Vì sao Táo Quân được chờ đợi?

Thứ Tư, 11/02/2015 07:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Ngày 12/2, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức ghi hình chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2015. Năm thứ 12 được tổ chức, chương trình vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bài viết của PGS Nguyễn Thị Minh Thái lý giải về sức hút này của Táo Quân. Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết này.

1. Ngày Xuân xa, trong thơ Nguyễn Bính, có làn mưa bụi rơi êm trên con đường làng quê Bắc Bộ cổ truyền lát gạch nghiêng, tôi tối bóng tre, nồng nàn hương hoa bưởi. Cô thôn nữ ngây thơ dừng tay dệt lụa, háo hức nghe mẹ, lòng đã xôn xao tâm trạng hội hè: Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay.

 Ngày xuân ấy, ai ai cũng đều ngóng đợi Lễ hội, Lễ Tết, đông vui già trẻ lớn bé rủ nhau xem hát chèo, tâm trạng sướng vui khi xem hề chèo - nhân vật hài hước, mang hồn vía của chèo cổ sân đình, biểu trưng cho nụ cười vui thú, hân hoan, khỏe khoắn và rộn ràng nhất cái màu sắc hội hè đình đám của người dân quê châu thổ Bắc Bộ.


Cảnh trong chương trình Táo Quân 2014

Thời hiện đại, đông đảo người Việt hôm nay vẫn muốn giữ thói quen truyền thống, khi ngóng chờ chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) như ngày xưa, các thế hệ cha ông đã từng chờ đợi, từng cười hả hê, hòa cảm với tiếng cười trong mùa Tết Nguyên đán của các nhân vật hề trên sân khấu đầu Xuân: hề chèo, hề tuồng, hề cải lương, hề kịch (du nhập từ thể loại kịch của phương Tây từ thế kỷ 20).

Cho nên, xét từ góc nhìn văn hóa, Gặp nhau cuối năm - Táo quân, đã có thâm niên 12 năm của VTV, hiển nhiên trở thành một sự kiện nghệ thuật có điểm tựa vững chắc từ truyền thống biểu diễn và thưởng ngoạn sân khấu cổ truyền của người Việt.

2. Không phải ngẫu nhiên, dân gian Việt đã tổng kết về tính triết học sâu sắc của tiếng cười, khi người Việt có thể đạt tới trình độ nghệ thuật “khóc lên tiếng cười và cười ra nước mắt” qua các nhân vật hề trên sân khấu cổ truyền. Và cũng không tình cờ, một nhà triết học phương Tây đã cho rằng: Nhân loại cười để giã từ quá khứ một cách vui vẻ. Giã từ một năm cũ, đón đợi một năm mới, có lẽ chính nhà Đài đã có lý khi cho rằng không gì tốt hơn là việc tổ chức chương trình Táo Quân hàng năm, với ý nghĩa triết học thâm thúy như trên.

Vậy nên, từ năm 2015, nhìn vào cách tổ chức chương trình hài Táo Quân của nhà Đài từ đầu năm 2014, công chúng có thể hy vọng sẽ được thấy những sự kiện, những nhân vật, những vấn đề thời sự nóng sốt nhất, dù đã được truyền thông mạnh mẽ, rõ ràng trên báo chí suốt cả năm 2014, thì chắc chắn sẽ được đưa vào nội dung cốt lõi của chương trình Táo Quân 2015, với cái nhìn hài hước, độc đáo, mới mẻ, xuyên suốt từ việc tổ chức kịch bản đến việc dàn dựng của đạo diễn Đỗ Thanh Hải…

Các danh hài đã thể hiện xuất sắc các vai Táo, đặc biệt là những vai rất khó thay thế, như Táo Giao thông của Chí Trung. Năm 2014, có tin NSƯT Chí Trung không đóng vai Táo Giao thông nữa đã khiến rất nhiều khán giả thất vọng, đủ để biết khán giả yêu quý vai diễn này thế nào. Năm nay Chí Trung lại tái xuất, dù anh quyết định đây có khi là lần xuất hiện cuối cùng.

Bên cạnh Táo Giao thông Chí Trung, là nhân vật Táo Y tế Vân Dung rất chanh chua đáo để, đã “đóng đinh” vào chương trình với ấn tượng độc đáo. Công Lý chuyên sắm vai "cô Đẩu", sặc sỡ, màu mè và ẽo ợt, cũng gây những ấn tượng khó phai. Rồi Quang Thắng có thể xoay chuyển, vào đến mấy vai Táo, mà không vai nào giống vai nào: Táo Giáo dục, Táo Giao Thông, Táo Quy hoạch, Táo Kinh tế. Và đặc biệt là "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh tưng tửng, ít nói nhưng nói câu nào là "chết" câu đấy.

Có lẽ sức hấp dẫn nhất của các nhân vật hài kịch này là ở nghệ thuật xử lý hài hước từ các nghệ sĩ thủ vai. Đấy là những nghệ sĩ đã thể nghiệm được bằng vai hài những vấn đề vốn rất nghiêm túc của thời sự xã hội, vốn đã được báo chí thông tin và truyền thông rõ ràng, ai ai cũng đã biết từ năm ngoái, nhưng đã được tái tạo nghệ thuật bằng sân khấu hài trên màn hình, khiến người xem được thưởng thức mãn nhãn, bởi cái nhìn thật hài hước, mới lạ của sân khấu hài.

Năm ngoái, nếu người xem không thể quên được cảnh Táo Y tế Vân Dung bị Ngọc Hoàng treo ngược lên cao để trừng phạt một số “tai nạn” do ngành Y tế gây ra cho xã hội, thì đến năm nay, chắc chắn ngành Y tế, và không chỉ ngành này, vẫn còn bộn bề ngổn ngang những vấn đề cần phải được giải quyết rốt ráo bằng… tiếng cười phê phán, mang tính chất phản biện xã hội, trên tinh thần “giã từ quá khứ (năm 2014) một cách vui vẻ”.

Do đó, tất thảy những cái mới của chương trình Táo Quân năm nay, không nằm ở việc thông tin - truyền thông một lần nữa những điều công chúng truyền hình đã biết, mà chính là ở phương cách “hài hước hóa” những sự kiện thông tin - truyền thông này trên truyền hình Tết mỗi năm. Do đó, chương trình đương nhiên cần được giữ bí mật, trước hết là về cách dựng một kịch bản hài trong ngôn ngữ truyền hình đặc thù, sau đó là nghệ thuật dàn dựng của đạo diễn, chọn vai Táo chính xác cho diễn viên hài kịch, điều độ diễn xuất tổng thể, làm sao cho các vai diễn không rơi vào sự tầm phào, dung tục và sống sượng của  cách tấu hài vụn vặt, tầm thường.

Đây cũng là chỗ rất mạnh và cũng lại là rất yếu của chương trình Táo Quân, nếu đạo diễn thiếu cái nhìn bao quát và sự điều hành vững tay nghề ở cả hai yếu tố pha trộn hài hòa: yếu tố thông tin thời sự xã hội và yếu tố nghệ thuật sân khấu hài kịch. Cho nên, không phải năm nào chương trình cũng thành công như năm nào và thậm chí, còn mắc lỗi về thông tin hoặc về nghệ thuật không tránh khỏi.

3. Hy vọng chương trình Táo quân 2015 sẽ phát huy thành công, sẽ đạt đến một chương trình sân khấu hài Tết trên truyền hình hoàn hảo, đúng là tiếng cười hài kịch chất lượng cao. Và công chúng hiện đại của truyền hình Việt sẽ chẳng khi nào thôi mong đợi, trông chờ những chương trình hài có ý nghĩa tích cực như thế với cuộc sống vất vả lo toan, bộn bề phức tạp những vấn đề đang đặt ra của văn hóa phát triển hôm nay…

PGS Nguyễn Thị Minh Thái
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›