Chỉ với vài mẹo thông thường, cô gái đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn mỗi tháng. Đến mức, chính cô cũng không thể tin nổi.
Emily Cappiello, nữ tác giả của tạp chí Reader's Digest - tạp chí có số lượng phát hành lớn thứ tư của Mỹ đã chia sẻ cách giúp cô tiết kiệm tới 1.000 USD mỗi tháng.
"Cách đây vài tháng, tôi quyết định đã đến lúc phải đi đúng hướng về tài chính. Cuộc ly hôn của tôi khiến tôi không có thu nhập thứ hai, gánh chịu tất cả các chi phí sinh hoạt và phải "giật gấu vá vai".
Tôi biết mình không thể tiếp tục như vậy vì tôi ngày càng lo lắng và căng thẳng vô lý do. Mỗi ngày tôi thức dậy đều lo lắng về các hóa đơn, tìm cách làm cho mọi thứ hoạt động và cân nhắc kỹ lưỡng việc nhuộm tóc màu trầm để tôi không phải tốn tiền như khi nhuộm tóc màu nổi.
Sau đó, tôi đã tìm được The School of Betty, một trang giúp phụ nữ quản lý tiền bạc tốt hơn và tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền, giúp có được tự do tài chính", Emily Cappiello cho hay.
Dưới đây là 5 cách quản lý tài chính mà Emily Cappiello đang áp dụng
Kiểm tra tài khoản ngân hàng của bạn hàng ngày
Theo quán tính của con người, chúng ta luôn hướng tới niềm vui và tránh xa nỗi đau. Vì vậy, nếu coi tiền bạc là nỗi đau, bạn có thể không muốn dành thời gian cho nó. Tuy nhiên, hãy dán băng urgo vào nỗi đau đó để có thể kiểm soát được mọi lúc mọi nơi. Hay nói cách khác, bạn cần biết tiền của bạn đang được tiêu vào đâu.
Bạn nên kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình mỗi ngày để biết các khoản bạn bị tính phí dù bạn không sử dụng.
"Ví dụ: tôi bị tính phí khoảng 17 USD mỗi tháng cho tài khoản Amazon Fresh mà tôi chỉ sử dụng một lần. Tôi không biết đó là khoản phí định kỳ. Vì vậy, đó là khoản tiền "ném ra ngoài cửa sổ" mà tôi cần dừng", Emily nói.
Kiểm soát cảm xúc để không chi tiền theo cảm tính
Chẳng hạn bạn đang buồn nên đi mua sắm vô độ, đến cuối tháng bạn sẽ phải khóc vì hành động của mình. Vì vậy, nếu chi tiêu theo cảm tính, hãy sử dụng nó để có lợi cho bạn. Hãy tưởng tượng một mục tiêu tài chính để thúc đẩy sự cố gắng trong tâm mình (giả sử, trả hết thẻ tín dụng hoặc tiết kiệm cho một kỳ nghỉ). Ngồi và hình dung hoặc viết ra giúp bạn dễ đạt mục tiêu hơn.
Phân tích nhu cầu trước khi mua sắm
Nếu bạn chuẩn bị mua một thứ gì đó, hãy tự hỏi bản thân: "Nếu mua thứ này có nghĩa là tôi phải từ bỏ mục tiêu tài chính là xxxxx, tôi có còn muốn mua nó không?".
Thay đổi thói quen
Sau khi xem xét tất cả các lời khuyên, Emily đã xem xét kỹ lưỡng những gì mình đang chi tiêu và bắt đầu cắt giảm chi tiêu một cách điên cuồng.
“Đầu tiên, tôi đánh giá lại thói quen mua Starbucks của tôi. Và nhờ bớt uống cà phê, tôi đã tiết kiệm được hơn 200 USD mỗi tháng. Tôi cũng không mua bữa trưa, bữa tối bên ngoài, tập trung vào việc trở thành một người lớn có trách nhiệm và tự nấu ăn. Điều này không chỉ giúp tôi tiết kiệm thêm 200 USD hoặc nhiều hơn, mà bằng cách lên kế hoạch cho các bữa ăn của mình, tôi đã tiết kiệm được khoảng 75 USD khác mỗi tháng tại cửa hàng tạp hóa.
Tôi đã chuyển việc làm móng tay, móng chân hàng tuần của mình sang hàng tháng. Tôi chuyển các cuộc hẹn tẩy lông từ một nơi rất cao cấp sang một nơi không sang trọng, nhưng chất lượng tương đương. Hai điều này đã giúp tôi tiết kiệm hơn 150 USD mỗi tháng và thành thật mà nói, lông mày của tôi vẫn trông tuyệt vời.
Tôi cũng quyết định giảm bớt những đêm đi chơi với bạn bè, điều này giúp tôi tiết kiệm được 100 USD mỗi tháng và tôi thực sự yêu thích thời gian ở nhà với chú chó.
Giữa lúc giảm cân, tôi đã tham gia một số lớp học SoulCycle rất tuyệt vời (nhưng đắt tiền). Tôi cắt giảm lớp học này để sử dụng phòng tập thể dục miễn phí ở công ty. Điều đó tiếp tục giúp tôi tiết kiệm được từ 350 đến 400 USD mỗi tháng”, Emily hào hứng chia sẻ trong bài viết của mình.
Cắt giảm nhiều chi phí hơn
Sau khi thấy các con số trong tài khoản ngân hàng của mình tăng lên, tôi quyết định rằng mình có thể làm nhiều hơn nữa. Tôi bỏ dịch vụ truyền hình cáp; giảm mức sử dụng dữ liệu trên điện thoại; bắt đầu theo dõi việc sử dụng điện và gas trong nhà để xem tôi có thể cắt giảm ở đâu…Đồng thời, bắt đầu tận dụng các phiếu giảm giá và đồ khuyến mãi để tiết kiệm thêm chi phí.
Nguyễn Phượng
Theo Reader's Digest
Tags