Ở Đức ngoài các Salon bán xe nhan nhản khắp nơi (như thành phố tôi ở 18.000 dân thì có tới gần chục Auto haus) thì còn có các tạp chí chuyên rao bán xe và chi chít cả xe trên mạng nữa. Những thành phố lớn như Berlin, Muenchen, Hamburg v v... còn có những phiên chợ cuối tuần trên trời dưới xe, hay vì thế mà người Việt Nam mình quen miệng gọi là chợ Giời thì tôi không biết. Nhưng ở chợ này nhiều thợ, nhất là người Thổ. Họ sành sỏi và xông xáo hơn nên người Việt mình thường chỉ ra xem, mua phụ tùng, bộ lốp mùa Đông hoặc chiếc gương chứ bán hay mua xe thì hơi bị khó. Bởi vậy tôi và cả những người tôi quen biết phần lớn là cứ gán lại luôn cho hãng xe, nơi mình mua xe khác của họ, tuy hơi rẻ nhưng đơn giản.
Một chợ xe ở Đức
uần trước Tiến, một ông em chơi thân tôi trên Berlin bán một con xe Honda ở Ich kaufe dein Auto, một cửa hàng thu mua xe tại Berlin. Tiến kể: Họ có 153 địa điểm mua xe như thế này trên toàn châu Âu. Mọi người xếp hàng rồng rắn đợi bán xe. Khi đến lượt, họ xem qua rất nhanh giấy tờ xe và kiểm tra máy, chụp hai, ba kiểu ảnh rồi bảo mình ra chờ ngoài phòng đợi. Sau khoảng 15, 20 phút thì họ ra báo giá, đồng ý thì nhận tiền, không có thì đi về. Chính những người thợ kiểm tra này cũng không biết và không có quyền định giá. Tất cả dữ liệu trên được họ gửi về một trung tâm và giá được phát ra từ đó.
Một người Việt đi tậu xe ở Đức
Tiến bảo-: Hôm ấy em bán con Honda cũ được 1560 ER, thằng Tây đi cùng em bán con BMW được hơn năm nghìn, nói chung là được giá hơn bán ở ngoài. Không phải vì họ trả giá cao hơn mà vì may. Có thể xe em 7 chỗ họ cần đưa sang châu Phi, còn xe ông kia lại nhỏ thành ra tốn ít xăng, lại ít thuế đường chứ xe nhàng nhàng thì chưa chắc được thế.
Còn một kiểu bán đấu giá nữa cũng hay hay. Phiên đấu giá tôi xem ở Frankfurt am Main tổ chức cho mọi người đấu trực tiếp và cả người ngồi nhà đấu qua mạng. Còn phiên ở Duesendorf tôi xem qua TV thì chỉ đấu trực tiếp những người đang có mặt. Phiên này bán chủ yếu xe là của các công sở, kể cả xe cảnh sát, xe cứu hỏa. Ngoài ra còn có xe sở thuế tịch thu của người phá sản nợ tiền hay cảnh sát thu của tội phạm (trong đó có cả xe cổ) và cả xe của hải quan thu trong những trường hợp bất hợp pháp...
Một đặc điểm của phiên đấu này là mọi người chỉ được xem (cũng có thể ngồi vào trong xe, nếu xe nào không khóa cửa) chứ không được nổ máy để thử. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Hay là các xe công sở của nhà nước nên được kiểm tra và điều dưỡng định kỳ nên chỉ cần nhìn qua các dữ liệu ghi trên từng xe như sản xuất năm nào, chạy bao nhiêu km là đủ. Nhưng còn những xe khác...? Dù sao đi mua xe mà có tí tính đỏ đen như vậy chắc hẳn là thú vị, bởi nhìn những người thắng, cầm chìa khóa ra xe mặt ai cũng vừa phấn chấn lại vừa xen lẫn vẻ tò mò và hồi hộp.
(Còn nữa)
Mai Lâm
Thể thao & văn hóa