(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/3/2001, tai nạn giao thông tại TP.HCM đã cướp đi một tài năng đang lên của nền hội họa: Nguyễn Xuân Khánh. Sinh thời, anh được nhà phê bình trong nước và quốc tế đã không tiếc lời khi gọi là “tài hoa”, “thiên phú”, “tín hiệu mới”, “chứng nhân đổi mới”…
Triển lãm hồi cố đang diễn ra tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) với chủ đề Sắc màu thiên phú, nhân 12 năm ngày mất của Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1969 tại Hải Phòng), kéo dài đến ngày 30/3. Triển lãm giới thiệu 30 tác phẩm sơn dầu, thuộc sưu tập của phòng tranh Tự Do; cũng xin nói thêm, từ năm 1994 đến 1999, Nguyễn Xuân Khánh đã có năm triển lãm cá nhân tại phòng tranh này.
Tiến sĩ mỹ thuật Hélène Hagemans (Hà Lan) từng viết: “Nguyễn Xuân Khánh tìm cảm hứng từ những yếu tố trong cuộc sống thường nhật. Anh tìm cách kết hợp những yếu tố này với cách thể hiện hội họa mang nét truyền thống và hiện đại. Hội họa của Khánh là cách biểu hiện kiên định những hình ảnh từ môi trường sống của anh. Tranh của anh không có một ý nghĩa ẩn dụ nào. Tất cả đều diễn tả cái đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên Việt Nam... Anh sử dụng một bảng màu cực kỳ phong phú, diễn tả theo lối biểu hiện với những nét vẽ mạnh mẽ, thật khó thể nào quên được”.
Cố họa sĩ Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm của anh |
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thì nhận định: “Tranh Khánh bao giờ cũng có bố cục vững vàng, chặt chẽ với bút pháp thoải mái, lưu loát và tiết điệu thăng bằng, sinh động. Cũng sử dụng một bảng màu gồm toàn những màu nguyên chất, có độ tương phản mạnh, không tự nhiên, như ở các họa sĩ dã thú (fauvism), nhưng Khánh đã hoàn toàn làm chủ cách phối hợp, thể hiện được dấu ấn riêng trong sự dịch chuyển trữ tình qua các tác phẩm”.
Trong độ tuổi đôi mươi, khi phát biểu cảm tưởng về cảnh đẹp, cái cớ làm nên những tác phẩm phong cảnh thu hút giới phê bình và giới mua bán, Nguyễn Xuân Khánh nói một câu quyết liệt: “Đẹp đến nỗi mình muốn tự tử”.
Tranh của Nguyễn Xuân Khánh (cả bột màu và sơn dầu) được nhiều giới thưởng lãm ưu thích, anh từng thuộc nhóm những họa sĩ sống được với đam mê, tìm tòi. Từ 1985 cho đến năm 2000, Nguyễn Xuân Khánh tham dự hơn 10 triển lãm chung tại Việt Nam và nước ngoài; có tranh trong nhiều bộ sưu tập tư nhân tại các nước như Nga, Canada, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Đức, Malaysia, Mỹ, Hà Lan…
Nhìn từ thực tế như vậy, việc phòng tranh Tự Do chủ ý giữ lại mấy chục tác phẩm để nay triển lãm hồi cố cho một tài năng là việc làm đầy trọng thị, chứng tỏ sự quan tâm đến công việc sưu tập thực sự. Cho nên đây cũng là cơ hội hiếm hoi để chiêm ngưỡng lại diện mạo của một họa sĩ biết mượn kỹ thuật phương Tây truyền thống để đổi mới hội họa Việt Nam đương thời.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa