(Thethaovanhoa.vn) - “Hiện tại, theo tôi biết, tất cả những gì chúng ta tiếp cận được là những poster trôi nổi trên mạng. Những tấm hình này không phải bằng chứng mạnh trong các phiên tòa. Nên, nếu Hoa hậu Kỳ Duyên muốn khởi kiện tổ chức/ cá nhân đã lạm dụng/ phát tán hình ảnh của mình, tôi nghĩ, việc đầu tiên, cô và những người hỗ trợ pháp lý cần làm là thu thập bằng chứng như bìa đĩa phim, hình ảnh chụp cơ sở phòng khám nam khoa treo hình của cô... hoặc phải tìm ra địa chỉ nơi phát tán ảnh".
Đó là quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng) về vụ việc Hoa hậu Kỳ Duyên bị ghép ảnh trong poster được cho là quảng cáo bìa đĩa sex và phòng khám dành cho nam giới lớn tuổi tại Nhật Bản.
Luật sư Bùi Đình Ứng cho hay: Nếu sự vụ là thật và đầy đủ chứng cứ, Hoa hậu Kỳ Duyên hoàn toàn có thể khởi kiện các đơn vị in bìa phim và poster quảng cáo. Đây là hành vi vi phạm Luật bản quyền khi sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép. Vi phạm này theo công ước quốc tế nên chỉ cần đầy đủ chứng cứ, phía hoa hậu Kỳ Duyên có khả năng thắng kiện tương đối cao.
Trong trường hợp các tấm poster trôi nổi trên mạng là sản phẩm của cộng đồng mạng Việt Nam, đồng thời các trang web Việt dùng lại hình ảnh này thì các đối tượng sẽ bị xét xử theo luật Việt Nam.
Theo LS Bùi Đình Ứng, Hoa hậu Kỳ Duyên hoàn toàn có thể khởi kiện
LS. Bùi Đình Ứng cũng cho rằng, Kỳ Duyên là Hoa hậu Việt Nam nên việc hình ảnh cô xuất hiện trên các bìa đĩa, poster kèm những lời không hay là chuyện liên quan tới "hình ảnh phụ nữ Việt Nam", nhất là nếu nó bị phát tán ở nước ngoài.
“Nên, tôi nghĩ, đây không chỉ là cuộc chiến pháp lý của riêng Kỳ Duyên mà các cơ quan chức năng cần lên tiếng, hỗ trợ tích cực”- LS. Bùi Đình Ứng nói thêm.
Các mức phạt nếu "poster khiêu dâm" là của dân mạng Việt:
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có điều khoản liên quan tới hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Theo điểm g, khoản 2, điều 66, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Còn theo điểm đ, Khoản 33 Điều 64, hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. |
Mỹ Mỹ
Tags