(Thethaovanhoa.vn) – CGV nhiều lần bị khiếu nại, điều tra, xử phạt do chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, vi phạm về pháp luật cạnh tranh.
- CGV tiếp tục lên tiếng về 'Tấm Cám': Tỷ lệ ăn chia có là tất cả?
- Phập phồng đường ra rạp của 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể'
Rạp CGV tại Việt Nam
Nhìn vào tập đoàn công ty mẹ của CGV, có thể thấy việc thực hiện các hành vi phân biệt đối xử, chèn ép các nhà sản xuất nhỏ được thực hiện một cách có hệ thống, như một phần chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này. Chỉ dựa trên các phương tiện thông tin đại chúng của Hàn Quốc, có thể thấy tập đoàn này đã bị cơ quan cạnh tranh của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại công bằng (KFTC) điều tra, xử phạt ít nhất 5 lần:
Năm 2008, KFTC đã kết luận tập đoàn CJ CGV cùng với các hệ thống rạp phim lớn khác của Hàn Quốc đã có những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm tổng cộng 54.7% số phòng chiếu và 70.1% doanh thu bán vé) trong một thời gian dài từ 2004 đến 2007 để thực hiện những hành vi chèn ép các nhà phát hành như cắt đột ngột các suất chiếu vắng khách, thay đổi thỏa thuận phân chia doanh thu, và buộc họ phải chịu chia sẻ chi phí cho những chương trình khuyến mại mà các rạp phim tự ý thực hiện trong hơn hai năm, với tổng giá trị lên đến 29 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành cùng tập đoàn là CJ Entertainment cũng bị kết luận vi phạm khi ép buộc các rạp chiếu phim nhỏ phải thanh toán doanh thu cho họ sớm hơn thông lệ.
Tiếp theo, cũng trong năm 2008, KFTC ra phán quyết về việc CJ CGV và CJ Entertainment cùng với một số doanh nghiệp điện ảnh khác đã câu kết thông đồng ấn định giá vé xem phim. Hai doanh nghiệp này bị xử phạt với mức cao nhất trong số các doanh nghiệp vi phạm, lần lượt là 1,6 và 2 tỷ won.
Năm 2014, KFTC một lần nữa tiến hành điều tra và xử phạt tập đoàn này về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để phân biệt đối xử, chèn ép phim của các doanh nghiệp nhỏ trong khi nâng đỡ, tạo lợi thế bất chính cho phim do chính tập đoàn này phát hành. Vi phạm nghiêm trọng đến mức đích thân bà Park Geun-hye, tổng thống Hàn Quốc, phải có lời kêu gọi “làm trong sạch ngành công nghiệp sản xuất nội dung” và “ngừng việc hỗ trợ bất chính những doanh nghiệp cùng tập đoàn”.
Theo chỉ đạo đó, KFTC đã tiến hành điều tra, và đến tháng 12/2014 đã có kết luận về việc CJ CGV thực hiện các hành vi phân biệt đối xử để dành ưu đãi về phòng chiếu, suất chiếu, thời gian chiếu … cho các phim do doanh nghiệp cùng tập đoàn phát hành. Đồng thời, CJ E&M cũng bị kết luận có hành vi chèn ép các nhà sản xuất phim nhỏ. Tập đoàn này bị xử phạt 3,2 tỷ won và buộc ngừng ngay lập tức các hành vi vi phạm.
Tháng 6 năm 2015, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, KFTC tuyên bố bắt đầu xem xét vụ việc CJ CGV và một số hệ thống rạp khác tại Hàn Quốc có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như kéo dài thời gian quảng cáo trước khi chiếu phim, tăng giá bất hợp lý đồ bán trong rạp… ảnh hưởng đến quyền lợi người xem phim. Tuy nhiên, KFTC chưa công bố quyết định cuối cùng về vụ việc này.
Đầu năm nay, 2016, theo báo Korea Herald, KFTC đã xác nhận bắt đầu điều tra vụ việc CJ CGV giao dịch nội bộ, dành ưu đãi quá mức cho công ty quảng cáo JS Communications thuộc sở hữu của ông Lee Jae-hwan, em trai Chủ tịch tập đoàn CJ, để cho công ty này khai thác phần lớn hoạt động quảng cáo tại các rạp phim của tập đoàn. Theo tin mới nhất từ báo chí Hàn Quốc vào tháng 8/2016, KFTC chuẩn bị ra quyết định xử phạt, trong đó không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự.
Cần nói thêm, mặc dù Hàn Quốc được biết đến là một quốc gia có nền sản xuất điện ảnh phát triển rất mạnh, và các cơ quan quản lý rất tích cực vào cuộc để bảo vệ các nhà sản xuất phim khỏi bị chèn ép từ một vài hệ thống rạp lớn như CJ CGV, ảnh hưởng tiêu cực từ các vi phạm cạnh tranh vẫn rất nặng nề. Kể cả sau khi CGV bị xử phạt về phân biệt đối xử, ưu đãi bất chính các doanh nghiệp cùng tập đoàn, thì thực trạng nêu trên vẫn tiếp diễn.
Báo chí Hàn quốc dẫn ra trường hợp hai bộ phim The perfect way to steal a dog, và Ode to my father để so sánh. Đều là các phim được đánh giá tốt, nhưng phim trước do một nhà phát hành độc lập phát hành nên chỉ được phân bổ khoảng 200 phòng chiếu trên toàn quốc, còn phim sau do doanh nghiệp thành viên tập đoàn CJ phát hành thì được phân bổ tới 900 phòng chiếu.
Trông người mà ngẫm đến ta, nếu tình trạng thị trường điện ảnh Việt Nam không được cải thiện, chẳng mấy chốc CGV sẽ thâu tóm hết mảng phát hành phim trong nước, vì giống như trường hợp của Ngô Thanh Vân, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ bị gây khó dễ đến mức không còn cách nào khác để vào hệ thống rạp của CGV ngoài cách đồng ý cho chính CGV phát hành phim của họ. Khi đó, doanh nghiệp này sẽ có vị trí thống lĩnh và chi phối cả hai mảng phát hành và rạp phim tại Việt Nam. Và bài học từ Hàn Quốc cho thấy một tương lai như vậy không hề đáng lạc quan.
Tố Quyên
Tags