Tại Việt Nam, làn sóng dư luận sau thảm kịch tại Hàn Quốc đã bùng lên rất mạnh mẽ, đặc biệt là khi ngày lễ Halloween đã đến.
Cứ mỗi dịp lễ, tết ai cũng phải choáng ngợp trước “biển người” mênh mông, chen chúc nhau trên các tuyến phố để hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của ngày hội. Đây là một hình ảnh hết sức quen thuộc không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Trong những ngày vừa qua, thảm kịch xảy ra tại phố Itaewon - Hàn Quốc khiến người dân trên toàn thế giới phải bàng hoàng và đau xót.
Dù không tận mắt chứng kiến, nhưng các hình ảnh về vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội đủ để chúng ta có thể cảm nhận được mức độ khủng khiếp của đám đông và những rủi ro tiềm ẩn khi cố gắng chen chúc trong những dịp lễ, hội đông người. Và liệu rằng sau sự việc trên, giới trẻ đã có suy nghĩ và cân nhắc điều gì để hưởng ứng ngày hội hóa trang năm nay?
Với tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội suốt những ngày nay, có thể nói, gần như bạn trẻ nào cũng đã nghe qua, thậm chí là đọc rất nhiều thông tin về sự việc này. Minh Huy (Marketing Planner) chia sẻ:
“Suy nghĩ đầu tiên sau khi đọc được những tin tức này thì mình không hiểu tại sao mọi người lại có thể dồn đông vào một con hẻm như vậy, cho đến khi mình xem được clip tại hiện trường mọi người chồng lên nhau, cảnh sát không thể kéo ra được thì mình thấy rất đau lòng lại càng thắc mắc không biết lý do nào mà lại dẫn đến tình trạng đó.
Thật ra đối với những tin tức như thế này mình chỉ muốn nó trôi qua càng nhanh càng tốt bởi nếu đứng trên cương vị là người thân, người nhà của các nạn nhân sẽ thấy không vui khi những sự việc đau đớn mà người nhà mình đã trải qua cứ liên tục được đăng tải như vậy. Mình chỉ mong sau chuyện này mọi người sẽ chú ý, cẩn thận hơn khi đi chơi trong những dịp lễ và đặc biệt là có ý thức hơn để tránh trường hợp xấu như thế này xảy ra kể cả ở nước mình hay nước bạn.”
Một số bạn trẻ khác cũng tỏ ra vô cùng bất ngờ, sợ sệt trước những gì đã xảy ra:
“Mình có đọc được trên báo thương vong đã lên đến hơn 150 người, có người Trung Quốc, người Ấn Độ và cả người Việt Nam cũng có. Mình cảm thấy đây là một sự việc rất kinh khủng, nó còn kinh khủng hơn cả những dịp lễ tết người ta đổ xô ra phố đi bộ Nguyễn Huệ để xem bắn pháo bông. Mình thấy sự việc trên như trong phim, có thể liên tưởng đến bộ phim Train to Busan của Hàn Quốc, chứ không thể tượng tượng nổi ngoài đời lại có một cảnh tượng như vậy xảy ra.” - Hoàng Vũ (Sales Leader tại Golden Group) cho biết .
“Mình có biết đến vụ việc ấy nhưng mình nhìn những hình ảnh hơi sợ nên cũng chỉ lướt qua rồi xem sơ thôi. Chuyện đó thật thương tâm và cũng khiến mình cảm thấy “ngộp thở” khi xem những tấm hình đó.” - Be (Creative tại The New Playground) chia sẻ.
Có thể nói, vụ việc xảy ra tại Itaewon (Hàn Quốc) vừa qua đã có rất nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người về việc đi chơi ở những khu vực đông người như vậy. Nói về điều này, cậu bạn Hoàng Vũ cho biết: “Mình ít đi đến những chỗ đông người lắm, mình thích đến những chỗ quen thôi chứ không muốn chen vào chỗ đông người. Những dịp lễ hội thế này mình cũng hạn chế đi chơi lắm, có thì cũng chỉ chạy xe vòng vòng ở chỗ thoáng chứ không muốn chen vào mấy chỗ đông người bởi vừa nóng mà kẹt xe cũng rất mệt.”
Trong buổi tối hôm nay (31/10), dù là đúng ngày lễ Halloween nhưng phố đi bộ Nguyễn Huệ hay một vài khu vực vui chơi khác tại TP.HCM cũng không đông như tưởng tượng. Nhóm 3 cô gái đang đi dạo trên phố đi bộ Nguyễn Huệ chia sẻ: “Không phải chỉ sau sự việc trên mà trước đây hầu như chúng em đã né tránh những nơi đông người rồi. Những dịp countdown cũng có ra đường vui chơi và xem lễ hội nhưng chủ yếu là đứng bên lề chứ không dám chen lấn vào biển người ngoài kia. Bên cạnh đó thì những chương trình được kiểm soát và có lực lượng an ninh đảm bảo sự an toàn về việc chen lấn như các concert của những nghệ sĩ thì chúng em mới tham gia.”
“Mình rất thích đi chơi ở nơi đông người vì thích sự ồn ào náo nhiệt, nhưng những chỗ quá đông hoặc khiến mình cảm thấy ngộp thì mình cũng chủ động tránh xa và hơi “rén” khi mà đến những nơi như vậy cứ phải chen lấn xô đẩy nhau cũng như phải chú ý rồi giữ khư khư tư trang cá nhân của mình, khó mà tận hưởng được một không khí dịp lễ một cách thoải mái nhất.” - An Di (Graphic Designer) cũng nói thêm.
Không thể phủ nhận rằng việc đi chơi ở những nơi đông người, náo nhiệt thường thu hút giới trẻ bởi sự sôi động, náo nhiệt. Thế nhưng những nơi đó cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây ảnh hưởng mà không ít người từng gặp phải. Cậu bạn Minh Huy và Thanh Bình chia sẻ về một lần rơi vào tình cảnh tương tự khiến bản thân sau đó bắt đầu hạn chế tới nơi đông người:
Minh Huy: “Đối với cá nhân mình thì mình không phải là một người hay tới những nơi đông người để đi chơi đặc biệt là dịp lễ. Trước đây mình cũng đã từng rất thích những nơi đông đúc như vậy, nhưng sau khi bản thân trải qua một vài sự cố không tốt cho bản thân mình thì mình liền né tránh các tụ điểm đông người. Huy đã từng ở trong một đám đông như vậy là vào một lần Huy đi coi đá banh ở sân vận động. Do trận bóng mở cửa tự do nên mọi người tới rất nhiều, và để có được một chỗ đẹp coi đá banh thì mọi người đã phải xô đẩy nhau rất nhiều. Lúc đó thì chân Huy bị yếu cho nên sau chuyện đó Huy đã hạn chế tới những nơi như vậy hơn.”
Thanh Bình: “Mình thường xuyên bị chen lấn xô đẩy trong đám đông luôn. Có lần tham dự countdown ở Huế, người người vây quanh một sân khấu, mình thì chỉ gọi là đứng bên cạnh sân khấu thôi mà nhiều khi còn bị xe đụng trúng bởi dòng người chen lấn xe không có chỗ đi phải leo lên lề để chen lên nên là đụng trúng mình luôn.”
Sau vụ việc Itaewon vừa qua cùng những sự việc tương tự từng diễn ra, nhiều bạn trẻ cũng đã trang bị cho mình các kỹ năng trong các trường hợp như vậy:
“Đối với cá nhân mình nếu lâm vào tình trạng như vậy mình nghĩ mình cũng khó xử lý, nhưng mình nghĩ, nếu mình cùng một số người bên cạnh cùng nhau giải quyết thì sẽ đỡ hơn một mình mình xoay sở.” - Minh Huy.
“Với kinh nghiệm của mình trong trường hợp bị cuốn vào đám đông như vậy mình sẽ cố gắng băng ngang qua chứ mình không thể cố gắng đi theo dòng người, cố gắng tấp vào lề để hạn chế việc bị đè hay chèn ép nhất có thể. Bên cạnh đó thì vấn đề về tư trang cá nhân cũng nên giữ kỹ để tránh mất mát về tài sản. Sự việc trên cũng có thể nói là một bài học cho mọi người khi gặp phải vấn đề trong đám đông, quan trọng là phải bình tĩnh, la hét sẽ chỉ dẫn đến hụt hơi, không còn sức mà đi hay làm những chuyện khác nữa.” - Hoàng Vũ.
“Trong những đám đông như thế thì thật sự nhiều khi mình cũng sẽ không biết là mình đang chen lấn gì đâu, bởi mình cứ đi vào đi theo dòng người. Nếu có trường hợp dòng người đông quá thì mình cứ đi để tìm được lối ra thôi chứ không nghĩ mình có kỹ năng gì hết.” - Thanh Bình.
Trên thế giới từng xảy ra rất nhiều thảm kịch từ những đám đông hỗn loạn, chen chúc thậm chí giẫm đạp lên nhau khi tìm cách thoát khỏi “biển người” ấy đặc biệt là vụ giẫm đạp ở con phố Itaewon - Hàn Quốc vào tối ngày 29/10 vừa qua. Đừng để niềm vui lấn át đi sự an toàn của bản thân, hưởng ứng và chào đón những dịp, lễ tết là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống song chúng ta cũng cần phải trang bị cho bản thân kỹ năng, những “bí kíp” sinh tồn trong đám đông để không chỉ giúp mình mà còn có thể giúp đỡ người khác.
- Dòng người chen chúc lên tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông
- Phá cỗ trên vỉa hè phố cổ và biển người chen chúc đón trung thu Hà Nội
- CHÙM ẢNH: Chen chúc trong nhà tù chặt như nêm ở Philippines
- Cần chú ý quan sát kỹ lưỡng trước khi hòa mình vào đám đông, bạn cần xác định rõ trước phương hướng cũng như tọa độ của các lối thoát hiểm không để mình rơi vào trạng thái mất phương hướng chỉ biết chen theo dòng người.
- Hãy rời đi ngay khi bạn cảm thấy đám đông quá dày đặc và đặc biệt là nên giữ vững đôi chân của mình bởi vì nếu bạn ngã sẽ rất khó đứng dậy.
- Nếu chẳng may bị kẹt trong đám đông, có thể di chuyển theo dòng người nhưng không nên chèn ép thẳng về phía trước mà hãy di chuyển theo hướng xéo vào những nơi có khoảng trống. Không nên đi ngược hay cắt ngang vì rất dễ bị đẩy ngược dẫn đến vấp ngã, bị đám đông vùi lấp.
- Bị kẹt trong đám đông và cảm thấy khó thở, bạn hãy đặt tay trước ngực của mình và giữ nguyên ở vị trí đó để tạo ra một khoảng trống nhỏ giúp bạn có thể tiếp tục thở, dù không được thoải mái như bình thường nhưng sẽ giúp ích cứu bạn sống sót.
- Điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh, không nên la hét rất dễ mất năng lượng, hụt hơi, càng có thể bị ngã hoặc thậm chí là bị giẫm đạp.
H. Trang x Khánh Vy - Ảnh: Viết Thanh - Thiết kế: Hoàng Sơn
Tags