(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ là sai lầm, nếu bạn cho rằng Bút dứa, Táo bút là trường hợp duy nhất về một ca khúc tuy "ngớ ngẩn" nhưng lại đạt tới các cột mốc đáng kinh ngạc về sức hút.
Kể từ lần đầu xuất hiện trên YouTube (25/8), ca khúc của nghệ sĩ Nhật Bản Piko-Taro đã thu hút được gần 40 triệu lượt xem. Và con số này đang tiếp tục tăng mạnh. MV gốc nhanh chóng được lan truyền với sự giúp đỡ nhiệt tình từ cộng đồng mạng Facebook, nơi các bài viết và bình luận nó đã vượt quá 62 triệu lượtNói về... sự kết hợp giữa chiếc bút, trái táo và quả dứa, Bút dứa, Táo bút(Pen Pineapple Apple Pen) được đánh giá là sở hữu một giai điệu gây nghiện, phần lời lố bịch, một điệu nhảy đơn giản và thường thấy hàng ngày. Chừng đó là đủ cho một công thức vàng để tạo ra đối thủ của bản hit Gangnam Style.
Trang Channel News Asia đã điểm lại 5 bản hit thành công theo công thức tương tự, trước khi ca khúc này ra đời.
Macarena của Los Del Rio (1995)
Nếu bạn đủ lớn để đứng mà không cần vịn vào bố hoặc mẹ từ năm 1995, nhiều khả năng bạn sẽ biết tới Macarena. Xuất hiện từ giữa những năm 1990, ca khúc Latin lấy cảm hứng từ nhạc dance này được chơi ở khắp mọi nơi, từ các đám cưới, tiệc sinh nhật hay họp mặt…
Bản hit đã lập kỷ lục 14 tuần đứng đầu BXH đĩa đơn và bán được hơn 11 triệu bản trên thế giới, tính đến năm 1997.
Với sự tham gia của 2 người đàn ông trung niên cùng vài thanh niên khác hát về một cô gái tên là Macarena, người đã lừa dối bạn trai khi anh này nhập ngũ, ca khúc vui nhộn và những bước nhảy mang tính biểu tượng này vẫn không quá khó để khiến mọi người nhớ ra, dù 21 năm đã qua.
Hình ảnh trích từ “Bút dứa, Táo bút”, MV đang gây sốt gần đây
The Ketchup Song của Las Ketchup (2002)
Ca khúc nhạc dance The Ketchup Song (tựa tiếng Tây Ban Nha là Aserejé) nhanh chóng được cả thế giới yêu thích và đứng đầu nhiều BXH âm nhạc toàn cầu. The Ketchup Song cũng đi theo mô-típ quen thuộc là giai điệu dễ nhớ, các vũ công thực hiện những động tác nhảy đơn giản như lắc hông và xoay tay, điều khiến người hâm mộ toàn cầu dễ “nhiễm” và nhanh chóng đưa nó vượt khỏi biên giới Tây Ban Nha.
Một điều ít người biết về The Ketchup Song là nó bắt nguồn từ ca khúc cổ điển năm 1979 Rapper’s Delight của Sugar Hill Gang.
Barbie Girl của nhóm AQUA (1997)
Không ngoa khi nói mọi người vẫn tiếp tục hát Barbie Girl tới tận ngày nay, nhờ giai điệu “tưng tửng” và phần lời dễ thuộc “I'm a Barbie girl in a Barbie world/Life in plastic, it's fantastic..."
Ca khúc của bộ tứ Đan Mạch đã trở thành một trong những bản hit đình đám nhất khi ra đời vào cuối thập niên 90, góp phần đưa tên tuổi của AQUA ra toàn thế giới. Được biết nhóm nhạc pop này sẽ tái hợp vào năm sau trong tour diễn vòng quanh Đan Mạch nhân kỉ niệm 20 năm ngày ra mắt bản hit lớn trong sự nghiệp của họ.
Vì nội dung ca khúc mượn hình tượng búp bê Barbie, thuộc sở hữu bản quyền của Mattel, đội ngũ sản xuất Barbie Girl từng bị công ty đồ chơi này kiện vi phạm bản quyền nhưng bất thành.
Crazy Frog - Axel F (2005)
2005 là năm nhạc chuông điện thoại di động Crazy Frog (Chú ếch điên) làm mưa làm gió ở các nước Âu, Mỹ. Bản nhạc, mà ban đầu được thiết kế để làm giai điệu marketing cho chương trình hoạt hình trên máy vi tính The Annoying Thing, đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi được kết hợp với giai điệu bài Beverly Hills Cop của Eddie Murphy từ năm 1984 để tạo nên bản hit Axel F.
Axel F nhanh chóng leo lên đầu BXH nhạc pop tại Anh, và bán được hơn 1 triệu bản ở châu Âu. Những khán giả yêu thích và cả điên đầu vì Axel F không chỉ có trẻ em mà còn nhiều bậc phụ huynh.
Ngoài những lời nhận xét tích cực, ca khúc này cũng nhận vô số lời phàn nàn, như Paul Bryant, biên tập viên âm nhạc của các đài phát thanh WHTZ-FM ở New York, từng bình luận rằng bài hát này đáng lọt vào top 5 bài hát “đáng ghét nhất”.
Nhưng dù khán giả nhìn nhận Crazy Frog - Axel F theo hướng nào, độ phủ sóng rộng rãi của nó cũng phải khiến các biên tập viên của trang Channel News Asia thốt lên rằng “sinh vật đáng ghét nhất xuất hiện trong giai điệu đáng ghét nhất, nhưng điều đáng ghét hơn cả là không thể vứt nó ra khỏi đầu".
Gangnam Style của PSY (2012)
Ca khúc ngớ ngẩn gần đây nhất trở thành hit toàn cầu, không gì khác, chính là điệu nhảy ngựa Gangnam Style của Psy.
Đoạn MV ca khúc này được lan truyền chóng mặt chỉ sau 1 đêm xuất hiện trên Youtube hồi tháng 7/2012. Đây là ca khúc đầu tiên đạt hơn 1 tỷ lượt xem trên nền tảng này. Tới nay, con số đã tăng lên 2,6 tỷ lượt (tính tới tháng 9/2016), điều biến nó trở thành ca khúc được xem nhiều nhất trên Youtube, sau khi xô đổ kỉ lục của Baby, do Justin Bieber trình bày.
Điệu nhảy vui nhộn gây cười, giọng hát hài hước và phô trương, pha trộn giữa tiếng Hàn và tiếng Anh đã giúp ca khúc này trở nên "bắt tai" hàng đầu trên thế giới, khiến nhiều người, trong đó có cả tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải nhảy theo những động tác kỳ lạ.
Sống trong... hang đá thì mới bỏ qua "Bút Dứa Táo Bút" “Trừ khi đang sống trong hang đá hoặc Wi-Fi bị hỏng, không thì chắc chắn bạn đã biết về ca khúc Pen Pineapple Apple Pen (Bút dứa, Táo bút) đang cực hot trên mạng gần đây”. Đó là lời nhận định chắc nịch về sức hút khủng khiếp của ca khúc có phần ngớ ngẩn này trên trang Channel News Asia. Nhận định ấy cũng không hề quá lời. Cứ dựa trên thông số về lượt yêu thích, bình luận và cả “chế” lại lời ca khúc này, Bút dứa, Táo bút nhiều khả năng sẽ sớm trở thành một trong những MV (video âm nhạc) được lan truyền rộng rãi nhất thế giới. |
Duy An (Theo Channel News Asia)
Thể thao & Văn hóa
Tags