(Thethaovanhoa.vn) - Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các vùng miền của đồng bào dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam.
Biến các văn bản thành hành động thực tiễn
* Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Theo ông, những vấn đề đặt ra về văn hóa Việt Nam hiện nay là gì?
- Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đánh giá cao vị trí và vai trò của văn hóa trong xã hội hiện đại. Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều xác định rõ: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (Nghị quyết số 33 khóa XI ngày 9/6/2014). Văn hóa soi đường cho quốc dân đi (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển của xã hội; phát triển kinh tế mà tách rời khỏi văn hóa thì xã hội sẽ mất cân đối và suy yếu…
Chính vì vậy, việc quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, một bộ phận vô cùng quan trọng của văn hóa cũng phải được đặt ra một cách toàn diện và quyết liệt thì mới có thể thực hiện được đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa.
Dưới góc độ là một nhà khảo cổ học có gắn bó chặt chẽ với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích văn hóa vật thể, theo tôi, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trước hết, các cấp quản lý, các cơ quan quản lý và các cơ quan chuyên môn liên quan thấu hiểu và quán triệt mạnh mẽ, sâu sắc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa.
Tiếp theo, chúng ta cần nhận thức sâu sắc các giá trị nhân văn và đặc biệt là các giá trị chính trị do văn hóa mang lại; cần phải hiểu được nguồn gốc dân tộc phát triển từ đâu; hiểu lịch sử vẻ vang của dân tộc và các di tích chứng minh điều đó như thế nào trong việc giáo dục truyền thống… Ngoài ra, chúng ta cần chú ý đến vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trong việc thực thi chính sách bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; đến vấn đề nguồn lực vật chất, nguồn lực con người cho tương xứng với giá trị và chất lượng trong việc đầu tư nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.
Cuối cùng, cần biến luật pháp hay những quy định của các văn bản pháp quy, những chỉ đạo thiết thực, rõ ràng của Đảng, của lãnh đạo Nhà nước ta thành những hành động thực tiễn, hiệu quả…
Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa
*Hướng tới phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, ông có đề xuất gì nhằm xây dựng hệ giá trị này?
- Theo tôi, để phát huy hiệu quả nguồn lực của Di sản văn hóa vật thể, chúng ta cần chú ý những vấn đề sau: Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Di sản văn hóa và các quy định trong các loại văn bản pháp quy của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ví dụ, Tổng Bí thư trong bài phát biểu vừa qua đã nói "Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn trân trọng và phát huy" các giá trị của di sản văn hóa… "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân, bội nghĩa với tổ tiên và cha ông". Hay lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27/7/2018: "Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: "Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được". Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì".
Hiểu biết thật sâu sắc về giá trị to lớn của Di sản, thấu hiểu đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa, từ đó vận dụng triệt để mọi nơi mọi lúc nhằm bảo vệ thật tốt các loại hình di sản văn hóa, biến các quan điểm và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta thành các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả theo những tinh hoa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để lại, không làm lai căng và làm biến thái các di sản truyền thống của dân tộc. Cùng với đó, nghiên cứu và xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, hoàn thiện, sát với thực tiễn; tăng cường giáo dục các giá trị của văn hóa, trên cơ sở đó nâng cao ý thức và trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ các di sản văn hóa để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực và động lực cho phát triển; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực văn hóa; tăng cường đầu tư cho văn hóa theo tinh thần "Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển…".
- Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021
- Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
- Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Kỳ vọng gì ở nền công nghiệp văn hóa Việt Nam?
*Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc về văn hóa, ông kỳ vọng như thế nào về việc chấn hưng văn hóa cũng như xây dựng các giá trị tích cực của văn hóa?
- Những người làm công tác văn hóa hay liên quan đến văn hóa đều "nức lòng" khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Bài phát biểu đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc đến vai trò của văn hóa, đề cập đến việc khơi dạy các nguồn lực, chỉ ra những yếu kém tồn tại và đề ra một số giải pháp cấp bách… Tất cả những điều đó đều có giá trị chỉ dẫn và thực tiễn rất lớn. Nếu cả hệ thống chính trị, xã hội đều cùng vào cuộc và nghiêm chỉnh chấp hành có thể sẽ tạo ra một cơn "địa chấn lớn" có tác dụng to lớn đến việc chấn hưng văn hóa cũng như xây dựng và phát huy các giá trị của văn hóa.
Điều quan trọng là chúng ta có thể thực hiện và biến thành hành động thực tiễn hay không? Thực tế, trong quá khứ cũng đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề văn hóa, nhưng sau đó dường như rất ít có các đợt thi đua hay những hoạt động cụ thể để thực hiện các chỉ đạo đó. Bởi vậy, sau đó nhiều di tích vẫn bị phá hủy và biến dạng, nhiều báu vật vẫn bị trộm cắp và biến mất, nhiều yếu tố văn hóa lạ không có lợi cho văn hóa nước nhà được du nhập bừa bãi, việc trùng tu, phục dựng chưa đúng với tư liệu khoa học, chưa phản ánh đúng truyền thống dân tộc. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, nếu như ngành Văn hóa cả nước dấy lên một phong trào mạnh mẽ trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thì sẽ thu được rất nhiều thành công.
*Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lý Thanh Hương/TTXVN (thực hiện)
Tags