Việt Nam là nước có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều nét đặc trưng độc đáo, để lại những ấn tượng sâu đậm trong mắt bạn bè quốc tế. Những người nước ngoài có thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam ít nhiều đều cảm nhận được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Là một người nước ngoài có nhiều năm công tác tại Việt Nam, nhà báo Ngụy Vi - Trưởng ban Tiếng Việt của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc - đã có nhiều trải nghiệm thực tế phong phú về văn hóa Việt Nam. Những ấn tượng tốt đẹp về văn hóa Việt Nam vừa được ông chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Trung Quốc.
Nói về những trải nghiệm, cảm nhận và ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân về văn hóa cũng như con người Việt Nam, nhà báo Ngụy Vi nhấn mạnh, văn hóa Việt Nam là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khác với các quốc gia khác cũng nằm ở Bán đảo Đông Dương, bản sắc văn hóa Việt Nam rất gần gũi với các dân tộc Đông Á. Văn hóa Việt Nam có nét đặc trưng truyền thống dân tộc Đông Á là khiêm tốn, kín đáo và tôn trọng tổ tiên. Trong giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Việt, có rất nhiều đại từ nhân xưng, song đại từ "tôi" ít được sử dụng, mà thay vào đó là các đại từ như "anh", "chị", "em", mang lại cảm giác thân thiết, gần gũi. Một nét văn hóa quan trọng khác của Việt Nam là kính trọng tổ tiên. Hầu như tất cả các gia đình ở Việt Nam đều có bàn thờ, từ đường, ngày lễ ngày Tết luôn cúng lễ, tưởng nhớ những người thân đã khuất và tổ tiên. Đây cũng là nét đặc trưng của văn hóa Đông Á.
Cũng theo nhà báo Ngụy Vi, Việt Nam là một dân tộc sẵn sàng đón nhận các nền văn hóa và điều này thể hiện bản sắc cởi mở của văn hóa Việt Nam. Ở Việt Nam, vừa có thể cảm nhận được sự kín đáo của văn hóa Nho giáo, sự cởi mở của văn hóa phương Tây, vừa có thể cảm nhận được sự cần cù của văn hóa Á Đông cũng như thấy được sự thành kính của văn hóa Phật giáo. Đồng thời, văn hóa Việt Nam cũng giữ được bản sắc bền bỉ của mình.
Đánh giá về vai trò của văn hóa Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước, hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam, nhà báo Ngụy Vi cho rằng chính những nét đặc trưng nói trên đã giúp Việt Nam xây dựng một đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng chính nhờ có bản sắc văn hóa nhiệt tình, cởi mở, bao dung mà trong những năm gần đây Việt Nam đã không ngừng hội nhập thế giới, không ngừng học hỏi kinh nghiệm tiên tiến từ bên ngoài, mở cửa và đạt được những thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng.
Về đường lối phát triển văn hóa Việt Nam mà Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra cùng những quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển văn hóa Việt Nam, nhà báo Ngụy Vi nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới." Điều này thể hiện sự nhìn nhận rõ ràng và chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Đảng và nhà nước về vai trò của đặc trưng văn hóa Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo nhà báo Ngụy Vi, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra mục tiêu chiến lược phát triển đất nước là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, cần thực hiện quan điểm phát triển văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra.
Nhận định về bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về lĩnh vực văn hóa, nhà báo Ngụy Vi nhấn mạnh, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức quan trọng và có tầm nhìn sâu xa. Các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng, phát triển văn hóa luôn nhất quán, không ngừng phát triển trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy các nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam "dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học".
Theo nhà báo Ngụy Vi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nắm vững tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Tags