(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Ngày 16/11 tới, Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du - Khoa Viết văn, Báo chí (1979 - 2019) sẽ diễn ra tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trước đó, ngày 15/11 sẽ khai mạc các gian trưng bày của sinh viên và đêm Gala Trang sách, trang đời. Trường Viết văn Nguyễn Du, mà từ năm 1996 thì nhập vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, là cái nôi học tập, sáng tác của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đương đại.
Hơn chục năm dốc bầu tâm huyết cho cái nôi này với vai trò là trưởng khoa từ 2007 - 2018, và hiện vẫn đang là cán bộ giảng dạy, nhà văn, PGS.TS Văn Giá đã chia sẻ với TT&VH về việc dạy và học ở đây.
1. Sinh ra trường viết văn là sinh ra nhiều hệ lụy. Có người bảo: Nghề nào chứ nghề viết thì làm sao ai dạy ai được? Lập luận của họ cho rằng sáng tạo là một nghề thuộc về cá nhân, riêng tư, hết sức cô độc, không ai có thể giúp được, làm thay được; nó như người đàn bà đẻ, không ai có thể ai “chửa đẻ” thay cho ai được?...
Với những lập luận kiểu như vậy, cho nên không ít người mang theo cái nhìn định kiến đó về ngôi trường viết văn này.
Khi nhận lời về phụ trách khoa Viết văn, tôi cũng hơi chột dạ. Tôi giãi bày với mấy người bạn thân, trong đó có nhà nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn. Ông khích lệ: “Mình xác định là không thể dạy cho người ta trở thành nhà văn được, nhưng có thể dạy cho người ta có một nền tảng tri thức đại học về văn học, về khoa học xã hội và nhân văn được. Mà muốn trở thành nhà văn thì rất nên tối thiểu có một nền tảng tri thức bậc đại học. Môi trường đại học là môi trường của tri thức, học thuật, của khát vọng hiểu biết và sáng tạo. Nếu xác định như thế thì ta cứ thế mà dạy thôi”. Nghe bạn mình nói thế, tôi có phần yên tâm ít nhiều.
Tôi cũng lại đem chuyện băn khoăn này nói với thầy Nguyễn Đăng Mạnh. Thầy nói rằng, theo như quan sát của thầy thì tất cả các nhà văn nổi tiếng cả trên thế giới, cả ở Việt Nam, bao giờ cũng phải có một quãng đời được nhúng mình vào môi trường Thủ đô, đặc biệt lúc người ta còn trẻ. Tại sao vậy? Bởi vì môi trường Thủ đô là nơi tập trung các anh tài. Sống chung với anh có tài thì mình mới khôn ra được, mới có cái máu ganh đua được…
Thầy bảo: “Cho nên ông không sợ, ông cứ về đấy đi, nuôi dưỡng cái đám học viết văn cho chúng được thực sự sống trong môi trường Thủ đô là ông đã thắng rồi”.
Ý của thầy là nên cho cánh học viên thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với những người tài giỏi cả trong giới trí thức, giới nghiên cứu phê bình lẫn giới nhà văn, như thế tức là chúng được học rồi đấy. Chứ học đâu chỉ có ngồi trong lớp suốt tuần này sang tuần khác với một ông thầy và cái bảng. Chơi với cái anh có tài, chỉ nghe một câu nói của người ta thôi mà có khi lại vớ được một cái gì đó rất lớn, làm nên một cái gì đáng kể.
Cuối cùng thì tôi nhận lời về làm “đầu lĩnh” của cái khoa Viết văn, hậu thân của Trường Viết văn Nguyễn Du lừng lẫy ngày nào. Lúc bấy giờ là đầu năm 2007.
2. Được quen biết thầy Hoàng Ngọc Hiến do từ những ngày học cao học bên khoa Văn trường Sư phạm Hà Nội thầy có sang dạy chuyên đề, lúc đó tôi đến nhà thăm thầy. Câu chuyện vẫn xoay quanh việc dạy nghề viết văn. Tôi nhớ mãi hai ý của thầy:
Thứ nhất, thầy bảo: “Thế nào là trường đại học? Tôi cho rằng, trường đại học là nơi mà người đến học được học những ông thầy giỏi nhất. Cho nên ở cái Trường Viết văn Nguyễn Du này, chúng tôi chủ trương mời những người giỏi nhất nước đến giảng”. Thầy kể ra cho tôi nghe những người mà thầy và các cộng sự đã mời đến trường giảng là các tên tuổi như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thị, Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Tô Hoài, Từ Chi, Nguyễn Hồng Phong, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng và nhiều đấng bậc khác.
Thứ hai, thầy bảo: “Cái trường viết văn cũng tựa như cái lồng gà, bắt tất cả các con gà sống chung với nhau, hễ một con gáy là các con khác phải gáy theo. Một anh sáng tác hay, các anh khác là phảidướn lên mà phấn đấu chứ”. Theo ý thầy, trong một lớp học, đừng hy vọng tất cả có khả năng sáng tác hay, chỉ cần mỗi lớp có vài ba cây bút nổi lên, được vua biết mặt chúa biết tên, theo đó, chúng kéo cả lớp lên, thế là đã thành công lắm rồi.
Tính khi về trường cho đến bây giờ, học theo các thầy, tôi cũng tìm mọi cách tốt nhất để các học viên viết văn được sống trong môi trường thủ đô với mọi phương diện của đời sống, trong đó có văn chương nghệ thuật. Tôi thường thông tin thông báo, giục giã các sinh viên tìm hiểu thông tin, tham dự các triển lãm, các sinh hoạt học thuật, văn chương, nghệ thuật Thủ đô.
Cũng vậy, tôi cũng không quản ngại để mời bằng được những người giỏi về dạy học trò. Lúc đó, thầy Hoàng Ngọc Hiến đã về hưu, tôi mời thầy đến giảng về Phân tâm học Freud và ứng dụng vào sáng tạo/phê bình văn học. Thầy Phạm Vĩnh Cư cũng vậy, khi thầy đã hưu, thầy vẫn nhận lời dạy cho lớp Viết văn chuyên đề mỹ học. Với các nhà nghiên cứu, chúng tôi mời được nhiều người trong tư cách chuyên gia đến giảng bài như các thầy Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Đăng Na, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn và nhiều tên tuổi khác. Về giới sáng tác, nhiều nhà văn, nhà thơ có uy tín đến giảng giúp như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Chiến, Giáng Vân, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Hà; kể cả các họa sĩ Lê Thiết Cương, Phan Cẩm Thượng.
Với hình thức mời đến giao lưu, nói chuyện (hoặc đôi khi cũng giảng, chấm/trả tác phẩm) với học trò viết văn thì thật may mắn, chúng tôi được đón rất nhiều các nhà văn nhà thơ từ mọi miền đất nước, xa thì có Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập, Inrasara; gần thì có Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp,Tạ Duy Anh, Trần Quang Quý, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Di Li,Lê Anh Hoài và nhiều gương mặt khác…Tôi học theo cái cách mà thầy Hoàng Ngọc Hiến đã chia sẻ, thôi thì nếu không được “những người giỏi nhất nước” cũng phải là những người có uy tín trong giới đến với học trò.
3. Dạy cái cánh học Viết văn là nguy hiểm lắm. Chúng đòi hỏi cao. Chúng tính nết khác người. Lắm khi chúng bất chấp cả những quy ước tối thiểu của học đường…Nhưng một khi đã thuyết phục được chúng, chúng lại rất dễ thương. Những chuyện mà tôi vừa kể lan man trên kia thuộc về những thời điểm khác nhau trong suốt hành trình 40 năm của ngôi trường Viết văn tính cho đến nay. Tuy việc dạy-học bây giờ có khác xưa, nhưng cái tinh thần cho học trò được sống với cuộc sống Thủ đô, được học và tiếp xúc với những người giỏi, được phát huy cá tính sáng tạo, được tạo điều kiện cho sáng tác và công bố tác phẩm thì vẫn giữ nguyên như vậy.
Từ ngôi trường viết văn này, nối tiếp các thế hệ, khóa học nào cũng vậy, đều có những gương mặt sáng giá tham dự, góp phần làm nên diện mạo và thành tựu của văn chương đất nước.
Giỏi sáng tác không phải bao giờ cũng giỏi truyền nghề Cái việc giỏi trong sáng tác không phải bao giờ cũng giỏi trong việc truyền nghề. Lên lớp giảng dạy đòi hỏi phải có bài bản thuộc năng lực sư phạm. Việc này đối với các văn nghệ sĩ, không hẳn dễ dàng. Bảo nói chuyện vài ba tiếng đồng hồ thì được, chứ bảo lên giảng trường trận năm sáu buổi là không dễ. Có những nhà văn nổi tiếng, nhưng khi đi giảng dạy, hoặc nói chuyện có khi cũng “thất bại” như thường. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, những ngày đầu lên lớp giảng môn Sáng tác thơ cho sinh viên, giảng đến hết tiết thứ hai, không biết nói gì thêm nữa, bèn hát cho sinh viên nghe. Mãi sau này, kỹ năng sư phạm của anh mới khá lên dần, mới có thể đứng lớp đúng buổi đúng giờ. Thầy Hoàng Ngọc Hiến kể, có lần mời nhà thơ Xuân Diệu lên lớp. Với Xuân Diệu, người nghe phải đông, nhất là nếu có các cô gái đẹp ngồi bàn trên cùng sát gần thì ông nói mới hứng mới hay. Hôm ấy, thầy cho giáo vụ lùa hết học viên lên, rồi lùa tất cả nhân viên của các phòng, ban trong trường lên cho đông. Nghe được nửa tiếng, học viên bỏ về đến nửa. Thì ra lý do là: các học viên muốn nghe nhà thơ Xuân Diệu nói về thời kỳ Thơ mới huy hoàng của Xuân Diệu, nhưng nhà thơ sợ bị đánh giá này nọ (lúc ấy Thơ Mới vẫn đang là vùng cấm kỵ), nên toàn nói về thơ ông viết sau này, mà thơ sau này của ông lại không hay. |
Chớm Đông, 12/11/2019
Nhà văn, PGS.TS Văn Giá
Tags