(Thethaovanhoa.vn) - Chiến tranh ở Donetsk, thành phố nằm tại miền Đông Ukraine, đã phá hủy nhiều công trình văn hóa, khiến cho không ít hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở đây bị ngưng trệ hoàn toàn.
Do chiến tranh, các hoạt động văn hóa diễn ra cầm chừng, với opera là môn nghệ thuật duy nhất còn hoạt động tương đối mạnh.
Trong tháng 11 này, Nhà hát opera Donbass ở Donetsk sẽ trình diễn một số vở opera nổi tiếng, như The Gipsy Princess của Emmerich Kalman, La Traviata của Giuseppe Verdi và The Barber Of Seville của Luigi Rossini.
Giúp người dân tạm thoát khỏi tiếng súng
Những vở opera mang tới làn gió mát lành cho thành phố đang bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh này. Theo các nghệ sĩ của Nhà hát, chúng giúp công chúng có cơ hội giải khuây và tạm thoát khỏi không khí của cuộc chiến.
Nghệ sĩ Lidia của Nhà hát Donbass cho biết thời gian đầu, Nhà hát sẽ cho trình diễn miễn phí các vở opera để xem công chúng đón nhận ra sao. Lidia hát trong dàn đồng ca và là thành viên của Nhà hát opera Donbass từ mùa Thu năm 2012. Lúc đó, Nhà hát là tâm điểm của báo giới khi trình diễn vở opera The Flying Dutchman của nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner.
Tuy nhiên những ngày vinh quang ấy đã lùi xa vào dĩ vãng. Hiện nay toàn bộ bối cảnh và đạo cụ sân khấu đều đã bị hủy hoại do Nhà hát bị bắn phá bởi tên lửa chống tăng có điều khiển. Theo bà Liadia, hầu hết ca sĩ và nhạc sĩ đã trốn chạy khỏi thành phố, chỉ còn lại 1/3 dàn nhạc và dàn đồng ca.
“Thật là phẫn nộ. Nhà hát của chúng tôi nằm trên vùng đất vẫn diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt” – nhà biên đạo múa nổi tiếng Vadim Pisarev bày tỏ. Viện Hàn lâm Múa và Nhà hát nơi ông làm việc từng đào tạo rất nhiều nghệ sĩ múa solo cho các công ty của Nga, Ukraine và Đức. Không khó để thấy ông đã đau xót thế nào khi chứng kiến Nhà hát bị hủy diệt.
Hàng chục công trình văn hóa bị phá hủy
Cuộc xung đột ở Donetsk còn phá hủy nhiều công trình văn hóa trong thành phố, như Bảo tàng quốc gia Donetsk. Giới chức Ukraine cho biết, hơn 30 công trình văn hóa ở Donetsk hiện đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nặng.
Đơn cử như công trình tưởng niệm Savur-Mohyla, được dựng lên từ những năm 1960 nhằm tôn vinh những người lính trong Thế chiến thứ 2. Công trình này đã sụp đổ sau nhiều tuần bị nã pháo. Khu đồi nơi đặt đài tưởng niệm từng chứng kiến các cuộc đụng độ ác liệt giữa quân đội Đức và Hồng quân Liên Xô hồi năm 1943. Nay nó lại chứng kiến những người Ukraine bắn vào nhau trong cuộc chiến giữa quân chính phủ và đội quân đòi liên bang hóa ở miền Đông.
Bảo tàng lịch sử ở Donetsk cũng là nạn nhân của cuộc chiến. Tòa nhà này đã 15 lần bị tên lửa chống tăng có điều khiển tấn công. “Tôi không nghĩ đây là những mục tiêu cần phải triệt hạ. Chúng tôi đã vô tình phải sống trong làn đạn” – bà Tatyana Koynash, giám tuyển của bảo tàng nói.
Evgeny Denisenko, Giám đốc Bảo tàng lịch sử, ước tính khoảng hơn 30% trong tổng số 150.000 hiện vật trưng bày của bảo tàng đã bị phá hủy. Có lẽ mức độ tổn hại của bảo tàng còn lớn hơn, nếu như trước đó các nhân viên bảo tàng không sơ tán những hiện vật dễ vỡ và có giá trị xuống tầng hầm.
Ông Denisenko cho biết các nhân viên trong bảo tàng đều tham gia hoạt động sơ tán hiện vật. Họ rất tận tâm với công việc, dù từ mùa Xuân đến nay vẫn chưa hề nhận được đồng lương nào. Theo ông Denisenko, hoạt động sửa chữa xây dựng lại bảo tàng có thể gây tốn kém tới 6 triệu euro (7,4 triệu USD).
Hiện nay, đội ngũ tình nguyện viên đang bận bịu với việc sửa chữa tạm bảo tàng, để nó có thể vượt qua mùa Đông khắc nghiệt. “Bảo tàng là lịch sử của chúng tôi. Nó sẽ hoạt động trở lại” – Igor, một công nhân xây dựng cho biết.
Các nhân viên của Trung tâm nghệ thuật đương đại Izolyatsia đã không thể lạc quan được như Igor. Một tổ chức tư nhân từng thiết lập Trung tâm nghệ thuật đương đại Izolyatsia tại một nhà máy bị bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Donetsk.
Điều đáng buồn là trong cuộc chiến, Trung tâm đã bị tàn phá, nhiều tác phẩm nghệ thuật bị lấy đi còn các nhân viên của nơi này phải chạy tới Kiev để lánh nạn.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags