(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 cuộc tọa đàm đáng chú ý, đó là “Tinh túy xứ An Nam” (24/9) và “Sự hình thành và những ý tưởng cải cách chữ quốc ngữ” (28/9), cả 2 đều diễn ra tại L’Espace, Hà Nội.
1. Kể từ thế kỷ 17, khi những nhà truyền giáo và các thương nhân Pháp tìm tới Việt Nam, sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt đã được bắt đầu và kéo dài trong suốt nhiều thế kỷ sau đó, với những chi phối đặc biệt từ lịch sử. Và, một cách tất yếu, những ghi chép, nghiên cứu của người Pháp về văn hóa, lịch sử Việt Nam trong quá khứ cũng luôn là một nguồn tư liệu quan trọng, được tham chiếu và khai thác cho tới naytheo tinh thần “gạn đục khơi trong.”
Bởi, bên cạnh giá trị về tư liệu, những công trình thuộc dạng này cũng thường xuyên cho thấy một góc nhìn đặc biệt - và không phải là không có sự tôn trọng khách quan - của những con người đến từ văn hóa phương Tây, với con mắt thiên về lý tính đối với nền văn hóa của dân tộc Việt ở Phương Đông.
Trong bối cảnh ấy, Tinh túy xứ An Nam là cuộc tọa đàm được Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) tại Hà Nội tổ chức vào tối 24/9 tại 24 Tràng Tiền (Hà Nội) với nội dung xoay quanh 3 cuốn sách Tâm lý người An Nam của Paul Giran, Nghệ thuật xứ An Nam của Henri Gourdon và Bắc Kỳ tạp lục của Henri M.Souvignet.
Trong số này, Tâm lý người An Nam đã vẽ nên một bức tranh sinh động và tỉ mỉ về xã hội Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ. Không chỉ là một nguồn tư liệu khảo cứu phong phú trên cơ sở nghiên cứu về nhân chủng học, công trình còn là một phép so sánh thú vị về những giá trị và quan niệm khác nhau giữa hai nền văn minh Đông - Tây trên nhiều bình diện.
Bắc Kỳ tạp lục đưa ra một cái nhìn tổng thể, bao quát về các tập tục và thiết chế của người Việt vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đặc biệt là các nét tiêu biểu trong đời sống ở Bắc Kỳ. Đây có thể coi là một chiếc chìa khóa giúp người Pháp len lỏi vào các ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, bằng cách lĩnh hội và thẩm thấu nhanh chóng những tập tục của họ trên mọi lĩnh vực như: ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng… trong thời kỳ ấy.
Còn Nghệ thuật xứ An Nam của Henri Gourdon (Tổng giám đốc đầu tiên của Nha Học chính Đông Dương) được in năm 1933, cung cấp ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và các xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng.
Bỏ qua những hạn chế khó tránh do cách nhìn của người phương Tây vào thời kỳ đó, tìm hiểu câu chuyện sau những cuốn sách ấy, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ thấy nỗ lực hiểu người Việt, hiểu văn hóa bản địa Việt Nam với những ghi chép cụ thể, sinh động, thú vị của người Pháp từ cách đây hơn một thế kỷ.
2. Vào lúc 17h ngày 28/9/2019, tại L’Espace (Hà Nội) sẽ diễn ra buổi tọa đàm “Sự hình thành và những ý tưởng cải cách chữ quốc ngữ”, với sự tham gia của TS ngữ học Phạm Thị Kiều Ly, GS-TS ngữ học Nguyễn Văn Hiệp, PGS-TS ngữ học Hoàng Dũng.
Trong Khải Định chính yếu (quyển 17), ghi lại lời vua Khải Định: “Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt”. Chính vì vậy mà ngày 16/5/1919 (nhằm 17/4 Âm lịch), kỳ thi đình - cũng là kỳ thi theo lối cựu học cuối cùng - diễn ra trong cung vua. Đây cũng là cột mốc ghi dấu sự thay thế của chữ quốc ngữ với chữ Nho, để trở thành văn tự chính thức. Về mặt hành chính, như vậy chữ quốc ngữ có lịch sử 100 năm liên tục.
Tại cuộc thảo luận, Hoàng Dũng sẽ nói về những đóng góp ngữ học và văn hóa từ các công trình của Dòng Tên như Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes, Sách sổ sang chép các việc (1822) của Philiphê Bỉnh. Hai cuốn này là hai góc nhìn khác nhau, một đi từ châu Âu đến Việt Nam, một đi ngược lại.
Phạm Thị Kiều Ly là một chuyên gia về lịch sử ngữ pháp hóa tiếng Việt giai đoạn 1615-1919. Cô sẽ trình bày về quá trình La-tinh hóa tiếng Việt, từ khi các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Đàng Trong (1615) đến lúc Alexandre de Rhodes xuất bản Từ điển Việt-Bồ-La (1651). Quá trình tiếp xúc, ghi âm, ghi thanh điệu, tạo con chữ, tạo từ… nói chung những viên gạch nền tảng làm nên chữ quốc ngữ.
Nguyễn Văn Hiệp trình bày về các dự án muốn cải cách chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ 19 đến nay. Quan điểm của giáo sư này là thật vô lý nếu chỉ phán xét chữ viết theo chức năng ghi âm, để từ đó phải làm các cải tiến, cải cách này kia, trong khi việc xây dựng chuẩn chính tả thì bỏ ngỏ. Qua đúc kết của mình, GS Nguyễn Văn Hiệp chỉ ra chẳng có dự án cải cách chữ quốc ngữ nào được thực hiện.
Như Hà - Anh Bảo
Tags