và là chuyên gia hàng đầu về phim hoạt hình ở Đức Daniel Kothenschulte nhận định. “Riethmuller đã chuyển thể lời các bài hát trong Cậu bé rừng xanh còn hay hơn bản gốc”.
Ví dụ, trong bài “tủ” của Baloo The Bare Necessities, bản gốc viết “hãy hài lòng với những điều giản đơn trong cuộc sống” còn bản chuyển thể là “hãy thư giãn và bạn sẽ hạnh phúc”.
Bản 2016 Cậu bé rừng xanh bị nhiều người cho là đáng sợ với trẻ nhỏ
Riethmuller cũng tập hợp được một đội ngũ lồng tiếng đặc biệt tài năng. Ngoài ra, các bộ phim Mỹ trước đây khi dịch sang tiếng Đức luôn sử dụng ngôn ngữ rất mô phạm. Bản dịch của Riethmuller đầy tiếng lóng, tiếng địa phương và rất hài hước. Văn phong này phù hợp hoàn hảo với lối sống hippie đang rất thịnh hành ở Đức khi đó.
Cậu bé rừng xanh thành công cũng là nhờ xuất hiện đúng lúc, khi thị trường sân khấu Đức đang lạnh tanh. Năm 1968, đây là bộ phim duy nhất chiếu ở rạp Đức mà mọi thành viên trong một gia đình đều hào hứng tới xem.
Bộ phim này cũng tạo ảnh hưởng lớn tới văn hóa điện ảnh Đức. Năm 2003, Cậu bé rừng xanh là bộ phim hoạt hình duy nhất trong danh sách 35 phim được các nhà làm phim, phê bình, lịch sử và giáo dục Đức chọn để đưa vào các trường học và đại học ở nước này.
Disney đã rất ấn tượng với bản tiếng Đức của Cậu bé rừng xanh, tới mức thuê Riethmuller làm lại các bản lồng trước đó, bao gồm Bambi, Dumbo, Pinocchio, The Lady, The Tramp và 101 Dalmatians, tất cả đều thành công khi tái phát hành ở Đức.
Năm 2014, tức 46 năm từ khi phát hành, khi Cậu bé rừng xanh bản cũ được chiếu miễn phí trên TV, nó vẫn thu hút 5,3 triệu người xem.
Theo nhà phê bình Đức Kothenschulte, so với bản năm 1967, bản mới “tăm tối” hơn, và nhiều gia đình có trẻ nhỏ có thể sẽ không muốn tới rạp xem.
Bản mới của Favreau có thể sẽ vẫn rất rầm rộ, ít nhất là ở Đức, nhưng nó không thể thay thế được bản cũ của trong lòng người hâm mộ nước này.
Tags