(Thethaovanhoa.vn) - 3 di sản liên tiếp được UNESCO vinh danh ở cấp thế giới là một thành công ngoài sức tưởng tượng của Việt Nam trong năm 2016. Nhưng, so với 2 trường hợp còn lại, Tín ngưỡng thờ Mẫu được chú ý hơn cả bởi tính phổ quát, cũng như số phận đặc biệt của nó.
- Đêm tôn vinh 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu': Không chỉ là tự hào!
- Tín ngưỡng thờ Mẫu và đường trường đến Di sản Thế giới: Bắt đầu hành trình... trở lại là mình?
- Chuyện chưa biết về 3 lần đổi tên trước khi Tín ngưỡng thờ Mẫu thành Di sản
Và ở thời điểm quyết định thông qua danh hiệu được xướng lên, trong sự hân hoan tột độ của đoàn đại biểu Việt Nam, nhiều người chú ý tới một gương mặt đặc biệt: Thanh đồng Trần Thị Huệ, thuộc phủ Tiên Hương (Phủ Dày, Nam Định), một trong những cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu (TNTM).
Trước đó gần 10 tháng, hơn 20 đại sứ của nhiều quốc gia đã được Ủy ban UNESCO Việt Nam đưa tới phủ Tiên Hương để xem chị Huệ hầu Thánh. Nhưng chỉ mươi năm trước, có lẽ không nhà đền nào dám… mơ tới cảnh tượng đặc biệt như vậy. Bởi, ở thời điểm ấy, TNTM và hầu đồng, diễn xướng chủ đạo của nó, vẫn còn ở tình trạng “thập thò” tìm đường đi, sau hàng chục năm bị cấm hoạt động.
Một buổi thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu
Nhưng, dù từng bị cấm, tín ngưỡng ấy vẫn tồn tại và phát triển như một dòng chảy ngầm đặc biệt. Tới mức, theo lời nhà nghiên cứu GS Ngô Đức Thịnh, trong những năm 1980, dù các phủ, đền thờ Mẫu tại Nam Định từng bị rào kín nhưng cộng đồng thờ Mẫu tại đây vẫn hì hục gỡ mái ngói để tìm cách trèo vào, lẳng lặng tổ chức những giá đồng của mình.
Bởi thế, 10 năm qua, cùng với nỗ lực giới thiệu TNTM của các nhà khoa học, cũng như của những thanh đồng có uy tín, di sản này được cộng đồng đón nhận một cách vô cùng hào hứng và nhiệt tình trong những lần vận hành trở lại. Tới mức, có những buổi giới thiệu về hầu đồng và TNTM (như tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, năm 2011), phía tổ chức cũng không lường được sức hút đặc biệt của di sản này và đành đóng cửa trước giờ khai mạc vì cảnh “vỡ sân”.
2. Thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng, trong lịch sử hàng trăm năm tồn tại, luôn là sự tồn tại đan xen của 2 yếu tố phức tạp: một di sản văn hóa đặc sắc về âm nhạc, trang phục, diễn xướng, triết lý tôn thờ người mẹ của muôn loài và một thế giới tâm linh kỳ bí, để làm nguồn cơn sinh ra những dị đoan đầy mê muội.
Cũng giống như chuyện tại kỳ họp của UNESCO vừa rồi, di sản này là một trong số những hồ sơ hiếm hoi được hội đồng chuyên môn thừa nhận tuyệt đối vì những giá trị độc đáo của nó và nhất trí thông qua mà không cần phải thảo luận. Nhưng, song song với lộ trình trở thành Di sản Thế giới, cũng chưa bao giờ giới chuyên môn lại nhắc nhiều như vậy tới những biến tướng méo mó của hầu đồng.
Bởi, những chi phối của cuộc sống hiện đại đã biến TNTM thành cái cớ để rất nhiều cá nhân - dù không hiểu gì về di sản này - cũng đứng ra vận hành để kiếm tiền, thay cho việc chỉ a dua vì ham vui như những “đồng đua”, “đồng đú” trong dân gian cũ. Và cũng từ sự đứt đoạn sau một thời gian dài không vận hành chính thức, rất nhiều yếu tố cơ bản trong TNTM cũng đã xuất hiện sự pha trộn tùy tiện dễ dãi theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Trong năm 2016, Việt Nam có 3 trường hợp được UNESCO vinh danh ở cấp thế giới: Tín ngưỡng thờ Mẫu (Di sản Phi vật thể của nhân loại), Mộc bản trường học Phúc Giang và Thơ văn khắc trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản Tư liệu Thế giới). |
Trong cuộc tọa đàm gần nhất ngày 25/12, chính Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu cũng đã chia sẻ sự lo ngại về những biến tướng có thể rộ lên trong tương lai của TNTM, cũng như cách hiểu sai lệch về Di sản Thế giới này.
Chắc chắn, sự tỉnh táo để nhìn nhận chân giá trị của TNTM, cũng như kiểm soát những biến tướng đi kèm, vẫn còn là câu chuyện thường trực của Di sản Thế giới này trong những năm tới đây.
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa
Tags