Nằm giữa châu Âu hiện đại, những ngôi làng ở thung lũng Bavona (Thụy Sỹ) lại chưa từng kết nối điện lưới. Đáng nói, trái ngược với việc cảm thấy phiền phức hay thiếu thốn, người dân nơi đây vẫn vô cùng hạnh phúc.
Thung lũng Bavona hẻo lánh nằm ở vùng Ticino, miền nam Thụy Sĩ, là một trong những nơi có địa hình dốc nhất trên dãy Alps. Trong đó có tới 11 ngôi làng chưa từng kết nối lưới điện quốc gia dù khu vực này có nhiều đập thủy điện trên đỉnh núi.
Hàng ngày, một số người dân sẽ sử dụng tấm pin mặt trời từ những năm 1980 nhưng đa số các hộ khác sống dựa vào gas, nến và đèn dầu thay vì điện. Cuộc sống của họ dường như "xuyên không" từ nhiều thế kỷ trước.
Đặc biệt, theo Sonia Fornera, chuyên gia của nhóm nghiên cứu về văn hóa trên dãy Alps, các hộ gia đình ở đây thường đưa gia súc tới thảo nguyên chăn thả từ tháng 3 và chỉ trở về vào dịp Giáng sinh.
Romano Dado, cựu ủy viên hội đồng thành phố Cevio và là cư dân của thung lũng cho biết, mùa đông thường khắc nghiệt nhưng người dân không bao giờ cảm thấy phiền toái khi không có điện. Trái lại, họ đánh giá cao lối sống đơn giản này.
Được biết, ngay gần thung lũng là những con đập thủy điện, cung cấp điện cho các vùng nói tiếng Đức của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí hòa lưới điện nên 11 ngôi làng quyết định
“Để đưa điện lưới xuống thung lũng cần xây trạm biến áp, nhưng người dân tại đây không đủ tiền để làm điều đó. Chỉ một ngôi làng duy nhất nằm trên đỉnh thung lũng mới có tiền xây thứ xa xỉ này", ông Romano nói.
"Chúng tôi phải mang quần áo giặt ở ngoài bờ sông", ông Tiziano Dado, em trai Romano, nói.
Bice Tonini, cư dân làng Sonlerto chia sẻ: "Việc sử dụng nhiều điện, bao gồm dùng đèn chiếu sáng sẽ gây hại cho môi trường. Với chúng tôi, giảm tiêu thụ điện không phải vấn đề lớn bởi người dân đã quen với việc này từ lâu".
"Chúng tôi quen sống giản dị và muốn tiết kiệm năng lượng", ông Ivo Dado, 81 tuổi, tự hào về việc mình lắp pin năng lượng mặt trời từ năm 1987.
Thế nhưng, các chủ doanh nghiệp ở Bavona nói việc không có điện gây cản trở cho hoạt động thu hút khách du lịch. Điều kiện sống khắc nghiệt cũng khiến dân số của thung lũng giảm từ 500 người xuống dưới 50 người.
Theo Martino Giovanettina, một nhà văn và là chủ sở hữu của một trong số ít nhà hàng ở thung lũng, các tấm pin mặt trời chỉ là một giải pháp tình thế. Không chỉ thiếu điện, các quy định nghiêm ngặt về việc hạn chế cải tạo các tòa nhà cũ biến Bavona dần dần trở thành một bảo tàng quá khứ, không thể khai thác du lịch như các thung lũng lân cận.
Du khách tới Bavona chỉ có thể đi bằng một tuyến cáp treo từ thôn cuối cùng tới các con đập. Xe máy bị cấm đậu tại khu vực này.
Mặc dù vậy, một số khách lại cảm thấy việc không có điện khiến kỳ nghỉ của họ trở nên yên tĩnh và thanh thản hơn. Nơi đây giống như bước ra từ truyện cổ tích, thích hợp cho những ai đang muốn tìm kiếm một nơi "đi trốn", tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, những người quan tâm tới vấn đề môi trường cũng đánh giá cao địa điểm du lịch xanh này.
Doris Femminis, người đoạt giải văn học Thụy Sĩ năm 2020, lớn lên ở thung lũng và nuôi dê ở độ tuổi 20. Giờ đây, cô kể lại câu chuyện về nơi sinh ra trong những cuốn sách của mình. Hiện Doris sống ở vùng núi Jura thuộc miền tây Thụy Sĩ. Cứ khoảng 2 tháng, cô lại quay về "nơi thời thơ ấu tuyệt vời".
"Ở Thụy Sĩ, chúng tôi vẫn muốn có nơi dành riêng cho thiên nhiên hoang dã", cô Doris tâm sự.
Nguyễn Phượng (Tổng hợp)
Tags