Năm nay, theo danh sách công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đến 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng những bàn tán ồn ào trong dư luận lại xoay quanh những ai không được phong tặng danh hiệu.
Đó là những nghệ sĩ được đông đảo công chúng biết đến như: nghệ sĩ hài Văn Hiệp, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng, nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng, nghệ nhân Hà Thị Cấu...
Lý do là họ không đủ số huy chương và không đạt được đủ phần trăm phiếu bầu của hội đồng xét tặng. Còn như NSƯT Chí Trung, anh có đủ số huy chương nhưng bị cho là không khai trong hồ sơ. Nghệ sĩ hài Hoài Linh lại là trường hợp khá đặc biệt khi không có đủ số huy chương nhưng vẫn được xét duyệt NSƯT.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ quan điểm trên báo chí: “Trong lịch sử chèo đương đại VN không thể không nhắc đến tài năng và công lao của các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Khắc Tư, Minh Thu, vậy mà họ lại bị đánh trượt danh hiệu NSND. Riêng nghệ sĩ Thanh Ngoan còn bị đánh trượt tới hai lần, thật quá bất công. Phải đặt dấu hỏi với hội đồng”.
Một thành viên trong Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp nhà nước thừa nhận: “Nghệ sĩ chưa được chọn lỗi là do hội đồng”. Nói cách khác, nghệ sĩ nhân dân nhưng nhân dân chưa được chọn.
Vĩnh biệt người thầy của sân khấu Việt Nam
GS.TS, NSND Đình Quang – người thầy lớn của ngành sân khấu Việt Nam – qua đời hôm 12/7. Ông là Hiệu trưởng Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội từ năm 32 tuổi, về sau làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin trong nhiều năm.
Sinh năm 1928 tại Hà Nội, NSND Đình Quang theo học Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) và nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Humboldt ở Berlin (Đức). Các học trò lừng danh của ông có NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Doãn Châu…
Nghệ sĩ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Nhà thơ Hữu Thỉnh một phần tư thế kỷ lãnh đạo Hội Nhà văn
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 9 vừa kết thúc hôm 11/7 với việc nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội. Đây là nhiệm kỳ chủ tịch lần thứ 4 của tác giả bài thơ Sang thu. Tính đến năm 2020 (năm nhiệm kỳ này kết thúc), ông tròn 20 năm làm Chủ tịch Hội nhà văn.
Mặc dù vậy, trên thực tế, Hữu Thĩnh đã lãnh đạo Hội từ nhiệm kỳ 1995-2000 khi ông làm Phó Tổng thư ký Thường trực trong khi Tổng Thư ký Hội là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Như vậy, nếu tính về công việc lãnh đạo, nhà thơ Hữu Thỉnh sẽ có 25 năm đứng đầu Hội Nhà văn.
Phần hai của Giết con chim nhại gây sốt toàn cầu
Tiểu thuyết Go Set A Watchman của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee (89 tuổi) ra ngày 14/7 vừa trở thành tác phẩm được đặt hàng trước nhiều nhất kể từ tập truyện cuối cùng trong loạt tiểu thuyết Harry Potter, với hơn 2 triệu bản. Đây là phần tiếp theo của tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ 20, Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird).
Việc Giết con chim nhại quá thành công hồi thập niên 60, được tôn lên hàng kinh điển, đã khiến Harper Lee đóng băng sự nghiệp văn chương. Bà vẫn viết nhưng không ra mắt các tiểu thuyết sau của mình.
Go Set A Watchman được sáng tác từ tận giữa thập niên 50, đến với độc giả sau 60 năm chờ đợi. Chương đầu tiên của tiểu thuyết được đăng công khai trên các báo lớn đã khiến độc giả choáng ngợp và gây không ít bàn cãi về nội dung.
Giết con chim nhại kể về nạn phân biệt chủng tộc và bất công ở Nam Mỹ, phần 2 Go Set A Watchman tiếp tục câu chuyện với nhân vật chính là Scout Finch ở tuổi trưởng thành.
Hãy để yên cho Minions được… dễ thương
Bộ phim đang gây sốt trên thế giới với doanh thu 115 triệu USD chỉ trong 3 ngày không chỉ được yêu thích. “Bộ phim dễ thương nhất năm 2015” – nhiều tờ báo nhận xét thế.
Nhưng một số người, có thể vì ác cảm với màu vàng, hoặc với quần bò yếm, hoặc với ngôn ngữ biến tấu “I swear” thành “Underwear” (đặc điểm của các nhân vật trong Minions), nên đã lên án bộ phim bằng vài lý do từ kỳ quặc đến lãng xẹt.
Đầu tiên, Minions bị chê vì “thiếu sự đa dạng”, khi các nhân vật đều vàng khè và mặc quần bò yếm, không có chỗ cho cá tính vượt trội. Thứ hai, “tại sao Minions toàn là nam, không có nữ, phải chăng nhà làm phim coi thường nữ giới?”. Kỳ quặc nhất phải là ý kiến “Minions đã phá hoại internet bởi các ảnh chế phổ biến nhất trên mạng đều sử dụng các nhân vật Minions”.
Dù sao, dư luận Mỹ cũng cho thấy họ có thể bình luận mọi khía cạnh về mọi chủ đề, kể cả khi khía cạnh đó gây mất thời gian cho mọi người nói chung. Tạp chí Time tổng kết “Hãy để yên cho các Minions dễ thương” vì không phải mọi bộ phim đều buộc phải lồng ghép những vấn đề phức tạp của xã hội loài người.
La Dolce Vita sẽ còn nóng bỏng hơn ở thời hiện đại?
Từng gây sốc ở thập niên 60 vì độ táo bạo, siêu phẩm điện ảnh ItalyLa Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) sẽ được làm lại dành cho thời hiện đại. Tổ chức quản lý di sản của đạo diễn nổi tiếng Federico Fellini đã đồng ý cho tập đoàn AMBI khai thác bản quyền sản xuất phiên bản mới.
Sau 55 năm, chủ đề của La Dolce Vita vẫn chưa hề cũ đi bởi những góc khuất trong cuộc sống của giới giải trí và giới thượng lưu vẫn là mối quan tâm lớn của dư luận. Được kể từ góc nhìn của một cây bút đam mê làm nhà văn nhưng lại trở thành phóng viên báo lá cải, La Dolce Vita không thiếu yếu tố hiện đại để làm hài lòng khán giả thời nay.
Vai diễn đầy gợi tình của Hoa hậu Thụy Điển 1950 Anita Ekberg trong vai Sylvia của La Dolce Vita khiến khán giả không thể nào quên. Bộ phim cũng là bệ phóng tên tuổi cho nam diễn viên chính Marcello Mastroianni.
Nha Đam (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags