(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý, đó là kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du và vở kịch Romeo & Juliet của William Shakespeare do nhà hát kịch TNT Anh quốc biểu diễn.
1. Vào hai ngày 15 và 16/11 tới đây, tại Đại học Văn hóa Hà Nội (418 Đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du - Khoa Viết văn, Báo chí (1979 - 2019).
Theo đó, “chính lễ” kỷ niệm sẽ diễn ra vào sáng ngày 16/11. Phần hội sẽ diễn ra các hoạt động như: khai mạc gian trưng bày của sinh viên hiện đang theo học tại khoa, Gala giao lưu các thế hệ "Trang sách - trang đời" (chiều và tối ngày 15/11), Lễ kỷ niệm (sáng 16/11).
Trước đó vào 8h30 ngày 12/11, trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nòng cốt là khoa Viết văn, Báo chí) tổ chức hội thảo Tiếp nhận Mikhail Bakhtin ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, hội thảo đã nhận được sự quan tâm, cộng hưởng của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ trong cả nước.
Được thành lập từ năm 1979, Trường Viết văn Nguyễn Du trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kiến thức cho lực lượng sáng tác văn học trẻ. Trường đã trải qua nhiều thay đổi về tên gọi cũng như nội dung, chương trình đào tạo.
Năm 2004, trường chuyển về trực thuộc Ðại học Văn hóa Hà Nội, đánh dấu một chặng đường mới với tên gọi Khoa Viết văn - Báo chí cùng những kế hoạch xây dựng, phát triển theo hướng đa dạng loại hình đào tạo trên tinh thần kế thừa thành tựu chuyên ngành viết văn đã có trước đây.
Sau 40 năm, đã có 1.000 học viên tốt nghiệp chuyên ngành Viết văn - Báo chí. Trong số đó, số học viên sau này đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hàng chục người đã nhận các giải thưởng văn học có giá trị cao và rất nhiều người đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học quy mô khác nhau. Trong số đó, tiêu biểu có các nhà văn: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Ðỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ngô Thị Kim Cúc, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương... Nhiều cây bút trẻ tốt nghiệp từ Khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình Văn học (nay là Khoa Viết văn - Báo chí) cũng đã và đang có những đóng góp vào hoạt động của nền văn học, báo chí nước nhà.
Hiện nay, Khoa đang có hơn 100 sinh viên theo học hai chuyên ngành Viết văn - Báo chí.
2. Vào lúc 11h và 20h ngày 13/11 tại Nhà hát lớn (Hà Nội); lúc 11h và 20h ngày 15/11/2019 tại Nhà hát TP.HCM, vở Romeo & Juliet của Nhà hát TNT (Anh quốc) sẽ tái xuất cùng khán giả Việt sau 10 năm. Năm 2009, qua “người đưa đò” là đạo diễn Lê Quý Dương, vở này đã có hơn 10 suất diễn tại Việt Nam.
Vở diễn đã được Nhà hát TNT liên tục sáng tác đèn trong hơn 10 năm qua tại nhiều nước, có lẽ nhờ sự gọn nhẹ của phục trang, cảnh trí, chỉ cần một va-li lớn là xong. Khi vở này đến Singapore lưu diễn, tạp chí FIFO của nước này nhận định: “Cuối cùng, chỉ có một đoàn kịch chuyên nghiệp và lành nghề mới có thể lột tả được những sắc thái và sự phong phú trong các tác phẩm của William Shakespeare. TNT đã mang đến những câu thoại dí dỏm trong tư thế đĩnh đạc cùng với phong cách cổ điển”.
Nếu lần này diễn đúng như phiên bản năm 2009, thì vở kịch hơn 3 tiếng đồng hồ này sẽ không có đóng màn để chuyển cảnh, cảnh trí cứ di chuyển trước mắt khán giả. Đạo diễn Paul Stebbings rất thông minh khi không mang theo tổ hậu đài, để giảm nhân sự và chi phí, thay vào đó bằng cách xem việc chuyển cảnh như là một hành động kịch của chính các nhân vật. Ngoài diễn viên đóng Romeo và Juliet, các diễn viên còn lại đều đóng hai, ba vai khá tài tình.
Từ khía cạnh dàn dựng, nhiều năm qua kịch kinh điển - cổ trang vẫn là “nỗi ám ảnh lớn” của nhiều sân khấu tại Việt Nam, vì ngại tốn kém, khó thu hồi vốn. Nếu muốn có thêm một kinh nghiệm thực tế, hãy học cách làm của vở này, nơi diễn xuất được chú trọng hết mức, còn những điều khác được tối giản tối đa, biết tương tác theo kỹ thuật và hoàn cảnh thực tế của từng sân khấu.
Tuy gọn gàng và giản lược như vậy, nhưng những điều căn bản của một vở kinh điển vẫn được gìn giữ. Ví dụ như chất thơ nhạc vẫn dạt dào trong đài từ, vì tất cả kịch của William Shakespeare đều viết bằng thơ, đầy ẩn dụ. Hoặc cốt cách của văn hóa châu Âu thời trung đại, chất ước lệ, tượng trưng… vẫn được khai thác đủ độ.
Phạm Huy - Như Hà
Tags