Người ta thường nói, hồng nhan bạc phận, những người phụ nữ xinh đẹp đều có cuộc đời lắm truân chuyên. Song mỹ nam cũng không ngoại lệ.
Phan An tay cầm bút, hắt mực viết ra một bài thơ truy vong (thơ nhớ thương người đã mất), trong lòng dâng lên nỗi nhớ người vợ đã khuất.
Chẳng ai có thể ngờ được một trong Tứ đại mỹ nam trong lịch sử Trung Quốc lại một lòng một dạ với vợ như vậy, bất chấp ong bướm vây quanh không ngớt.
Nhan sắc cực phẩm
Phan An ra đời sau thời kỳ Tam Quốc chiến binh đao loạn lạc, tức là vương triều Tây Tấn. Tư Mã Viêm thống nhất thiên hạ, thành lập vương triều Đại Tấn.
Phan An là con nhà giàu, xuất thân trong gia đình theo truyền thống Nho học, từ nhỏ ông đã được đắm chìm trong bể tri thức của sách, biết đọc thơ là kỹ năng cơ bản nhất. Cha của Phan An là một quan lại phong kiến điển hình.
Thuở còn thiếu niên, Phan An theo cha chu du tứ xứ, cha ông sẵn sàng đưa ông theo cùng vì cũng muốn con mở mang tầm mắt, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ vào tố chất văn học hơn người, Phan An đã được nhận vào Thái Học - đơn vị trường học hàng đầu thuộc triều đình Trung Quốc xưa.
Cùng với con đường học tập ngày càng rộng mở, vẻ đẹp của Phan An dần trở nên nổi bật.
Có một lần, Phan An đang đi kiệu trên con đường lớn sầm uất của thành Lạc Dương, rèm xe bất ngờ bị gió thổi bay, lộ ra gương mặt mỹ nam rạng ngời. Các cô gái đi đường đã bị nhan sắc của Phan An làm cho rung động, hết lòng ngưỡng mộ. Một truyền mười, mười truyền trăm, khắp kinh thành xuất hiện một màn cực kỳ thú vị: Các cô gái thi nhau đuổi theo xe ngựa của Phan An.
Câu chuyện trên được ghi lại trong quyển "Thế thuyết tân ngữ" - một tuyển tập các tiểu thuyết kinh điển của Lưu Nghĩa Khánh, nhà văn thời Nam Tống. Trong đó còn nhắc đến một người đàn ông không biết tự lượng sức mình là Tả Tư.
Tả Tư là một nhà thơ trong kinh thành, người này luôn tin mình là một tuyệt thế mỹ nam không hề thua kém Phan An.
- Thú vui du lịch của Hoàng đế Trung Quốc: Càn Long nổi tiếng ham chơi nhưng cũng không đi nhiều bằng người này
- Ngọc tỷ của Hoàng đế Trung Quốc Càn Long được bán với giá kỷ lục
Thấy con gái kinh thành si mê Phan An, Tả Tư không phục, nói mình chỉ cần làm động tác, mặc trang phục giống Phan An là có thể được các cô gái vây quanh. Song kết quả khiến Tả Tư phải chưng hửng bỏ cuộc. Qua đó có thể thấy, khí chất và nhan sắc của Phan An không hề tầm thường.
Độ nổi tiếng ngày một tăng lên, hành vi của các cô gái cũng ngày càng quá đáng. Họ ném trái cây vào xe Phan An. Mỗi lần lái xe về phủ, Phan An xuống xe đều có thể phát hiện xe ngựa của mình chất đầy trái cây, thậm chí là hoa tươi.
Thời xưa dành tặng cho Phan An vô số lời khen ngợi, điều này khiến người ta nảy sinh nghi ngờ, rốt cuộc vẻ ngoài của Phan An đẹp đến mức nào? Thẩm mỹ cổ đại có khác biệt so với ngày nay hay không. Để làm sáng tỏ nghi ngờ này, các nhà sử học Trung Quốc dựa vào tài liệu thu thập đã phục hồi hình dạng của Phan An. Kết quả phát hiện Phan An rất giống nam diễn viên Viên Hoằng!
Tạo hình của Viên Hoằng trong phim cổ trang là kiểu thư sinh nhẹ nhàng với làn da trắng, khí chất quyền quý, gương mặt động lòng người.
Mỹ nam si tình
Là một trong tứ đại mỹ nam của Trung Quốc cổ đại (3 mỹ nam còn lại là Tống Ngọc, Vệ Hoàng, Cao Trường Cung), Phan An có một tình yêu đậm sâu nhưng không hoàn hảo.
Ngay từ khi Phan An 12 tuổi, cha đã lập hôn ước cho ông với đối tượng là con gái xinh đẹp của thứ sử Dương Châu - Dương Triệu.
Tình yêu của Phan An không thê thảm như những câu chuyện yêu đương thời xưa, nào là bỏ nhà ra đi hay đau khổ vì bị cha mẹ ép dựng vợ gả chồng. Phan An là một người con hiểu chuyện, ông đã chấp nhận hôn ước của cha mẹ.
Trong thời đại phong kiến nam tôn nữ ti, Phan An giống như một nhân vật tiên tiến đi ngược lại tư tưởng xưa. Sau khi kết hôn, ông đối xử với vợ vô cùng tử tế, cặp đôi “từ lạ thành quen, cưới trước yêu sau”, làm ra một giai thoại tình yêu được người người ngưỡng mộ - “Dương Phan chi luyến” (tình yêu của Dương và Phan).
Song ông trời dường như đang trêu ngươi cho kiếp mỹ nam của Phan An. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chưa được bao lâu, vài năm sau, người vợ họ Dương qua đời vì bệnh, để lại Phan An một mình cô đơn ở nhân gian. Phan An đau khổ khôn nguôi, nguyện cả đời không đi thêm bước nữa.
"Truy vong thi" là minh chứng mạnh mẽ nhất cho tình yêu của Phan An dành cho vợ. Ông đã viết nên bài thơ này vào thời điểm 1 năm sau khi vợ mất.
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, "Truy vong thi" của Phan An mang ý nghĩa tiên phong đi ngược lại tư tưởng thời bấy giờ. Địa vị của người phụ nữ thời đó rất thấp, trước khi có bài thơ của Phan An, hầu như không có tác phẩm nào thể hiện nỗi nhớ thương vợ của đàn ông.
Ông trời dường như không muốn người đàn ông có nhan sắc tuyệt mỹ này hạnh phúc trọn đời, vì thế hết tình duyên lại gây trắc trở trên con đường làm quan của Phan An.
Nỗi đau tru di tam tộc
Phan An 20 tuổi trở thành tham mưu dưới trướng của Giả Sung, viết nên tác phẩm “Tịch điền phú” để ca ngợi công lao của Tấn Vũ đế.
Song, con đường thăng chức của Phan An nhiều lần bị cản trở, thời gian giậm chân tại chỗ và không được trọng dụng kéo dài đến mười năm. Vì thế ông đã viết nên "Thu hưng phú".
Phan An nhận nhiệm vụ đi khắp cả nước, cuối cùng cũng trở về kinh thành nhậm chức vào năm 296 sau Công nguyên. Vị công tử phiêu diêu một thời đã không còn, hiện tại đứng trên đất hoàng thành là một người đàn ông trung niên 49 tuổi trải qua nhiều tang thương. Quan trường ba chìm bảy nổi, Phan An đã không còn là chàng thanh niên vừa có nhan sắc vạn người mê vừa tài hoa như trước kia, ông muốn leo lên quyền quý.
Mới vào kinh thành, Phan An muốn nương tựa người có thế lực lớn như Dương Tuấn, thế là đã trở thành tham mưu và là trợ thủ đắc lực của Dương Tuấn như ý nguyện. Nhưng mà đời không như mơ, Dương Tuấn đắc tội đại thần trong triều, bị vùi dập bởi bè lũ thế lực lớn hơn. Phan An lạnh run trước sóng gió.
Phan An đầu quân cho Giả Nam Phong (con gái của Giả Sung và là Hoàng hậu của Tấn Huệ đế Tư Mã Trung) và cháu trai của bà là Giả Mật. Thời điểm đó chính là lúc gia tộc họ Giả hô mưa gọi gió. Giả Nam Phong muốn phế bỏ thái tử, Phan An không may dính vào âm mưu này.
Khi thái tử say rượu, Phan An được lệnh viết một bài tế thần và yêu cầu hoàng tử sao chép lại. Thái tử say đến mức mất trí, nên đã viết nguệch ngoạc. Phan An đã phác thảo thêm vài nét và biến nó thành một bài phản loạn, dẫn đến việc thái tử bị phế truất và mẹ ruột của thái tử bị xử tử.
Dù không phải là kẻ chủ mưu nhưng Phan An rõ ràng đã đóng vai trò thúc đẩy âm mưu này. Mặc dù mưu kế này đã thành công nhưng cuối cùng Phan An lại không có kết quả tốt đẹp.
Cuối cùng, Triệu vương Tư Mã Luân thành công ngồi lên ngai vàng triều Tấn, bắt đầu diệt trừ đại thần trung thành với tiên đế. Phan An vốn không bị ảnh hưởng, chỉ có Giả Mật nằm trong tầm ngắm. Thế nhưng thân tín của Triệu vương là Tôn Tú từng chịu thiệt thòi dưới tay của cha Phan An, nên vẫn ôm hận trong lòng. Thời thế thay đổi, Tôn Tú dâng sớ lên Triệu vương thế hiện âm mưu tru di tam tộc dòng họ Phan.
Cuộc đời của Phan An là một sự phức tạp đầy mâu thuẫn với sự kết hợp của tài năng, sắc đẹp, đam mê và tội lỗi chính trị. Song người ngày nay chỉ đơn thuần biết đến và xem ông như một tượng đài sắc đẹp của văn nhân trong lịch sử Trung Quốc. Ngoại hình điển trai và tài năng xuất chúng là lý do giúp ông nổi tiếng truyền đời, bù đắp lại những lỗi lầm trên con đường tìm kiếm danh vọng.
Một người đàn ông đẹp nếu muốn không là đóa hoa đoản mệnh thì phải biết vun vén cả bên trong lẫn bên ngoài, ngoại hình lộng lẫy nhưng tâm hồn cũng phải trong sáng như nước đọng mùa thu.
Trung Hạ (Nguồn: Sina, 163)
Tags