(TT&VH) - Từ chỗ một món đồ uống thanh tao, một nét văn hóa đặc sắc, trà đang dần trở thành cách thức để người Trung Quốc phô trương sự giàu có hoặc đầu tư để làm giàu.
Trong một ngày thứ Bảy của tháng 9 vừa qua, một nhóm người chừng 20 - 30 tuổi đã tụ tập nhau tại một quán trà đạo tại Hong Kong.
Khám phá lại truyền thống của cha ông
Họ ngửi và nếm một loại trà ô long từ những chiếc chén nhỏ màu trắng, không quên đưa ra các bình luận về hương vị, và cảm giác đọng lại sau khi nếm trà, cũng như loại đồ ăn nào thích hợp nhất để dùng kèm. Ngoài một bộ phận thế hệ trẻ vẫn đang đắm mình trong hương vị của các ly cà phê espresso hay frappucinos do các thương hiệu quốc tế như Starbucks bán, không ít thanh niên Trung Quốc hiện đang khám phá lại truyền thống uống trà của cha ông họ. Và thông qua việc đó, họ đã tạo ra một sự bùng nổ cả trên khía cạnh văn hóa và kinh doanh liên quan tới việc uống trà.
"Cha mẹ tôi đã uống trà như thế này mỗi ngày, nhưng cá nhân tôi ít làm điều như vậy. Thông thường tôi thích uống cà phê, nhưng là người Trung Quốc, chúng tôi nên biết về văn hóa uống trà" - Sharon Ho, 30 tuổi, người đang làm nghề kế toán cho biết khi cô nhấp một ngụm trà ô long hắc thạch Wuyi được trồng ở các ngọn núi tại tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc.
Trước cơn sốt trà ở Trung Quốc, các công ty nước ngoài đã không thể làm ngơ. Năm 2010, Starbucks đã bắt đầu bán 3 loại trà truyền thống của Trung Quốc bên cạnh các sản phẩm liên quan tới cà phê. Và Rahul Kale, giám đốc kinh doanh Công ty Typhoo Tea, đã thấy cơ hội ở Trung Quốc cho các loại trà của công ty, vốn được ưa chuộng ở Anh. "Khẩu vị chung của người dùng đã chuyển từ 100% trà Trung Quốc sang hướng rộng hơn" - ông đánh giá - "Và người Trung Quốc khá chuộng hàng ngoại".
Thú vui thưởng trà đã bất ngờ "tái xuất" và bùng nổ mạnh trong xã hội Trung Quốc |
Hiện đại hóa văn hóa thưởng trà
Tình yêu với trà ở Trung Quốc đã được so sánh với niềm đam mê rượu vang ở phương Tây. Khi văn hóa thưởng trà sống trở lại, không ít người đã tìm cách phát triển nó. Vivian Mak là một nghệ nhân pha trà nổi tiếng ở Hong Kong, người hướng dẫn việc ủ và nếm trà theo cách thức truyền thống. Nhưng Mak tự hào vì đã mang tới một cách thưởng trà hiện đại so với truyền thống.
Món đồ uống nổi tiếng trong quán trà của Mak là trà xanh ướp hương nhài rót vào trong ly đựng rượu martini. Mak thích phục vụ loại trà thơm ngát và có màu sắc hấp dẫn này như một loại đồ uống thay rượu vang tại các sự kiện của những doanh nghiệp lớn như Goldman Sachs. “Trà không có quá nhiều nước bên trong, nên anh có thể nhẩn nha thưởng thức trong đám đông” - bà nói.
Mak tin rằng các loại trà khác nhau ở Trung Quốc có thể giúp các món ăn trở nên hoàn hảo hơn. Tỉ dụ như người ta có thể uống trà long tỉnh khi dùng hải sản, hoặc trà ô long để ăn món thịt hầm kiểu Pháp. Bà cũng thích kết hợp trà với nhiều loại sô cô la khác nhau. "Trà giống rượu vang. Anh có thể phục vụ loại rượu có vị nhẹ hoặc hợp với món ăn anh đang thưởng thức. Trà cũng có thể dùng với mục đích tương tự" - bà nói.
Ricky Szeto, giám đốc điều hành công ty trà thảo mộc Hung Fook Tong ở Hong Kong, cho biết doanh nghiệp của ông đã thành công nhờ việc đóng gói các sản phẩm trà truyền thống theo hướng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trẻ. Trà ướp các loại thảo mộc lâu nay đã rất phổ biến ở miền Nam Trung Quốc do chúng giúp làm dịu bầu không khí nóng ẩm trong mùa Hè hoặc ướt lạnh trong mùa Đông. Loại trà này đã từng suy thoái vào những năm 1980, khi nhiều quán trà nhỏ phải đóng cửa vì giá thuê nhà tăng vọt.
Nhưng Hung Fook Tong đã hiện đại hóa các loại trà thảo mộc truyền thống thành nước uống đóng chai. Trà của họ được pha thêm các thành phần như nhân sâm, mật ong, dâu goji và được bán rộng rãi tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở Hong Kong và Trung Quốc. Szeto cho biết nhu cầu tiêu thụ trà của công ty đang tăng rất mạnh và doanh số đã tăng trưởng đều đặn 20% mỗi năm. Doanh số sẽ đạt mốc 700 triệu HKD (90 triệu USD) trong năm nay.
Cơ hội để khoe giàu và hốt bạc
Ngoài khía cạnh văn hóa, thưởng trà còn mang tới cơ hội để người giàu Trung Quốc khoe của. Giá của các loại trà hiếm, cao cấp ở Trung Quốc như Pu Erh - một loại trà màu đen, được lên men và có tuổi lên tới cả trăm năm, hay trà long tỉnh loại một - một loại chè tươi mới hái, đã tăng vọt trong thập kỷ qua.
Một bánh trà khô (khoảng 345g) trà pu erh đã được ủ từ nửa đầu thế kỷ trước có thể được bán với giá tới 200.000 HKD (hơn 25.000 USD). Những người bán hàng cũng thu một mức giá rất cao trên các loại trà hái từ những cây trà lâu năm, trà mọc hoang và đặc biệt là ở trên núi cao. Một khi mua được những loại trà hiếm này, dân mê trà có thể dành hàng ngày trời để nói về quá trình ô-xít hóa của trà, mức độ lên men, lá trà để vụn hay ép khô và việc trà đã được thu hoạch trong mùa Xuân hay mùa Hè. Cơn sốt thậm chí đã khiến một doanh nhân ở tỉnh Tứ Xuyên đổ tiền trồng một loại chè được bón bằng phân gấu trúc và nó có giá tới 3.500 USD cho 50 gram chè.
Tuy nhiên những người như Mak rất nghi ngờ vào khả năng đầu tư thu lợi từ việc đầu cơ vào các loại trà đắt tiền. Không có phương thức nào để xác định lai lịch của các loại trà nên người mua rất dễ dính quả lừa. "Đánh giá mỗi loại trà chỉ có thể thông qua suy đoán. Không cần biết trà đắt tiền hay không, anh chỉ cần tập trung vào hương vị nó mang lại là rõ" - bà nói.
Tường Linh (Theo BBC)