(Thethaovanhoa.vn) - Kiểm soát tốc độ trong giới hạn an toàn là một trong những yếu tố then chốt giúp hạn chế xảy ra tai nạn giao thông.
Vi phạm quy định về giới hạn tốc độ là lỗi khá phổ biến, và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn, đặc biệt là những vụ tai nạn thảm khốc, gây hậu quả lớn về người và tài sản.Khi bị Cảnh sát giao thông xử lý lỗi vi phạm tốc độ, các lái xe hầu như đều nêu ra muôn vàn lý do, từ việc không quan sát biển báo đến có công việc đột xuất... Tuy nhiên, không mấy ai ý thức được rằng, việc chạy xe quá tốc độ cho phép có thể để lại hậu quả vô cùng lớn, cho bản thân, gia đình và những người tham gia giao thông khác.
Trong điều kiện bình thường, khi di chuyển trong khu vực đô thị, tốc độ giới hạn cho phép là 50 km/h, ngoài khu vực đô thị thì tốc độ giới hạn cho phép là 80 km/h. Tại một số vị trí đặc biệt, như khúc cua, làn đường hẹp, trên cầu..., cơ quan quản lý sẽ giới hạn tốc độ cho phép bằng các biển báo ở bên phải theo hướng di chuyển. Lái xe cần phải thường xuyên chú ý các biển báo này để tuân thủ tốc độ giới hạn cho phép.
Cần phải lưu ý rằng, tốc độ ghi trên biển báo là tốc độ lớn nhất mà một chiếc xe có thể di chuyển trên đoạn đường đó trong điều kiện lý tưởng như thời tiết khô ráo, điều kiện quan sát tốt. Để đảm bảo an toàn, người lái cần điều khiển xe chạy ở dưới mức tốc độ giới hạn cho phép, phù hợp với điều kiện ở đoạn đường mà chiếc xe di chuyển qua.
Trên các tuyến cao tốc, ngoài tốc độ tối đa cho phép còn có tốc độ tối thiểu cho phép, nghĩa là lái xe phải di chuyển nhanh hơn mức tối thiểu để đảm bảo khả năng lưu thông cũng như an toàn. Việc di chuyển quá chậm trong một số trường hợp, ví dụ như trên đường cao tốc, đôi khi cũng là yếu tố gây nguy hiểm, có thể dẫn tới tai nạn.
Trên thế giới, có một số nước không hạn chế tốc độ đối với một số loại xe trên đường cao tốc. Hệ thống đường cao tốc ở Đức, có tên gọi là Autobahn, cho phép các xe nhỏ chạy với tốc độ lên đến trên 200 km/h. Tại Việt Nam, tốc độ giới hạn cao nhất hiện nay là 120 km/h, áp dụng trên các tuyến cao tốc hiện đại như Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, hay Hà Nội - Hải Phòng vừa khánh thành, đưa vào sử dụng cuối tuần qua. Đây cũng là giới hạn tốc độ cho phép cao nhất ở Việt Nam hiện nay.
Duy trì tốc độ ổn định trong giới hạn an toàn sẽ giúp lái xe điều khiển chiếc xe mượt mà, an toàn và cả tiết kiệm nhiên liệu. Phóng nhanh, phanh gấp là điều không nên khi lái, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người lái và hành khác ngồi trên xe, vừa mất an toàn do có thể bị xe phía sau đâm vào, vừa tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế và môi trường.
Ngoài việc tuân thủ tốc độ giới hạn cho phép, lái xe còn cần phải lưu ý một số trường hợp đặc biệt, như đi qua khu vực trường học, hay làn đường dành cho người đi bộ. Ở Australia, tốc độ tối đa cho phép giảm xuống còn 25 km/h ở khu vực trường học vào giờ học sinh đến trường hoặc tan học, dù đoạn đường trước đó có thể chạy 100 km/h.
Ở Mỹ, khi gặp xe bus dừng lại đón/trả học sinh, các xe đi sau cũng phải dừng theo để đảm bảo an toàn tối đa. Khi có người đi bộ ở vạch qua đường dành cho người đi bộ, lái xe cần phải giảm tốc độ và nhường đường. Tại Việt Nam, hầu như người đi bộ phải tránh ô tô, xe máy ngay tại vạch qua đường, thay vì ngược lại.
“Nhanh một phút, chậm cả đời”, vì sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội, hãy lái xe với tốc độ an toàn và luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.
Các lưu khi kiểm soát tốc độ Lực bám: Mặt đường trơn, có cát, lốp mòn, áp suất quá cao hoặc quá thấp dễ làm lốp mất khả năng bám đường. Lực quán tính: Khi đạp phanh hay vào cua, quán tính sẽ cố giữ xe tiếp tục đi thẳng, xe chạy càng nhanh, lực quán tính càng lớn. Trọng lực: Yếu tố trọng lực khiến xe giảm tốc khi leo dốc, hoặc tăng tốc khi đổ dốc. Khi xuống dốc, xe cần quãng đường dài hơn để dừng. Trọng tâm: Một số dòng xe gầm cao SUV, bán tải... thường có trọng tâm hơn xe sedan, khiến độ ổn định thấp hơn khi đi trên đường không bằng phằng, hoặc cua ở tốc độ cao. Vào cua: Trước khi cua hãy giảm tốc để không phải sử dụng phanh, khi xe tới giữa khúc cua, bắt đầu đánh lái thẳng và tăng tốc để thoát cua. Khi cua, quán tính khiến xe có xu hướng đi thẳng, trong khi lực bám của lốp lại bám theo qũy đạo đường. Chạy càng nhanh, lực tỳ lên lốp trước phía ngoài càng lớn. Nếu quá nhanh, quán tính sẽ làm xe văng khỏi đường. Nếu phanh, bánh có thể trượt. |
Mức xử phạt đối với lỗi vi phạm tốc độ Đối với mô tô - xe máy - Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h; - Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h; - Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Đối với ô tô - Phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h; - Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng nếu điều khiển chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h; - Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng và giữ giấp phép lái xe 1 tháng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h. |
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags