Đó là show diễn tại Sydney, Australia hôm 12/6. Kanye West, một rapper Mỹ nổi tiếng, đã yêu cầu tất cả khán giả phải đứng lên để cổ vũ một tiết mục.
Bắt nạt công khai
Nam ca sĩ nhìn khắp các khán đài và “chỉ điểm” những ai chưa chịu đứng dậy. Anh nói: “Trừ khi các bạn có quyền đi xe và đỗ xe ưu tiên (ý chỉ người khuyết tật) thì hãy đứng cả lên”. Đám đông hâm mộ cũng hỗ trợ West bằng cách đồng thanh hô “Đứng lên đi”.
Chỉ một phút sau, hầu như tất cả đã đứng dậy trừ 2 khán giả, một nam một nữ, mà West nhận ra ngay tức khắc. Người phụ nữ vẫy vẫy chiếc chân giả lên không trung để chứng minh mình tàn tật. Còn cậu bé phân trần mình đang ngồi xe lăn. Nhưng những tiếng hô hào “Đứng lên” vẫn vang lên không ngớt. West cảm thán: “Không tin nổi, chưa bao giờ tôi phải đợi lâu thế này”.
Khi nghe nói 2 người hâm mộ kia là khuyết tật và không thể đứng dậy, nam ca sĩ không dừng lại ngay mà cử vệ sĩ xuống tận nơi kiểm tra. Khi được xác nhận, anh mới tiếp tục biểu diễn ca khúc The Good Life.
Chuyện xảy ra chỉ trong ít phút nhưng gây ra một làn sóng phẫn nộ suốt mấy ngày trên báo chí và các mạng xã hội Mỹ. Kanye West nổi tiếng là một ngôi sao quá đề cao bản thân, hay phát ngôn gây sốc.
Lần này, bình luận về chính hành động của mình, anh tuyên bố với báo chí: “Tôi không phải là kẻ xấu như mọi người nghĩ. Tôi chỉ muốn tất cả có khoảng thời gian đẹp nhất khi đến xem tôi biểu diễn”.
Bình thường nhưng tàn nhẫn
Bình luận trên CNN hôm 16/9, học giả David M. Perry cho rằng tính tiêu cực ở hành vi bắt nạt của West bị thổi phồng vì phản ứng dây chuyền của dư luận. Nhưng điều đáng trách nhất là việc West đã buộc người khuyết tật phải chứng minh sự khuyết tật của họ.
Đó là một hành vi bắt nạt đang rất phổ biến trong xã hội Mỹ, theo ông Perry, xuất phát từ thái độ hiếu kỳ và thiếu đồng cảm với những người khuyết tật. Việc này đã đẩy người khuyết tật vào tình trạng xấu hổ và cô độc. Là người nghiên cứu các vấn đề xã hội, ông Perry cho rằng điều này có thể dễ dàng dẫn đến sự xúc phạm bằng lời lẽ và hành vi bạo lực.
“Ngoài người hâm mộ tàn tật kia, ai biết được trong đám đông khán giả xem Kanye West biểu diễn hôm đó còn bao nhiêu khán giả bị mắc các chứng tàn tật khó nhận thấy bằng con mắt thường (được gọi là khuyết tật vô hình). Họ vẫn phải đứng dậy vì sức ép từ chính West và những khán giả xung quanh đang gào thét ép tất cả phải đứng lên” - ông nói.
Ở Mỹ có đạo luật dành cho người khuyết tật, nên việc tuyên bố bị khuyết tật không phải để than thân kể khổ, mà là để yêu cầu được đối xử đặc biệt. Chẳng hạn như những lối đi dành riêng cho người khuyết tật để vào các tòa nhà cao tầng, yêu cầu thêm thời gian cho những kỳ kiểm tra khảo sát, yêu cầu được đọc sách bằng phiên bản đặc biệt…
Dù đã được pháp luật tạo điều kiện, nhưng trên thực tế, do định kiến xã hội, người khuyết tật ở Mỹ vẫn vấp phải khó khăn khi yêu cầu những quyền lợi trên. Trường hợp Kanye West chính là một ví dụ. Có những người như West nhất quyết bắt người khuyết tật phải chứng minh tình trạng khuyết tật của mình, mà không ý thức được rằng hành vi đó mang tính phân biệt đối xử, khiến người khuyết tật mặc cảm.
Còn tàn nhẫn hơn thế, khi người người khuyết tật đã chứng minh được tình trạng của mình, họ cũng không nhận được sự đồng cảm mà chỉ là sự thương hại của đám đông. Việc ép người khuyết tật đứng lên của West, vì thế là một hành vi rất không nhân văn, càng không nên có ở một người nổi tiếng, với sức ảnh hưởng rộng lớn.
Theo GS David M. Perry, cách West hành xử dù thật thiếu ý thức nhưng lại là chuyện bình thường trong xã hội Mỹ. Nhiều người Mỹ vẫn sống vô tâm như vậy. Và chính sự bình thường đó mới thật tàn nhẫn.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags