Anh em nhà Posin - “Thiên tài” chép tranh

Thứ Năm, 16/09/2010 11:11 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Evgeni, Michail và Semyon Posin - ba anh em nghệ sĩ người Nga ở Berlin đã tạo nên những làn sóng trong giới nghệ thuật với những tác phẩm sao chép nhưng giống đến kinh ngạc những bức tranh nổi tiếng.

Salon Nghệ thuật Posin, một phòng trưng bày nhỏ ở quận Neukoelln là studio của họ. Các tác phẩm của họ hoàn hảo đến mức chúng đã gây lo ngại cho giới phê bình nghệ thuật và các giám đốc bảo tàng.

Tranh chép giá hàng chục ngàn euro

Những họa phẩm sao chép độc đáo đó không hề rẻ khi mỗi bức được bán với giá hàng chục ngàn euro. Luật pháp quy định, chỉ được phép sao chép tranh của những nghệ sĩ đã qua đời được hơn 70 năm, thế nên anh em nhà Posin đã vẽ lại những họa phẩm của các họa sĩ châu Âu nổi tiếng nhất trước thế kỷ 19.


Họ còn thích tạo nên những tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.
Kỹ năng của họ đã gây ấn tượng với nhiều chuyên gia như Christoph Stoelzl, nhà phê bình nghệ thuật Đức. Ông nhận định các bản sao những bức tranh Ấn tượng của Ernst Ludwig Kirchner chẳng kém gì các họa phẩm gốc. Anh em nghệ sĩ này còn nhận được nhiều ca ngợi từ các khách hàng, như nhà sưu tầm nghệ thuật hiện đại Gerold Schellstaeder, người đã ủy quyền cho họ vẽ 145 bức tranh trong vòng 10 năm qua và đã thành lập bảo tàng Anh em Posin duy nhất trên thế giới ở miền Bắc nước Đức. “Rubens, Rembrandt, Da Vinci và nhiều bậc thầy khác - đó là sở trường của anh em Posin. Thực sự là chưa có nghệ sĩ nào khác có thể vẽ giỏi được như họ”, ông Schellstaeder khẳng định.

Công phu chẳng kém gì tác phẩm gốc

Việc copy các kiệt tác không phải là điều mới mẻ đối với anh em nhà Posin bởi trong quá trình theo học tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Leningrad ở Nga, họ từng phải làm các bài tập sao chép tranh để luyện cả mắt và tay. Tuy nhiên, theo ông Schellstaeder: “Để có được bản sao của một kiệt tác còn khó hơn cả vẽ một bức tranh theo sáng tạo của mình. Nếu Van Gogh vẽ một bức tranh trong 5 tiếng thì anh em nhà Posin vẽ lại bức tranh cũng từng đó thời gian. Nếu Rembrandt mất 4 tháng thì họ cũng vậy”.

Anh em nhà nghệ sĩ này thích vẽ tranh mang đề tài bóng đá và những trò giải trí thời thơ ấu hơn là những chủ đề mang tính chính trị. Năm 1984, họ định cư ở Berlin (Đức). Bận rộn sao chép tranh và vẽ tranh nên họ không hề có “chiêu” gì để quảng bá tên tuổi của mình. Song “tiếng lành đồn xa”, nhiều người hâm mộ nghệ thuật từ khắp thế giới đã tìm đến họ. Để có được trình độ cao như vậy khi sao chép những tác phẩm của các danh họa bậc thầy, anh em nhà Posin đã phải nỗ lực rất nhiều, song sự khổ luyện đó đã được trả công xứng đáng với thành công ngày hôm nay.


Anh em nghệ sĩ nhà Posin còn sao chép
cả kiệt tác Mona Lisa của Leonardo de Vinci.
Phải có khả năng và kiến thức

Theo ông Michail Posin, người tạo nên những bản sao tuyệt hảo các kiệt tác bậc thầy, thì việc chép tranh không đơn thuần chỉ là đến bảo tàng và ngắm các họa phẩm gốc, mà còn phải có “khả năng và kiến thức. Ta phải nắm được kỹ thuật vẽ tranh, phong cách vẽ và tính khí của nghệ sĩ. Chúng tôi không tái sản xuất mà chúng tôi tái xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”.

Ngoài ra, các nghệ sĩ này cho rằng điều cơ bản nữa là họ được đào tạo nghệ thuật cơ bản và chính vì vậy mà họ không hề có đối thủ ở Đức. Mặc dù thành công, nhưng 3 anh em nghệ sĩ này vẫn khiêm tốn với tài năng sao chép tranh của mình. Song họ vẫn quan tâm tới việc sáng tác tranh hơn. Họ đã thể hiện nhiều phong cách vẽ, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau và còn làm một số tác phẩm điêu khắc. Ngoài việc kiếm tiền, việc sao chép tranh là một cách để họ phát triển các kỹ năng cần thiết nhằm cải thiện được những tác phẩm sáng tạo của riêng mình. Và 3 anh em này tuyên bố các tác phẩm độc đáo của họ còn có giá cao hơn cả các bản sao vẫn được ngưỡng mộ.

Việt Lâm

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›