Khao khát tình yêu, nhưng thích tự do hơn, lúc gần lúc xa, thỉnh thoảng ở chung,... mọi thứ đang âm thầm thay đổi trong mỗi giá trị quan của người trẻ. Luôn có những người "mãi mãi tuổi đôi mươi".
Thế hệ Z, những người sinh ra trong những năm 1990 và 2000 hầu hết đều được sống trong môi trường thuận lợi và cởi mở hơn so với thế hệ 8X trở về trước. Là những "cư dân Internet", giá trị quan của họ có nhiều điểm khác biệt hơn so với thế hệ ông bà cha mẹ, đặc biệt là trong những quan niệm về hôn nhân, tình yêu, việc làm và cả tiêu dùng.
Thời "ông bà anh", đạp xe, gửi thư, cả đời chỉ yêu một người. Ngày nay, giao thông đi lại thuận tiện, tốc độ internet nhanh, nhưng cũng lại sinh ra nhiều "độc thân hội" hơn. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu quan niệm về hôn nhân và tình yêu của thế hệ thanh niên này có đang thay đổi một cách lặng lẽ?
Trước đây, cần mẫn, đi làm, tan làm, đây là một ngày bận rộn điển hình của thế hệ ông bà cha mẹ. Ngày nay, gen Z phát hiện ra rằng, ngoài 8 tiếng đi làm, con người thì ra vẫn có thể sống cuộc sống mà họ mong muốn.
Trước đây, mọi người tin rằng siêng năng và tiết kiệm có thể giữ được một mái ấm, và họ sẵn sàng tiết kiệm mọi chi phí có thể. Ngày nay, giới trẻ có thể mua mua mua vì "bạn chỉ sống một lần trong đời", nhưng cũng lại có thể vì vài ngàn tiền vận chuyển mà lưỡng lự.
"Khao khát tình yêu, nhưng thích tự do hơn", "lúc gần lúc xa, thỉnh thoảng ở chung"... khi bánh xe lịch sử tiến về phía trước, giới trẻ đương đại có những ý tưởng khác nhau đối với vấn đề tình yêu và hôn nhân. Định hướng hôn nhân và tình yêu truyền thống đã có từ lâu đời trong quá khứ dần bị chính những con người mới hoài nghi, thách thức và lật đổ.
Quan niệm về hôn nhân và tình yêu của giới trẻ đương đại phần nào phản ánh tình yêu, hạnh phúc và thực tế xã hội hiện nay.
Khao khát tình yêu nhưng thích tự do
"Đi mua sắm một mình, xem phim một mình và thưởng thức những món ăn ngon một mình. Bạn cũng có thể thử học thêm những gì mình thích. Giống như gần đây tôi rất thích hội họa, nên đã đăng ký một lớp học vẽ" - Trịnh Hằng, 35 tuổi, chia sẻ.
Cô hiện đang làm việc tại một công ty phần mềm, giữ chức Giám đốc chăm sóc khách hàng, có nhà và xe hơi, thu nhập đáng kể. Lý do Hằng không muốn kết hôn là vì cô cho rằng hôn nhân quá phức tạp. "Mọi điều nhỏ nhặt đều cần bỏ ra thời gian, mọi mối quan hệ đều cần bạn đặt tâm trí của mình vào đó. Tôi khao khát tình yêu, nhưng tôi khao khát tự do hơn".
Ngày càng có nhiều người chưa kết hôn tận hưởng cuộc sống độc thân, một phần trong số họ thậm chí đã tìm ra con đường tắt cho sự thân mật ngoài hôn nhân - bằng cách trả một số tiền nhỏ, họ có thể có được bầu bạn và sự thoải mái từ những người xa lạ trên Internet thông qua các ứng dụng hẹn hò.
Trần Nhuệ, một chàng trai 26 tuổi tốt nghiệp khoa khoa học và kỹ thuật, đã tìm thấy một người tình ảo cho mình thông qua một nền tảng xã hội. "Chúng tôi bên nhau đã hơn một tháng, và tôi sẵn sàng tiếp tục. Hơn nữa, có 'người yêu hờ' cũng rất tốt, ít nhất cũng có một người để nói chuyện, cùng bạn vượt qua những khoảng thời gian mông lung, và thỉnh thoảng, khi bạn cô đơn, lẻ loi và gục ngã, vẫn có ai đó âm thầm để ý bạn".
Nguyễn Trân, 33 tuổi, hiện đang làm việc trong một công ty công nghệ. Cách cô và chồng hòa hợp là "thích gì làm nấy, không can thiệp vào nhau, không ai quản ai". "Chúng tôi thường sống riêng, hôm nào tan làm sớm sẽ cùng nhau đi ăn. Vào cuối tuần, chúng tôi thường dành thời gian ở cùng nhau ở nhà một trong hai người, có thời gian sẽ cùng nhau đi du lịch" - Nguyễn Trân chia sẻ.
Trân nói rằng sống kiểu "gần mà xa, xa mà gần, thỉnh thoảng ở chung" như vậy vì họ hy vọng tình cảm giữa hai người không bị mài mòn và phá hủy bởi thực tế. "Sự nhớ nhung khi không ở bên nhau sẽ hâm nóng mối quan hệ, bạn cũng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi cuộc hẹn hò và khám phá những nét hấp dẫn mới ở nhau giống như giai đoạn mới yêu vậy".
Khác với vợ chồng của Nguyễn Trân, vợ chồng của Ngọc Dung đến với nhau vì cả hai đều không quá mặn mà với đời sống hôn nhân, nhưng lại muốn có em bé, tuy nhiên, một mình nuôi con sẽ rất vất vả nên họ đến với nhau như những đối tác để "đạt được mục đích". Dung nói, hôn nhân theo thỏa thuận, rồi sinh con theo như đã hứa, kiểu cuộc sống "ngọt ngào giả, cô đơn thật" này thực ra là một sự tổn thương.
Luôn tin vào sự tốt đẹp của việc độc thân
Hôn nhân và tình yêu truyền thống đang dần phát triển thành hôn nhân và tình yêu trong thời đại mới, từ sự đơn nhất trong thời kỳ đầu chuyển sang sự đa dạng. Quay trở lại cội nguồn, quan niệm về hôn nhân và tình yêu của giới trẻ hiện nay ra đời như thế nào, xã hội thay đổi ảnh hưởng như thế nào đến quan niệm về hôn nhân và tình yêu của con người đương đại?
Sự gia tăng của quy mô vật chất: Một trong những nguyên nhân khiến người trẻ nản lòng với hôn nhân và tình yêu là bài toán kinh tế cho việc yêu đương và kết hôn. Một nhân vật nam được hỏi cho biết bắt đầu từ hẹn hò, ăn uống, xem phim, đi du lịch, liên hoan, ngày kỉ niệm, ngày lễ rồi mới nói đến chuyện cưới xin, từ nhà lầu, xe hơi đến chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tất cả đều cần tới tiền, thậm chí là nhiều tiền.
Sự xa cách giữa các cá nhân: Trong giai đoạn xã hội đang biến đổi này, khi áp lực ngày một gia tăng, nhưng các phương pháp giải tỏa không tăng theo tỷ lệ thuận, có một nghịch lý kỳ lạ về khoảng cách giữa các cá nhân, đó là dù khoảng cách xã hội rất gần, nhưng khoảng cách tâm lý lại rất xa.
Một giáo viên đến từ trường Đại học Tô Châu, Trung Quốc cho rằng, thế giới rất mâu thuẫn, chúng ta đang cố gắng hết sức để phát minh ra những thứ mang mọi người đến gần nhau hơn, phương tiện và công cụ liên lạc ở khắp mọi nơi, nhưng khoảng cách từ trái tim tới trái tim chưa bao giờ xa đến thế. T., một cô gái đã từng làm công việc trò chuyện với những người yêu hờ, cho biết: "Được người khác phụ thuộc và sau đó giúp họ thoát khỏi tình trạng mù mờ, tôi có cảm giác thành công khi chấp nhận công việc này, bởi lẽ tôi cảm thấy rằng mình đã cứu được một tâm hồn cô đơn".
Sự thức tỉnh của "tự nhân thức": Tự nhận thức là nhận thức của con người về trạng thái vật chất, tinh thần và mối quan hệ của họ với thế giới khách quan, muốn đạt được hạnh phúc và thành công, chúng ta cần hiểu biết và nâng cao khả năng tự nhận thức. Với sự hòa nhập ngày càng cao của xã hội, ngày càng nhiều bạn trẻ nhận thức về bản thân nhiều hơn, họ làm theo lời trái tim mách bảo và lựa chọn một lối sống phù hợp với mình. Trần Hằng nói rằng ngay cả khi không ai quan tâm khi ốm đau, ngay cả khi bạn bè xung quanh đều dành thời gian cho cuộc sống tình cảm của họ và không có thời gian cho cô ấy, thậm chí khi vô số người nói cô “ế”, rồi khuyên rằng sau này già rồi không ai chăm, cô vẫn luôn tin vào sự tốt đẹp của việc độc thân, và không có ý định thay đổi cuộc sống của mình.
- Diệu Nhi - Anh Tú cực nhí nhảnh trong đám cưới tại Hà Nội
- Cầu hôn trong đám cưới người khác là lộn xộn và kém duyên?
- Người trẻ không còn muốn làm đám cưới vì tốn trên dưới 600 triệu, để tiền mua nhà còn hơn
Kiên định và làm việc chăm chỉ để làm phong phú cuộc sống của bản thân
Những quan điểm đa dạng về hôn nhân và tình yêu đang phát triển, "chủ nghĩa phi hôn nhân", "thời đại hôn nhân kiểu mới"… những quan điểm về hôn nhân như vậy vốn luôn tạo ra những ý kiến trái chiều.
Thực ra, với sự thức tỉnh của bản thân, "không kết hôn" không phải vì không muốn cưới mà là do bản thân không muốn chấp nhận và phục tùng. Tương tự, việc bước ra khỏi hôn nhân cũng là một vấn đề tuân theo sự lựa chọn bên trong của một cá nhân.
Trong cái kết của một bộ phim truyền hình có tên "30 chưa phải là hết", Cố Giai, Chung Hiểu Cần và Vương Mạn Ni, ba người phụ nữ ở các giai đoạn khác nhau của cuộc hôn nhân, đều đã lựa chọn nghe theo trái tim và những khát khao ban đầu của mình. Cố Giai không đấu tranh với người tình của chồng, cô lựa chọn ly hôn; Chung Hiểu Cần đệ đơn ly hôn ở tuổi 30 và sống cuộc sống mình muốn, trở thành tác giả viết sách; Vương Mạn Ni chia tay bạn trai và đi du học vì đó luôn là ước mơ của cô.
Sự lựa chọn của họ, ở một mức độ lớn, đã vượt qua "giới hạn" của quan niệm truyền thống về hôn nhân và tình yêu.
Trên thực tế, bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có quyền sợ hãi hoặc phớt lờ hôn nhân và tình yêu, và họ cũng không nên bị xã hội hoặc dư luận coi là "người ngoài hành tinh". Một học giả từ Đại học Nam Kinh cho rằng trước quan niệm về hôn nhân và tình yêu mới, điều mà xã hội và giới truyền thông nên làm không phải là khoa trương hay làm quá nó lên, mà là tôn trọng và thấu hiểu, rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa người với người với nhau, đồng thời để điều chỉnh sự cân bằng vật chất trong hôn nhân và tình yêu.
Hôn nhân và tình yêu không phải là nhu cầu duy nhất trong đời sống xã hội. Thế giới thay đổi mỗi ngày, nó tốt hay nó xấu, còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Nhưng chỉ cần bạn kiên định với cái tôi của mình và làm việc chăm chỉ để làm phong phú cuộc sống của bản thân, mọi cá nhân đều thể bắt gặp những phong cảnh khác nhau trên đường đời.
Như Quỳnh
Theo Xinhuanet
Tags