Gaslighting - thuật ngữ nói về thủ thuật thao túng tâm lý, lạm dụng tinh thần và cảm xúc của nạn nhân. Việc thao túng tâm lý, cảm xúc có thể khiến nạn nhân mắc những rối loạn về tinh thần dẫn đến lo âu, trầm cảm.
Gaslighting là gì?
Gaslighting là một hình thức lạm dụng tình cảm và tâm lý, trong đó kẻ thao túng sẽ sử dụng lời nói, hành vi để thuyết phục nạn nhân rằng họ đang mất trí hoặc ít nhất là họ không thể tin tưởng vào phán đoán của chính họ. Tại sao lại vậy? Đó là để giành lấy quyền kiểm soát.
Thao túng tâm lý giống như một trò chơi kiểm soát tâm trí và đe dọa nạn nhân, thường được những người ái kỷ hoặc thái nhân cách sử dụng để kiểm soát, gây nhầm lẫn và làm tổn thương ai đó.
Theo Tiến sĩ Stephanie Sarkis, một nhà trị liệu tâm lý tại Tampa, cho biết: “Những kẻ thao túng sẽ nói dối hoặc giấu thông tin, chọc phá người khác, luôn đổ lỗi cho người khác, đồng thời sẽ giành quyền kiểm soát đối với nạn nhân.”
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, thuật ngữ này từng được sử dụng để chỉ sự thao túng đến mức gây ra bệnh tâm thần cho nạn nhân, tuy nhiên từ này hiện nay đã được sử dụng rộng rãi hơn.
Đáng buồn thay, nhiều người trở thành nạn nhân của trò “thao túng tâm lý” trong chính các mối quan hệ thân mật của mình, hoặc thậm chí là trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp…
Thực tế, nhiều người sẽ không phát hiện ra ai đó đang thao túng mình cho đến khi họ hiểu rõ về thủ thuật này.
Một trong những lý do chính mà chúng ta có thể không nhận ra rằng mình đang bị thao túng tâm lý chính là sự… không tin. Chúng ta không tin rằng những người mà mình tin tưởng và yêu thương lại có khả năng thao túng chúng ta. Sự phủ nhận của chính chúng ta đã khiến cho mọi thứ có thể được tiếp tục, đồng thời, với kỹ năng tài tình, kẻ thao túng có thể khiến chúng ta không bao giờ nhận ra.
Thực tế, thuật ngữ gaslight xuất phát từ một vở kịch có tên là Gas Light của Patrick Hamilton, ra đời vào năm 1938. Vở kịch này sau đó được chuyển thể thành phim khiến khái niệm này càng trở nên phổ biến hơn.
Trong vở kịch, người chồng đã sử dụng thủ thuật thao túng tâm lý để cố gắng làm cho vợ mình phát điên nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thừa kế của vợ.
Chẳng hạn như anh ta cố tình làm mờ chiếc đèn trong nhà nhưng nói với vợ rằng cô ấy đang tưởng tượng ra điều đó. Anh ta lén giấu đi hoặc di chuyển các món đồ trong nhà, cho đến khi vợ anh ta phát hiện ra thì anh ta nói rằng chính cô đã làm mất hoặc di chuyển chúng mà cô không nhớ.
Bằng những thủ đoạn khác nhau, anh ta đã thuyết phục vợ rằng cô ấy sắp mất trí và cuối cùng người vợ cũng đã hóa điên.
Mục đích của thao túng tâm lý
Mục đích của thao túng tâm lý là làm giảm lòng tự trọng và sự tự tin của một người nào đó để họ không thể nào hoạt động độc lập. Người bị thao túng sẽ luôn ở trong trạng thái bất an, lo lắng, không tin tưởng vào phán đoán của chính mình, và thậm chí không thể đưa ra được quyết định.
Cuối cùng, nạn nhân trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ thao túng.
Làm thế nào để phát hiện ra một ai đó đang thao túng tâm lý bạn?
Các chiến thuật của kẻ thao túng tâm lý là thường xuyên chỉ trích, đổ lỗi, đưa ra những lời nói xúc phạm, đe dọa, từ chối trách nhiệm và tuyên bố không hài lòng về mối quan hệ. Thoạt tiên có vẻ chỉ là một cuộc tranh cãi, nhưng bạn sẽ sớm cảm thấy có một điều gì đó không ổn khi bạn trở nên hoang mang và thiếu tự tin.
Những kẻ thao túng thường sẽ đổ lỗi cho nạn nhân bằng những câu nói chẳng hạn như: “Bạn đã bắt tôi làm điều đó”, “Tôi đã làm điều đó vì bạn không chịu nghe lời tôi”.
Kẻ thao túng có thể buộc tội bạn và chỉ trích bạn không thành thật với bản thân mình.
Kẻ thao túng có thể sẽ phủ nhận chính những thông tin mình đã nói ra và khiến bạn cảm thấy mình đã nghe nhầm.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thao túng tâm lý:
1. Xin lỗi
Bạn liên tục phải nói lời xin lỗi vì đã làm sai, ngay cả khi bạn thấy rằng mình không làm gì sai. Trong nhiều trường hợp, bạn thấy mình là người có lỗi sau khi nghe những lời chỉ trích, phán xét từ kẻ thao túng tâm lý, và bạn buộc phải nói lời xin lỗi.
2. Không thể đưa ra quyết định
Bạn sẽ thấy rằng việc đưa ra quyết định ngày càng khó khăn, vì bạn cảm thấy bất cứ điều gì mình chọn sẽ đều sai lầm. Hoặc những quyết định của bạn có thể khiến đối phương tức giận, phật ý và bạn sợ điều đó xảy ra. Và điều đó chỉ mang lại cho kẻ thao túng thêm nhiều quyền lực hơn.
3. Biến đổi
Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự thay đổi. Vì hầu hết những thay đổi sẽ xảy ra từng chút một. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ lại bản thân mình là ai trước khi bắt đầu mối quan hệ và hiện tại bạn là ai, bạn sẽ có thể thấy được những khác biệt đáng kể.
4. Lẫn lộn
Bạn thường xuyên ở trong trạng thái hoang mang và bối rối. Bạn cảm thấy khó tin tưởng vào tâm trí của chính mình và liên tục nghi ngờ bản thân. Bạn sẽ luôn tự hỏi mình có đang nhạy cảm quá mức hay không sau những gì kẻ thao túng gieo rắc vào đầu bạn.
5. Khép mình hơn
Bạn thu mình lại và sống ẩn dật vì cảm thấy không còn đủ tự tin để giao tiếp với bất kì ai. Bạn cảm thấy an toàn hơn khi ở một mình so với người khác, vì những người xung quanh sẽ đặt câu hỏi về mối quan hệ của bạn nhưng bạn không có câu trả lời để biện minh cho những gì đang xảy ra.
Điều gì xảy ra sau khi nạn nhân bị thao túng tâm lý?
Sau khi nạn nhân trở nên suy sụp đến mức không còn một chút tự trọng nào, kẻ thao túng sẽ tạo khoảng cách, phớt lờ, hay im lặng để tra tấn tinh thần nạn nhân. Nạn nhân sẽ không biết phải làm gì để làm hài lòng hoặc thỏa mãn kẻ thao túng, và thường sẽ cố gắng làm bất cứ điều gì để giành lại tình cảm trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đã quá muộn, bởi một chút sự tôn trọng của kẻ thao túng dành cho nạn nhân cũng không còn.
Kẻ thao túng sẽ bỏ mặc nạn nhân với cảm giác thất vọng, xấu hổ, tội lỗi, tức giận, lo âu và thậm chí là trầm cảm. Nạn nhân sẽ bị bỏ lại trong vòng xoáy cảm xúc mà họ sẽ phải vật lộn để tìm đường ra ngoài.
Kẻ thao túng sẽ bỏ đi với cảm giác chiến thắng và chuyển sang nạn nhân tiếp theo với nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn. Còn phía nạn nhân sẽ rất có thể cần được tư vấn và hỗ trợ để xây dựng bản thân trở lại.
Nạn nhân cần phải nhận ra rằng họ đã là một con tốt trong trò chơi tâm lý xấu xa để có thể trút bỏ đi tất cả những sự tiêu cực, tồi tệ mà mình đã trải qua trước đó.
- Tâm lý học: Không nên kết giao với những người ít nổi nóng vì… họ rất nguy hiểm
- Tâm lý học: Bạn có phải là người suy nghĩ quá mức hay không?
Bất cứ ai đã trải qua điều này có thể sẽ cảm thấy suy sụp thời gian đầu. Nhưng sự suy yếu này chỉ là tạm thời và họ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trước, sau khi đã học xong những bài học đau đớn nhưng vô cùng quý giá trong đời.
Bảo vệ bản thân khỏi thao túng tâm lý
- Chú ý đến hành động thay vì lời nói của đối phương. Những kẻ thao túng thường nói một đằng làm một nẻo.
- Đừng nghe ai đó liên tục nói với bạn rằng bạn có vấn đề về tâm lý hay đưa ra những lời nhận xét tương tự khiến bạn thường xuyên tự vấn bản thân.
- Không phải là bạn, kẻ thao túng mới là người phải chịu trách nhiệm 100% về hành vi của mình.
- Thu thập bằng chứng, viết nhật ký, nói chuyện với bạn bè.
- Đặt ra ranh giới của bản thân, không cho phép người khác đánh giá thấp hay tầm thường hóa, phủ nhận bạn.
- Chấm dứt mối quan hệ khi cảm thấy không được tôn trọng.
Sa Mộc
Tags