(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 31/10 vừa qua, nước Đức và thế giới đã kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh Helmut Newton, một trong những nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Nhân dịp này, Berlin đang tổ chức triển lãm nhằm tôn vinh sự nghiệp đầy tranh cãi của ông, đồng thời nhà sách nghệ thuật Taschen (Đức) đã tái bản cuốn sách ảnh SUMO (1996) của Newton.
Cuốn sách ảnh SUMO dày 464 trang, nặng 35kg và đi kèm với một giá đỡ được thiết kế đặc biệt. Để đáp ứng thời điểm hiện tại, cuốn sách đã được thiết kế lại và được đặt tên là BABY SUMO. Phiên bản mới có kích thước chỉ bằng một nửa và có giá là 1.500 USD (phiên bản SUMO đầu tiên có chữ ký của Newton đã trở thành cuốn sách đắt nhất thế kỷ 20 khi nó được bán đấu giá ở Berlin với giá 370.000 USD vào năm 2000).
Nhà sáng tạo hình ảnh
Có thể khẳng định, Newton là một trong những người sáng tạo về hình ảnh có ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông. Hình ảnh của Newton đã định hình phong cách những phụ nữ được miêu tả trên mọi tạp chí và quảng cáo thời trang.
Helmut Neustadter sinh ngày 31/10/1920 ở Berlin trong một gia đình gốc Do Thái. Từ nhỏ, Newton đã muốn trở thành một nhiếp ảnh gia, trái với mong muốn của cha - một nhà sản xuất khuy áo.
Newton bắt đầu quan tâm tới nhiếp ảnh khi mới 12 tuổi và đã mua cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên. Năm 1936, khi mới 16 tuổi, Helmut học việc dưới sự dẫn dắt của nhiếp ảnh gia thời trang Yva.
Cũng cần nói thêm, khi còn nhỏ, Newton đã được mẹ đeo cho những chiếc nơ bằng vải taffeta và đi bơi ở Câu lạc bộ Berliner Schwimm. Chính tại đây, Newton đã bị cuốn hút với các bộ quần áo của các vận động viên bơi lội - “ướt trong một thời khá lâu” - và hình ảnh đó đã được Newton tái tạo trong tác phẩm của mình. Chẳng hạn như bức ảnh chụp Daryl Hannah hồi năm 1984, trong đó người mẫu này đi đôi giày cao gót Perspex trong suốt, mặc chiếc áo một mảnh và bế một đứa trẻ đang khóc trên đầu đùi.
Trốn chạy khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã vào năm 1938, Newton đến Singapore và sau đó là Australia với 2 máy ảnh trong hành lý của mình. Khi tới Australia, Newton đã có 5 năm làm việc với tư cách là một người lính và tài xế xe tải cho quân đội. Newton mở một studio nhiếp ảnh nhỏ ở Melbourne. Vào năm 1947 ông gặp nữ diễn viên June Brunell và sau đó hai người kết hôn. (Vợ ông chính là người biên tập phiên bản sách mới của SUMO).
Kể chuyện trong các “shoot” hình
Trong những năm 1950, ông đã đi du lịch qua châu Âu và làm việc cho một số tạp chí. Newton tự đặt cho mình mục tiêu chụp ảnh cho tạp chí thời trang Vogue (hợp đồng đầu tiên của ông là với British Vogue năm 1956 và sau đó là Australia Vogue) nhưng phải đến giữa những năm 1960, ông mới bắt đầu tập trung nghiêm túc vào các bộ ảnh thời trang.
Năm 1961, Newton và vợ định cư ở Paris. Ông tiếp tục là một nhiếp ảnh gia thời trang với các bức ảnh xuất hiện trên nhiều tạp chí như French Vogue và Harper's Bazaar.
Bức ảnh năm 1967 chụp người mẫu Willy Van Rooy là một ví dụ ban đầu về cách kể chuyện trong các “shoot” hình thời trang của Newton. Với tiêu đề How to Make the Fur Fly, Van Rooy hướng về phía máy ảnh khi cô chạy trốn một chiếc máy bay nhỏ từ phía sau. Bức ảnh này được lấy cảm hứng từ cảnh nổi tiếng trong bộ phim North By Northwest (1959) của nhà làm phim Anh Alfred Hitchcock.
Thời điểm đó, Newton đã bắt đầu tạo dựng được danh tiếng trong lĩnh vực quảng cáo, chân dung và thời trang, nhưng ông vẫn chưa phải là nghệ sĩ chụp ảnh “nude”, biểu tượng mà ông đã gây dựng được sau đó.
“Trước khi Newton khiến những người trẻ tuổi cởi bỏ quần áo, anh ấy là một nhiếp ảnh gia thời trang, một người chụp ảnh mà bạn có thể thuê. Sau này Newton mới là một nhiếp ảnh gia ảnh nude nổi tiếng” - vợ Newton nói hồi tháng 6/2016.
Theo bà June, thời điểm quyết định trong sự phát triển của Newton là vào những năm 1970. Khi quay sang chụp ảnh khỏa thân, Newton luôn mô tả những người mẫu của mình với sự mâu thuẫn gây tranh cãi. Một mặt, những người mẫu của ông xuất hiện như những biểu tượng tự tin, mạnh mẽ - đó là những người phụ nữ cao lớn, mạnh mẽ, được chụp bằng màu đen và trắng. Song đồng thời những bức ảnh của ông liên tục cho thấy những câu chuyện về sự khuất phục của phụ nữ.
Newton từng thẳng thắn nói: “Tôi yêu phụ nữ. Chẳng có gì tôi yêu thích hơn”. Newton nói ông muốn thể hiện những người phụ nữ của mình là người mạnh mẽ và quyền lực.
Các tác phẩm của Newton có ảnh hưởng đến các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới cho đến ngày nay. Một điều hiển nhiên, các tác phẩm của Newton đề cập đến sức mạnh từ cơ thể con người. Câu chuyện đằng sau dự án nhiếp ảnh nổi tiếng nhất của ông “Big Nudes” càng nêu bật khía cạnh này.
Lấy cảm hứng từ các báo cáo về những bức ảnh có kích thước thật về các thành viên của một đơn vị chống khủng bố, năm 1982 ông đã cho ra mắt những bức ảnh phụ nữ khỏa thân trong tư thế từ một góc thấp hơn một chút và qua đó trông rất đường bệ. Việc giới thiệu những bức ảnh khỏa thân lớn hơn đã được đón nhận một cách nhiệt tình như một khái niệm mới. Sự hấp dẫn của Newton đến từ một thực tế: Những bức ảnh của ông không chỉ gói gọn các vấn đề về bóc lột và giải phóng, sự mãn nhãn và khêu gợi, sự khuất phục và sự trao quyền... mà tất cả đều giao thoa với nhau.
Siêu sao của thế giới nhiếp ảnh
Newton trở thành siêu sao trong giới nhiếp ảnh gia, sống ở Monaco và Hollywood. Ông đã chụp chân dung các ngôi sao nhạc rock David Bowie và Mick Jagger, các nữ diễn viên Anita Ekberg, Catherine Deneuve và thậm chí cả thủ tướng Đức khi đó là Gerhard Schroder.
Sinh thời, Newton là người có thú sưu tầm xe siêu sang nhưng trớ trêu thay ông đã qua đời ở tuổi 83 trong một vụ tai nạn xe hơi ở Los Angeles vào ngày 23/1/2004. Cả thế giới đã tiếc thương Newton. Trong lễ đưa tang ông tới ngôi mộ danh dự ở Berlin có cả Thị trưởng Klaus Wowereit và Thủ tướng Schroder.
Vài tháng trước khi qua đời, Newton đã để lại di sản các tác phẩm của mình cho Tổ chức Di sản Văn hóa Phổ ở Berlin. Newton từng nói rằng, mặc dù ông chưa bao giờ nhớ nước Đức nhưng ông chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ Berlin.
Việt Lâm
Tags