(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 40 năm làm họa sĩ tại Nhà hát Kịch Việt Nam, trong đó có 5 năm là giám đốc, NSND Doãn Châu chia sẻ những câu chuyện ít biết về Nhà hát trong dịp kỉ niệm 60 năm thành lập.
“Tôi thuộc thế hệ thứ ba của Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) - thế hệ bắt đầu về đây từ năm 1962 với những Thế Anh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Hà Văn Trọng... Người ta thường gọi chúng tôi là “thế hệ vàng” của sân khấu VN một thời. Thế nhưng, những gương mặt trước đó cũng là... vàng “xịn” cả”, NSND Doãn Châu kể.
Những đời kịch bị “bỏ quên”
NSND Doãn Châu |
Điều thú vị, rất nhiều gương mặt của Nhà hát được biết tới trên chủ yếu trên lĩnh vực đạo diễn sân khấu như NSND Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành. Song, khởi điểm cho con đường nghệ thuật của mình, họ đều là diễn viên của NH và có những đóng góp không nhỏ. Đến giờ, anh em chúng tôi vẫn nhắc lại giai thoại về vở diễn Cai Tô được công diễn giai đoạn sau 1954. Khi đó, Phạm Thị Thành chừng 10 tuổi, vào vai bé gái bị một “gã Tây” (NSND Nguyễn Đình Nghi) ức hiếp. Hai đạo diễn trụ cột của sân khấu VN sau này vào vai đạt tới mức nhiều lần lưu diễn, Cai Tô phải ngừng lại vì khán giả ào lên... bóp cổ anh Nghi.
Bản thân tôi và Doãn Hoàng Giang khi về NH cũng có một thời gian dài làm diễn viên. Chúng tôi có lần đóng cùng nhau trong vở Đôi mắt (tác giả Vũ Dũng Minh). Giang diễn xuất rất thông minh và sớm có ý thức “học lỏm” nghề đạo diễn từ những gương mặt gạo cội của sân khấu khi dựng vở. Còn tôi có một chút năng khiếu mỹ thuật nên thường hay phụ giúp cho phần trang trí sân khấu của vở. Sau một thời gian, cả hai đều “chuyển ngạch”, rồi sau nhiều năm cùng nhận danh hiệu NSND cho công việc mới của mình.
Ở mảng điện ảnh, nhiều khán giả trẻ ấn tượng với những Ba Duy (Mối tình đầu), Trung úy Phương (Nổi gió) của NSND Thế Anh tới mức “quên mất” những vai diễn của anh ở Nhà hát. Một trường hợp khác là Quang Thái - “ông Tư Chung” trong Biệt động Sài Gòn. Khi chúng tôi còn đang học trường Sân khấu vào năm 1960, anh đã nổi như cồn với vai Sergey trong vở Câu chuyện Iếc-kút (kịch bản Liên Xô ). Thời đó, vở diễn này “nóng” tới mức khán giả Hà Nội nhiều người xếp hàng mua vé cả đêm trước Nhà hát Lớn, thậm chí trải chiếu, mắc màn ngủ lại. Quang Thái là diễn viên chính của vở nhưng rất đàng hoàng, không xin thêm vé ngoài tiêu chuẩn. Bị bạn bè “truy” về vé, nhiều đêm anh cũng ra Nhà hát Lớn HN, xếp hàng mua vé như những người khác để tặng lại mọi người.
Và những chuyện chưa từng gặp
Một câu chuyện khác gần như đã trở thành giai thoại ở NH. Năm 1958, đạo diễn Liên Xô Vasiliev dựng kịch bản Liuba tại Nhà hát chúng tôi. NSND Đào Mộng Long được giao vai tên chỉ điểm Siaro, một vai phụ. Chỉ cao 1m55 và nặng hơn 40 kg, Đào Mộng Long tạo cho vai diễn của mình nhiều sáng tạo độc đáo với dáng đi ngoằn ngoèo kiểu con rắn, đôi mắt luôn liếc ngang thoắt ẩn thoắt hiện. Thán phục về vai diễn quá xuất sắc này, đạo diễn Vasiliev đưa ra một quyết định có lẽ chưa từng có trong lịch sử sân khấu: mỗi lần biểu diễn, cho phép nhân vật Siaro của Đào Mộng Long tùy hứng có thể xuất hiện trên sân khấu bất cứ lúc nào, miễn là tự diễn viên thấy có lợi cho cả vở.
Vở "Bạch đàn liễu" năm 1976 (Ảnh tư liệu) |
Rồi, năm 1976, chúng tôi dựng vở Bạch đàn liễu của Xuân Trình. Đó là vở diễn giáng một đòn nặng vào nạn cửa quyền, quan liêu hách dịch, xâm phạm dân chủ tại những vùng nông thôn phía Bắc. Ý tưởng của Xuân Trình rất chính xác, nhưng quá mạnh dạn và đi trước thời đại khi mà vào thời Đổi mới 10 năm sau, những vở diễn như vậy mới được đón nhận. Rồi, họa sĩ Phùng Huy Bính lại nghĩ ra thêm một ý tưởng độc đáo: Sân khấu được trang trí bằng hàng loạt những bài báo ca ngợi những mặt tích cực của xã hội để tương phản với câu chuyện về những tiêu cực đang diễn ra. Kết quả: Bạch đàn liễu lập kỉ lục là vở diễn được “nâng lên đặt xuống” nhiều nhất với... 7 lần duyệt vở trước khi công diễn. Đạo diễn Ngọc Phương khi ấy lo tới mức trước mỗi lần duyệt, ông phải dặn dò, chỉnh sửa lại từng câu, từng chữ trong lời thoại cho diễn viên...
Bây giờ, NHKVN vừa trải qua nhiều biến động. Những nghệ sĩ thuộc thế hệ chúng tôi chẳng ngại gì mà đưa ra nhận xét: Những năm qua, chúng ta đã phần nào mất đi truyền thống của mình. Chẳng còn cách nào khác là phải cố gắng đứng dậy và dũng cảm làm lại từ đầu. Nếu để nhắn với các diễn viên trẻ của Nhà hát, tôi chỉ có một câu: “Các em có tự hào với truyền thống của NH không? Nếu có, chúng ta phải bắt đầu làm lại một điều gì đi, chứ chẳng lẽ để kỷ niệm mãi mãi là kỷ niệm...?”.
Sơn Tùng (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa
Nhà hát Kịch Việt Nam thành lập năm 1952, tiền thân là Đoàn Văn công Trung ương. Tính đến nay, sau 60 năm thành lập, Nhà hát đã có 30 NSND, hơn 60 NSƯT cùng thành tích dàn dựng gần 300 vở diễn. Nhà hát cũng đã nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng nhì và giành hàng chục huy chương vàng trong các kì Hội diễn, Liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế. Trong lễ kỉ niệm 60 năm thành lập (diễn ra hôm nay 28/12), Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. |