(Thethaovanhoa.vn) - Ứng xử của lớp trẻ nơi công cộng, nhất là ở trong các lễ hội lớn, luôn là nỗi lo lắng của nhiều người. Thế nhưng qua những mùa lễ hội âm nhạc khổng lồ mang tên Monsoon được tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long, người ta buộc phải có một cái nhìn khác về hành xử của lớp trẻ: Họ bùng nổ, hết mình, nhưng chưa bao giờ đi quá giới hạn, thậm chí còn "văn minh hơn cả kỳ vọng".
Nhân dịp đầu Xuân mới với các lễ hội đông người, chúng ta hãy cùng trở lại với nhạc sỹ Quốc Trung, Tổng đạo diễn, để lắng nghe câu chuyện lễ hội nhìn từ Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon).
- Monsoon Music Festival 2019: Từ 'Gió mùa' đến thương hiệu văn hóa cộng đồng
- 'Hậu' Monsoon 2017: Không ở Hoàng thành, 'Gió mùa' sẽ thổi về đâu?
* Trước đây, người ta thường cho rằng, một thị trường âm nhạc được xem là có tên trên bản đồ âm nhạc thế giới thì nó phải là điểm dừng chân của các show lớn, đẳng cấp quốc tế. Nhưng giờ đây, nếu đã có một thương hiệu lễ hội âm nhạc như “Monsoon” thì cũng có thể xem là "điều kiện thay thế"? Anh nghĩ thế nào?
- Tôi nghĩ nếu mọi người từng đi tham gia festival âm nhạc ở nước ngoài thì sẽ thấy Moonson hoàn toàn đáp ứng đúng như mô hình festival âm nhạc thế giới về quy mô, chất lượng hay định hướng. Tất nhiên là không thể so nó với lễ hội có hàng trăm ngàn người. Nhưng, lấy đó để coi là chúng ta đã có mặt trên bản đồ âm nhạc thế giới thì không đúng.
Tôi nói vậy vì chúng ta còn quá ít những nghệ sỹ hay ban nhạc được tham dự các festival âm nhạc trên thế giới. Đôi lúc, cũng có một vài cá nhân lẻ tẻ nào đấy theo dạng giao lưu chứ ta chưa có được những lời mời của các đơn vị tổ chức. Không chỉ vậy, khi giới thiệu những nghệ sĩ của Việt Nam đi những chương trình ấy, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Họ vẫn ngỡ ngàng, vẫn chưa biết xây dựng kế hoạch thế nào tham dự những festival âm nhạc như vậy.
Như thế, ta chưa có thị trường lành mạnh để có thể đón tiếp nghệ thuật của thế giới vào và đưa nghệ thuật của chúng ta ra thế giới một cách bình đẳng. Nếu không ý thức được điều đó thì chúng ta còn lạc hậu quá xa. Tôi hi vọng chúng ta sẽ có nhiều những nhóm nhạc, nhóm nghệ sĩ tham gia các festival, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ chúng ta mới có thể có tên trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Monsoon chỉ là một cảm hứng để cho các nghệ sĩ hiểu được là nền âm nhạc trên thế giới họ cần ứng xử ra sao. Qua 5 năm chúng tôi làm Moonson, các nghệ sĩ khi tham gia lễ hội bắt đầu biết xây dựng những dự án âm nhạc của mình như thế nào, rồi mỗi lần biểu diễn cần phải chuẩn bị ra làm sao. Đó cũng là một trong những mục tiêu Monsoon mang lại. Và điều đặc biệt hơn là chúng tôi mang lại thói quen của người dân Thủ đô ứng xử với một không gian sáng tạo nghệ thuật, một lễ hội âm nhạc như thế nào.
* Nói về việc ứng xử của người dân với một không gian nghệ thuật, nhạc sỹ có lo ngại về khâu tổ chức khi “Monsoon” diễn ra trong một không gian lớn mang tính lễ hội, chứ không phải là trong một khán phòng?
- Tôi nghĩ, đối với không gian sáng tạo nghệ thuật, nó cần phải có tính sáng tạo. Trên thế giới có rất nhiều lễ hội được tổ chức với các quy mô khác nhau, có cái thì tổ chức ở rất nhiều các địa điểm khác nhau trên cùng một khu phố hoặc ở trong các khán phòng rất nhỏ chỉ khoảng 500 -1.000 người xem. Có nước lại tổ chức ở giữa phố đi bộ. Có nước lại tổ chức không gian ngoài trời có phong cảnh đẹp.
Địa điểm tổ chức Moonson cũng rất đặc biệt. Có khá nhiều người ở nhiều nước cũng biết đến Moonson và đã đặt vé tham dự. Tôi nghĩ, với mỗi không gian sáng tạo, chúng ta cần phải tìm đến một sự sáng tạo. Sáng tạo ở đây là từ cách thức tổ chức, mô hình tổ chức nó mang đặc trưng của lễ hội của mình. Chính vì vậy, chúng tôi đã mất rất nhiều công sức để thuyết phục UBND thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan quản lý về địa điểm tổ chức đó. Và chúng tôi cũng hiểu được tác động của việc tổ chức lễ hội ở giữa Thủ đô như thế nào để có những ứng xử phù hợp.
Ở châu Âu vào mùa Hè thời tiết rất đẹp và với các điều kiện, thói quen của họ thì họ tổ chức vào mùa Hè. Còn ở Việt Nam vì thời tiết vào mùa Hè thì quá nóng, không thể làm được nên tôi nghĩ vào mùa gió mùa (tháng 11), tổ chức Monsoon là mùa đẹp nhất. Tổ chức ngoài trời tuy cũng có nhiều rủi ro về thời tiết nhưng khi sự quan tâm của khán giả đã vượt qua những đắn đo về thời tiết thì nó sẽ không tác động quá nhiều. Còn ngoài trời hay trong khán phòng thì đều có những đặc thù riêng về những ưu điểm và hạn chế.
Tôi nghĩ cho đến bây giờ, Hoàng Thành Thăng Long là địa điểm tổ chức Moonson hoàn hảo nhất. Và đặc biệt,chúng tôi xây dựng được thương hiệu khi nhắc tới Hoàng Thành Thăng Long gắn liền với Monsoon và ngược lại. Sự tương hỗ đó giúp cho thành phố Hà Nội có thêm một không gian sáng tạo để có thể tham gia vào Mạng lưới những thành phố Sáng tạo trên thế giới. Không chỉ vậy nó còn mang đến một không gian sáng tạo cho người dân trong thành phố.
* Ở “Monsoon” anh cảm nhận thế nào về tinh thần của giới trẻ?
- Trước đây, khi đi thực tập tại các festival trên thế giới, tôi học được một điều: Chúng ta cần phải đặt niềm tin vào lớp trẻ. Phải ứng xử với những khán giả trẻ ấy một cách văn minh thì họ sẽ văn minh. Họ cho rằng lễ hội thì cần phải tạo ra một không khí lễ hội, chứ không phải tạo ra bạo lực ở lễ hội. Họ đặt niềm tin rằng một khi mang lại niềm vui cho khán giả thì sẽ không xảy ra bất kỳ một trường hợp quậy phá nào cả.
Ở Monsoon tôi cũng làm như vậy và tôi nhận thấy và nhìn thấy rất nhiều các hình ảnh tích cực, văn minh từ các khán giả trẻ bởi những ứng xử của họ ở nơi công cộng. Họ không chỉ quan tâm đến một lễ hội âm nhạc mới mà còn ứng xử với nghệ thuật văn minh hơn cả kỳ vọng. Trong 5 năm tổ chức Moonson chúng tôi chưa bao giờ có bất cứ một sự cố nào. Chúng tôi chưa bao giờ phải sử dụng đến vũ lực để giữ gìn trật tự trong lễ hội này.
Khán giả đến Monsoon khi họ cảm nhận đó là một lễ hội, một không gian sáng tạo nghệ thuật và họ cần niềm vui ở trong lễ hội ấy. Họ là những người có nhu cầu. Có thể về điều kiện tài chính họ chưa có điều kiện tham gia nhiều hơn nữa vào những không gian sáng tạo, nhưng nhu cầu của họ về đời sống tinh thần trong không gian sáng tạo là rất lớn. Thậm chí họ cần nhiều hơn nữa các sân chơi khác nhau bởi vì chúng ta còn quá ít cho các bạn trẻ.
*Xin cảm ơn anh! Chúc anh có một năm mới thật nhiều may mắn và gặt hái được nhiều thành công!
“Monsoon” có tác động gì đến âm nhạc Việt Nam? "Nếu để chúng tôi nói về đánh giá tác động của Monsoon thì nghe có vẻ sẽ thiếu tính khách quan. Tuy nhiên tôi nghĩ tất cả các nghệ sỹ Việt Nam tham gia Monsoon thì việc đầu tiên là họ sẽ có cảm hứng và sẽ mang được những dự án mới đến với khán giả. Có cảm hứng biểu diễn ở sân khấu ngoài trời trước hàng chục ngàn người như vậy thì sẽ có những cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Điều đặc biệt hơn là qua những buổi biểu diễn như vậy thì họ cũng được chứng kiến không chỉ những nghệ sĩ nổi tiếng mà cả những nghệ sĩ trẻ - không chỉ ở các nước phương Tây mà cả ở khu vực châu Á - đang sáng tạo nghệ thuật ra sao? Tôi nghĩ điều đấy cũng sẽ tác động trực tiếp đến những nghệ sĩ tham gia Monsoon và sẽ mang lại sự lan tỏa nhiều hơn đến toàn bộ nền công nghiệp âm nhạc của Việt Nam. Chúng tôi đã làm những bản đánh giá tác động của Monsoon đến thị trường âm nhạc và câu trả lời đầu tiên là mang lại là những cảm hứng mới, mang lại những thói quen và mang lại những mô hình mới không chỉ ở Hà Nội mà còn ở những thành phố khác. Khi có những mô hình như vậy thì sẽ mang lại sự lan tỏa nhiều hơn đến đời sống âm nhạc nhạc nói riêng và sáng tạo văn hóa nói chung. Tôi nghĩ có thể không phải chỉ có một Monsoon ở Hà Nội mà có thể có nhiều mô hình lễ hội hoặc không gian sáng tạo nghệ thuật khác khi chúng ta thấy sự quan tâm của xã hội đối với không gian sáng tạo và có những ứng xử tương xứng với không gian như vậy. Monsoon là một thương hiệu mà chúng tôi rất nghiêm túc trong việc xây dựng nó. Monsoon không chỉ tác động đến âm nhạc nói riêng mà với cả đời sống sáng tạo nghệ thuật nói chung từ rất nhiều hướng, từ người sáng tạo nghệ thuật cho đến khán giả vì chỉ có những ứng xử của khán giả, của xã hội mới tạo nên sân chơi và niềm cảm hứng cho người sáng tạo nghệ thuật. (Phát biểu của nhạc sỹ Quốc Trung) |
Hoa Mộc Lan – Phạm Huy (thực hiện)
Tags