(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn-NSND Trần Phương, người bạn nghề thân thiết, cùng thế hệ với NSND Bạch Diệp đã vô cùng sửng sốt khi hay tin bà qua đời. Khi tới tư gia của “A Phủ” (vai diễn khởi nghiệp của NSND Trần Phương), phong viên TT&VH đã thấy ông ngồi lặng ở phòng khách: “Nghe cô báo tin, tôi cứ bàng hoàng từ nãy đến giờ”.
Trong suốt cuộc nói chuyện, thỉnh thoảng ông lại nói: “Tôi vẫn bàng hoàng cả người, không biết kể với cô điều gì về Bạch Diệp mặc dù tôi vô cùng quý mến bà ấy”.
NSND, đạo diễn Trần Phương năm nay 84 tuổi
1. NSND Bạch Diệp sinh năm 1929, còn NSND Trần Phương sinh năm 1930. Hơn nhau có một tuổi nên đạo diễn Bạch Diệp chỉ thích “cậu – tớ” nhưng bản thân NSND Trần Phương luôn coi Bạch Diệp hơn mình cả tuổi đời, lẫn tuổi nghề. Ông không chỉ quý mến Bạch Diệp như một người bạn đặc biệt, mà còn luôn dành cho bà sự tôn trọng và kính nể.
“Năm 1950, Bạch Diệp là cán bộ ở Hội Liên hiệp phụ nữ, còn tôi chỉ là nhân viên xoàng ở Hội Văn nghệ. Sau này, tôi học nghề và trở thành diễn viên thì Bạch Diệp đã là đạo diễn rồi. Khi làm phim Ngày lễ thánh, bà ấy đã mời tôi vào vai Tiệp. Tôi hỏi: Cậu đã nghĩ kĩ chưa, thì bà ấy trả lời: Không lôi thôi, đi làm phim với tớ… Trong mắt tôi, hồi đó bà ấy là một người phụ nữ rất hiểu biết, năng nổ, tháo vát, quyết liệt, nói là làm, mỗi lần tranh luận là ra trò, một khi đã bực mình nói ra là không ai ngăn được”.
NSND Trần Phương kể ông vừa mới đi bệnh viện về, lòng vẫn nghĩ mình sẽ đi trước bà bạn Bạch Diệp nên khi hay tin bạn qua đời, lòng không khỏi bàng hoàng, tiếc thương.
“Mấy năm trước tôi đã từng phải cấp cứu trong Sài Gòn, mọi người gọi ra bảo Trần Phương sắp chết khiến Bạch Diệp cứ khóc thương tôi. May sao đận ấy qua khỏi. Năm ngoái tôi cũng bị bệnh viện… trả về rồi, may sao qua khỏi. Hôm nay mới biết tin bà bạn đã ra đi mãi mãi …”, NSND Trần Phương thẫn thờ sau câu nói bỏ lửng.
NSND, đạo diễn Bạch Diệp trút hơi thở cuối cùng vào 10h sáng ngày 17/8, hưởng thọ 85 tuổi. Cho tới hết ngày 18/8 gia đình NSND Bạch Diệp vẫn chưa định ngày viếng. |
2. Nhớ về Bạch Diệp, NSND Trần Phương luôn nhớ tới người bạn, đồng nghiệp lúc nào cũng tràn đầy khao khát sống mạnh mẽ và yêu nghề vô cùng. Lúc nào gặp ông, bà cũng khoe “tớ đang ấp ủ làm phim này”. Trong ký ức của ông, trên phim trường đạo diễn Bạch Diệp là người rất quyết liệt. Bà nói to, quát cũng lớn nhưng rất thương yêu diễn viên của mình. Tôi hỏi bà quyết liệt như vậy có khi nào độc đoán không, đạo diễn Trần Phương nói: “Không bao giờ, tôi là diễn viên nam, làm việc với nữ đạo diễn như bà ấy nhưng luôn một mực kính trọng”.
“Bà ấy là phụ nữ nhưng quyết liệt còn hơn cả đàn ông. Nhiều khi làm việc với bà ấy, tôi tưởng tôi là phụ nữ còn bà ấy là đàn ông. Nhưng nói thực là làm đạo diễn mà không quyết đoán thì rất khó!”, đạo diễn Trần Phương đã mỉm cười khi nói ra điều này.
Tôi đặt câu hỏi thắc mắc là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt, vào thời kỳ đó NSND Bạch Diệp có chịu sức ép của các nam đạo diễn không, thì ngay lập tức NSND Trần Phương đáp lời: “Bà ấy mạnh mẽ như vậy ai mà ép được. Có lẽ chính cái danh nữ đạo diễn đầu tiên đã trở thành một động lực, khiến bà ấy bứt hẳn lên”.
Những năm tháng cuối đời, hai NSND vì tuổi cao sức yếu ít đến thăm nhau. NSND Trần Phương lại thương bạn lẻ loi một mình những năm cuối đời. “Cuộc hôn nhân với Xuân Diệu thôi không nhắc lại làm gì, nhắc lại chỉ đau lòng người đã khuất. Nhưng người chồng sau của Bạch Diệp thì rất tuyệt vời. Ông ấy chăm vợ lắm, mỗi lần vợ đi làm phim vẫn đi theo pha nước cho bà ấy. Nhưng đúng là cuộc đời, ông ấy cũng chỉ sống được bên bà ấy 15 năm rồi qua đời để lại bà ấy một mình. Bà ấy sống cùng con nuôi và mấy con mèo” – “A Phủ” Trần Phương ngậm ngùi.
Đạo diễn - NSND Trần Phương sinh năm 1930, khởi nghiệp là diễn viên, nổi lên nhờ khắc họa thành công vai A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ. Sau đó ông liên tục gây ấn tượng với khán giả qua nhiều vai diễn trong các bộ phim giờ đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt như: Khoa - chồng Tư Hậu - trong Chị Tư Hậu (1962), Khiêm trong Tiền tuyến gọi, Sơn trong Biển gọi, Tiệp trong Ngày lễ thánh, Lực trong Vợ chồng anh Lực... Khi trở thành đạo diễn, ông cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Bộ phim truyện gây cơn sốt vé khắp các rạp trong Nam và ngoài Bắc của ông là Tội lỗi cuối cùng (1980). Phim giành Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 5, Phương Thanh trong vai Hiền "cá sấu" giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bộ phim Hi vọng cuối cùng (1981) với sự tham gia của diễn viên Đặng Tất Bình và Như Quỳnh đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 và ông cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Tên tuổi NSND Trần Phương còn được biết tới qua các phim: Vụ án hồ Con Rùa, Dòng thác, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về... có doanh thu rất cao. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa