Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 26): Những người Pháp mãi mãi được ghi nhớ

Thứ Hai, 21/02/2022 19:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến kiến trúc không thể không nhắc đến tên của vị "kiến trúc sư trưởng" đầu tiên của Đông Dương tên là Ernest Hébrard. Những ý tưởng quy hoạch của ông dường như vẫn nguyên vẹn những giá trị không chỉ tham khảo mà đôi nét mang tính tất yếu.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 25): Những cây cầu mang dấu ấn Doumer

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 25): Những cây cầu mang dấu ấn Doumer

Là tổng công trình sư cho ý tưởng xây dựng một hạ tầng giao thông cho công cuộc khai thác thuộc địa, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chọn đường sắt là phương tiện chủ đạo trên một lãnh thổ chạy dài từ Bắc xuống Nam...

Tháng 9/2016, Tổng thống Pháp Francois Hollande sang thăm Việt Nam. Ông đã được Thủ tướng Việt Nam tặng một món quà được báo chí giới thiệu là "dấu ấn thời gian". Tặng phẩm muốn nhấn mạnh vào chân dung "những người Pháp khiến người Việt Nam không thể nào quên". Chân dung những nhân vật ấy được khắc vẽ trên 4 tấm của bộ bình phong sơn mài cao cấp (một chất liệu rất truyền thống trong dân gian cũng như trong "Hội họa Đông Dương").

4 nhân vật ấy là: Bác sĩ Yersin, nhà bác học về dịch tễ cả thế giới biết tiếng, gắn bó cả đời với mảnh đất Việt Nam; họa sĩ Victor Tardieu, đồng sáng lập Trường Mỹ thuật ở Hà Nội và kiến tạo ra phong cách "Hội họa Đông Dương"; nữ khảo cổ gia Madeleine Colani giành cả đời làm khảo cổ ở Đông Dương, đóng góp cho sự thừa nhận quốc tế về "Văn hóa Hòa Bình" và Chiến sĩ chống phát xít Raymond Aubrac, cũng là người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cống hiến cho hòa bình ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hình ảnh tấm bình phong tặng Tổng thống Pháp

Chân dung 4 vị ấy được thể hiện trên nền 4 công trình kiến trúc nay đã được định danh "di sản kiến trúc" là Trường Đại học Y khoa, Bảo tàng Louis Finot (này là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Nhà hát Thành phố Hà Nội và cầu Doumer (nay là cầu Long Biên).

Thực ra, khi làm công việc này, tôi mới nhận ra rằng có rất nhiều gương mặt tương tự ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đến thuộc địa, đương nhiên để "khai thác" hiểu theo cái nghĩa đơn giản là thực dân "vơ vét, bóc lột" như ta thường nghĩ, nhưng khách quan họ đã mở mang, làm thay đổi rất nhiều theo chiều hướng văn minh, tiến bộ… mà giờ đây trở thành những di sản quý giá ta đang thừa hưởng và phát huy… Nói đến kiến trúc không thể không nhắc đến tên của vị "kiến trúc sư trưởng" đầu tiên của Đông Dương tên là Ernest Hébrard.

Từ nửa cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 19, thành phố Sài Gòn đã hình thành; từ 1888, lần lượt các thành phố Hà nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cũng được lập và xác định nó sẽ được xây dựng như thành phố ở chính quốc. Các công trình quy mô khá lớn như Phủ Toàn quyền, Nhà hát, Vườn Bách Thảo… đã được xây ở Sài Gòn và Hà Nội… Nhưng có một sự thật là vào thời điểm đó gần như chưa có một luật lệ điều chỉnh việc quy hoạch thành phố hiện đại như thế nào ở các thuộc địa. Ngay ở nước Pháp, một xứ sở có đông đảo những kiến trúc sư tài năng, một đất nước từng cử nhiều sứ giả tài hoa quy hoạch cho những thành phố lớn trên thế giới như Washington (1792), Canberra (1911), mở rộng Rio de Janero và Philadelphia (1917), Havana (Cuba), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ)… thì sự mở mang và phát triển của chính Paris hay các thành phố lớn của chính quốc cũng vẫn theo những bản năng truyền thống…

Chú thích ảnh
KTS Ernest Hébrard

Phải tới sau Thế chiến I kết thúc, sự tàn phá các đô thị ở châu Âu đòi hỏi một tư duy quy hoạch mới và phải đến ngày 14/3/1919, sau rất nhiều cuộc tranh cãi trong xã hội và ở Quốc hội, một bộ luật quy hoạch thành phố của Pháp mới được ban hành mang tên người đề xướng là "Cornudet". Đạo luật quy định mọi đơn vị hành chính có 10.000 dân trở lên đều phải có một quy hoạch thiết kế, mở rộng và làm đẹp. Các thành phố lớn nước Pháp phải có một dự án tăng trưởng tổng thể, phải tính đến các mặt vệ sinh, khảo cổ học và thẩm mỹ.

Đạo luật 1919 còn được bổ sung năm 1924, và áp dụng cho đến năm 1940, khi chính phủ bù nhìn thời Đức chiếm đóng ở Vichy, không hiểu vì lý do gì lại ra quyết định bãi bỏ.

Luật Cornudet trở thành một cái mốc quan trọng trong lịch sử kiến trúc các đô thị không chỉ ở nước Pháp mà ở tất cả các lãnh thổ "hải ngoại" của nó.

Và người được cử đến Đông Dương là kiến trúc sư tài ba Ernest Hébrard (1875 - 1933). Sinh ra ở Paris, trưởng thành từ Trường Đại học Mỹ thuật Paris, ông đến Đông Dương năm 1921 khi đã có nhiều kinh nghiệp nghề nghiệp, đặc biệt là sứ mệnh tái thiết một thành phố Thessaloniki đã bị thiêu hủy vì hỏa hoạn và cũng từng nhận được Giải thưởng Lớn (Grand Prix) từ Rome … Ông được Toàn quyền Đông Dương Merlin cử làm kiến trúc sư trưởng đứng đầu cơ quan Kiến trúc và Quy hoạch Đông Dương.

Chú thích ảnh
KTS Hébrard và cộng sự người Việt

Sau cuộc khảo sát và thử nghiệm quy hoạch đầu tiên cho thành phố Đà Lạt, công việc chính được ông tập trung cho Hà Nội, ngày càngcó vị trí quan trọng như cơ quan đầu não của thuộc địa quan trọng bậc nhất này. Ngày 10/1/1924, một bản quy hoạch đầu tiên của thành phố Hà Nội được trình lên Phủ Toàn quyền.

2 không gian đầu tiên E.Hébrard quan tâm là một trung tâm tài chính và hướng mở cho không gian phát triển của Hà Nội. Ông chọn địa điểm gần kề với Phủ Toàn quyền để mở ra một trung tâm tài chính, mặc dầu những ý đồ của Tòa thị chính Hà Nội hay Sở Địa lý Đông Dương ngay từ rất sớm co cụm quanh Hồ Gươm gần với Khu nhượng địa (Đồn Thủy). Dấu ấn của ý tưởng này là việc quy hoạch những trục đường nối kết giữa trung tâm hành chính (Phủ Toàn quyền) với khu vực được chọn làm trung tâm thương mại và văn hóa quanh Hồ Gươm trong đó có việc chỉnh trang khu phố cổ.

Về hướng mở cho việc phát triển không gian cho Hà Nội, mặc dầu cầu Doumer đã nối kết được 2 thập kỷ, nhưng tâm lý e ngại dòng sông lớn và nhiều lũ khiến Hà Nội vẫn co cụm ở bờ Nam và cơn lũ 1926 tạo nên con đê ngay trong nội đô khiến Hà Nội trở thành đô thị quay lưng với dòng sông của mình. Hébrard kiên quyết phá bỏ thế cờ này, ông cho rằng Hà Nội phải vượt sông, và Gia Lâm phải trở thành một trung tâm công nghiệp và như cách nói hiện nay là “logistic” quan trọng… Chưa đầy một thập kỷ gánh vác chức vụ này, lại gặp nhiều rủi ro trong đó có cuộc khủng hoảng kinh tế (từ 1930), rồi chỉ một thập kỷ sau lại là chiến tranh… khiến những ý tưởng của ông khó thành hiện thực.

Nhưng vị kiến trúc sư trưởng này đã kịp để lại một số công trình do chính ông thiết kế. Ngoài tòa kiến trúc Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) còn có Tòa Đại học Đông Dương (đường Lê Thánh Tông), Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và Nhà thờ Cửa Bắc; ông còn đồng tham gia thiết kế Trụ sở Viện Pasteur ở Hà Nội… Trong Sài Gòn có trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong)… Cũng với tác động của ông, khoa kiến trúc được thiết lập tại Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội năm 1926.

Riêng ở Hà Nội, tất cả các công trình E.Hébrard thiết kế đều vẫn phát huy công năng và thực sự tạo nên một tài sản kiến trúc đặc sắc chưa thể thay thế. Còn những ý tưởng quy hoạch dường như vẫn nguyên vẹn những giá trị không chỉ tham khảo mà đôi nét mang tính tất yếu. Cũng có thể nói rằng, bất kỷ thành phố nào cũng mơ có được một kiến trúc sư trưởng, như thế dù công nghệ và thời đại đã có nhiều thay đổi.

Chú thích ảnh
KTS Hébrard cùng các cộng sự người Pháp
Chú thích ảnh
Những khu phố trung tâm được chỉnh trang theo chuẩn đô thị (khu vực Nhà hát Thành phố)
Chú thích ảnh
Không gian dự kiến dành cho khu tài chính của Hà Nội gần Phủ Toàn quyền
Chú thích ảnh
Bảo tàng Louis Finot của Trường Viễn Đông Bác Cổ
Chú thích ảnh
Tòa kiến trúc Sở Tài chính Đông Dương
Chú thích ảnh
Toà nhà Đại học Đông Dương
Chú thích ảnh
Nhà thờ Cửa Bắc
Chú thích ảnh
Tòa kiến trúc trụ sở Viện Pasteur, Hà Nội
Chú thích ảnh
Kiến trúc Trường Trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn

(Còn tiếp)

QXN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›