Vượt ngục - từ phim ảnh tới đời thực

Chủ nhật, 19/07/2015 12:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Điện ảnh và truyền hình dựng nên những màn vượt ngục như một chiến thắng chói lọi của người hùng chống lại hệ thống xã hội đồi bại, nhưng đời thực chẳng bao giờ lãng mạn như thế.

Các tình tiết trong vụ bố già buôn ma túy Mexico, Joaquín Guzmán Loera, vượt ngục hôm 11/7 nghe rất “xi nê”. Tên trùm thoát ra ngoài qua đường hầm dài 1,5km và sâu 9m đào từ nhà tắm trong phòng giam, hầm ngầm tinh vi được trang bị đèn chiếu sáng, ống thông khí và xe máy cải tiến.

Tương tự là vụ vượt ngục hồi tháng 6 của hai phạm nhân ở nhà tủ Clinton - nhà tù an ninh cẩn mật nhất bang New York. Chúng dùng khoan điện để cắt tường thép và bò qua 120m đường ống ngầm để thoát qua một miệng cống.

Ngoài đời đáng sợ, trong phim đáng ngưỡng mộ

Các vụ vượt ngục vừa khiến công luận hoảng sợ (nhất là với cư dân địa phương) nhưng cũng thu hút sự quan tâm hiếu kỳ. Các tình tiết vượt ngục được truyền thông tường thuật nhiệt tình, cộng với bình luận của các chuyên gia (“rất công phu, tinh vi, không thể xem thường) khiến những kẻ tội phạm có vẻ… đáng nể trong mắt công luận.

Nói cho nhanh, đó là một mô típ được ưa chuộng trong phim Hollywood: những kẻ đào tẩu chống lại luật lệ.


Khi chuyện vượt ngục đang nóng, loạt phim danh tiếng “Prison Break” cũng được đồn sẽ trở lại màn ảnh

Ngay sau các tin tức vượt ngục, trên mạng tràn ngập liên tưởng đến các bộ phim vượt ngục đáng nhớ nhất: The Shawshank Redemption - phim kinh điển về một cuộc vượt ngục vĩ đại, Cool Hand Luke do tài tử Paul Newman đóng vai chính, Prison Break – loạt phim truyền hình ăn khách của Fox sắp được sản xuất tiếp.

Trong khi đó, thực tế cho thấy nhà tù là nơi giữ tội phạm cách xa xã hội và ngược lại. Nhưng thái độ háo hức của công chúng khi theo dõi quá trình một nhân vật vượt qua hệ thống nhà tù được bảo mật nghiêm ngặt trên phim ảnh thật đáng chú ý. Bởi đó là khi thực tế và phim ảnh bắt đầu đi ngược đường.

Từ lâu lắm rồi, phim ảnh sử dụng vượt ngục như một tình tiết đẩy cao kịch tính và sức thuyết phục của kịch bản, đồng thời, mô tả kẻ vượt ngục như một anh hùng, bị kết án oan hoặc là một tù nhân hướng thiện kiểu Robin Hood. Vì thế, hành động vượt ngục của họ có ý nghĩa trái ngược với thực tế, khi người vượt ngục là tội phạm nguy hiểm thật, nhưng các cuộc vượt ngục ngoài đời và hư cấu đang có xu hướng truyền cảm hứng cho nhau.

Vì khán giả thiếu trải nghiệm… trong tù

Loera, biệt hiệu là “El Chapo” (nghĩa là tên lùn), là một trong những tên trùm buôn ma túy khét tiếng và giàu nhất thế giới. Đến khi bị bắt năm 2014, hắn đã vận chuyển vào Mỹ số ma túy lớn hơn mọi tên trùm khác trong lịch sử.

Một kẻ xứng đáng vào tù thực sự, đại loại thế. Nhưng Hollywood lại không ưa chuộng mẫu nhân vật chính này. Trong The Shawshank Redemption, Andy Dufresne (Tim Robbins) đã thoát khỏi nhà tù sau 17 năm chịu án oan, và người bạn Red (Morgan Freeman) chỉ được trả tự do khi ân xá.

Trong Cool Hand Luke, nhân vật Luke Jackson (Paul Newman), một cựu binh nóng tính, dũng cảm vượt thoát khỏi đoàn tù khổ sai. Các người hùng của The Great Escape đã vượt ngục khỏi nhà tù Phát xít. Còn dàn nhân vật chính của Prison Break là những con tốt trong ván bài chính trị.

Còn nếu nhân vật chính là kẻ phạm tội chủ động, trong phim họ vẫn được xây dựng dựa theo các nguyên tắc danh dự. Chẳng hạn, nhân vật của Clint Eastwood trong Escape from Alcatraz là kẻ cướp ngân hàng nhưng đối lập với các băng nhóm xã hội đen và tội phạm hiếp dâm.

Jack Foley (George Clooney đóng) trong Out Of Sight cướp của người giàu nhưng không dùng bạo lực. Trốn khỏi nhà tù chỉ như cuộc dạo chơi lãng mạn do tình cảm nảy sinh giữa Foley và cảnh sát trưởng Karen Sisco (Jennifer Lopez). Còn Papillon trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Steve McQueen là người tù mắc án oan.

Việc mô típ vượt ngục được ưa chuộng có nhiều lý do. Hầu hết khán giả có rất ít trải nghiệm khi đứng sau song sắt nhà tù, theo Frankie Y. Bailey, một giáo sư ở Đại học Albany: “Hầu hết họ trải nghiệm cảm giác đó từ phim ảnh”.

Các nhân vật chính thường bị án oan và gặp được người bạn tri kỷ, thông thái cũng mô típ quen thuộc. Trong khi đó, các quản tù và cán bộ cải huấn được mô tả như những kẻ mang lại sự áp bức bất công khiến khán giả có xu hướng chống họ ngay từ đầu.

Trong bầu không khí này, mọi nỗ lực vươn đến tự do đều có vẻ công bằng và xứng đáng, đồng thời thể hiện được các phẩm chất hấp dẫn của nhân vật vượt ngục.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›