Mới đây, trên Facebook, bạn Phùng Ngọc Khoa (13/4/2022) vừa viết về “chiếc ô tô đầu tiên ở Hà Nội”, quả là đề tài hấp dẫn để hiểu về lịch sử giao thông của nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng. Trong bài này, tác giả cho rằng nhà bác học - bác sĩ Alexandre Yersin chính là người sở hữu chiếc ô tô đầu tiên ở Hà Nội.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Chứng tích là bức thư gửi mẹ kể lại chuyện một ông tướng ở thuộc địa đã nhờ ông dùng ô tô chở qua cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) để qua bên Gia Lâm, tham gia một cuộc tập trận. Bài viết cũng cho biết thời điểm xác định sự kiện này vào năm 1904, lúc Yersin đang ở Hà Nội đảm nhận cương vị giám đốc đầu tiên của một trường đào tạo chuyên môn có trình độ cao đẳng đầu tiên (thành lập năm 1902 và là tiền thân của Đại học Y dược khoa Đông Dương sau này).
Đó cũng là thời điểm cầu Doumer mới khai thông (từ 1902), chưa có đường riêng dành cho phương tiện đường bộ ở hai bên (phải đến ngày 23/4/1924 mới có) nên phải nhờ mấy quan chức ngành cầu đường kiểm tra xem ô tô có thể đi trên làn đường dành cho đường sắt được không. Bài viết cũng xác định loại xe của Yersin có thương hiệu “Serpollet”, loại 6 mã lực (6CV) và giới thiệu tấm ảnh về loại xe này.
Từ giả thiết của bạn Khoa đưa ra, sẽ nảy sinh 2 câu hỏi: Đây có phải là chiếc ô tô đầu tiên mà Yersin sở hữu hay không? Và vào thời điểm Yersin sống và làm việc tại Hà Nội, không có ai khác, kể cả các quan chức cao cấp của thuộc địa vẫn, cũng chưa có loại phương tiện này hay sao?
Với câu hỏi thứ nhất thì chúng ta biết rằng Yersin là bác sĩ làm việc trên tàu biển của hãng Messagerie Maritimes, chuyên chạy từ Pháp sang Đông Dương và các thuộc địa Viễn Đông. Năm 1891, ông đã quyết định lên bờ và chọn Nha Trang làm nơi định cư cho mình. Chính từ đây, ngoài hoạt động y tế, ông còn là người thực hiện nhiều cuộc thám hiểm, phát hiện ra các vùng đất mới, đặc biệt là cao nguyên Lang Biang (Đà Lạt); ông còn nghiên cứu để đưa các loại giống cây trồng nước ngoài vào nước ta.
Yersin cũng là người đam mê với những công nghệ mới. Do vậy theo tiểu sử được công bố trên Wikipedia thì bằng những giải thưởng nhận được từ nhiều công trình, trong đó chuyến qua Trung Quốc nghiên cứu và sáng chế vaccine… ông đã mua một chiếc ô tô đầu tiên để sử dụng. Thời điểm này đường bộ chưa phát triển nhưng, ô tô được Yersin sử dụng chủ yếu trên tuyến đường nối Nha Trang với Suối Giao, dài 30 km. Chiếc xe này được xác định là của Hãng Citroën, một trong những hãng ô tô của Pháp xuất hiện sớm ở châu Âu và cũng là hãng sớm nhất vào Đông Dương.
Cũng theo Wikipedia thì chiếc ô tô đầu tiên của Yersin là loại xe bánh sau chạy xích, loại xe đã từng vượt sa mạc Sahara. Nhưng chúng tôi lại sưu tập được hai tấm ảnh Yersin cùng người tài xế của mình bên chiếc xe ô tô cũng của Hãng Citroën, được xác định công suất chỉ 5CV và trông dáng vẻ kém phần hiện đại hơn chiếc CV6 sử dụng tại Hà Nội.
Tiểu sử của Yersin cũng cho biết, ông được Toàn quyền Đông Dương mời ra Hà Nội nhận chức Hiệu trưởng Trường Y ngay từ khi thành lập (8/1/1902) và cũng kết thúc cương vị này vào năm 1904 để trở về Nha Trang tập trung nghiên cứu về dịch tễ và điều hành Viện Pasteur ở đây cho đến khi qua đời (1/3/1943).
Lắp ráp tất cả những chi tiết và dẫn chứng trên, liệu có thể xác định rằng: trước khi sở hữu chiếc “Serpollet” (tên nhà sáng chế người Pháp) của Hãng Citroën công suất 6 mã lực, thì Yersin đã từng sở hữu ít nhất một chiếc xe cùng hãng, nhưng loại cũ hơn (5 mã lực), được ghi nhận bằng hình ảnh kèm lời xác định là “chiếc ô tô đầu tiên ở Trung kỳ”. Ngoài ra, như Wikipedia công bố, thì có thể trước đó, cũng ở Nha Trang, ông còn có một chiếc sớm hơn, chỉ có điều vẫn chưa xác định thời điểm nhập về những chiếc xe đầu tiên này.
Còn để trả lời câu hỏi: Chiếc “Serpollett” mà Yersin sử dụng ở Hà Nội (1902-1904) có phải là chiếc đầu tiên ở thành phố - thủ phủ phía Bắc của Liên bang Đông Dương - hay không? Thì chúng tôi tạm thời tán thành trên cơ sở theo dõi các tấm ảnh ghi nhận các sự kiện quan trọng ở Hà Nội, hoặc một số tỉnh Bắc kỳ thì chưa phát hiện dấu hiệu một chiếc ô tô nào khác. Cụ thể, trong các sự kiện như đón tiếp Toàn quyền Paul Beau đến Hà Nội, khung cảnh các quan chức cao cấp nhất đến dự khai trương Đấu xảo Đông Dương, hoặc khánh thành cầu Doumer, thì đều sử dụng xe ngựa truyền thống…
Cũng có một vài ý kiến được công bố cho rằng, chiếc ô tô đầu tiên ở Hà Nội thuộc về cố đạo Puginier, nhưng không thấy đưa ra những tài liệu chứng minh.
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 28): Cái xe kéo
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 27): Tục để móng tay dài?
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 26): Những người Pháp mãi mãi được ghi nhớ
Xin nói thêm, Đài RFI của Pháp (14/9/2017) đưa ra ý kiến của nhà nghiên cứu Stéphanie Ponsavady (Đại học Wesleyan, Hoa Kỳ) cho rằng theo tài liệu lưu trữ (thống kê để đánh thuế) thì phải đến năm 1905 thì mới có 5 chiếc xe hơi đầu tiên nhập vào Sài Gòn. Nhưng có lẽ đó là những chiếc ô tô nhập theo hợp đông thương mại, cho dù phải nhận rằng Sài Gòn sẽ là nơi có tiềm năng phát triển phương tiện giao thông này.
Nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng người Việt đầu tiên sở hữu ô tô ở Nam kỳ là ông Năm Tú, từng du học ở Pháp, từng lập gánh hát thuộc loại sớm nhất và vổi tiếng nhất ở Nam kỳ. Còn ở Bắc kỳ thì phải đến năm 1913, Bạch Thái Bưởi mới là người đầu tiên sắm ô tô.
Nhưng có thể nói, từ 1905 trở đi, ô tô nhập vào và được sử dụng ở Đông Dương ngày một nhiều, dần trở thành phương tiện khá phổ biến của giới cầm quyền và người giàu có… Việc nghiên cứu lịch sử ô tô ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, nhưng nếu chứng cứ nếu chỉ có vậy thì bác sĩ Alexandre Yersin chính là người sử dụng ô tô sớm nhất ở Trung kỳ, sau đó sớm nhất ở Hà Nội và Bắc kỳ, cũng có nghĩa làm sớm nhất trên lãnh thổ nước ta?!
(Còn tiếp)
QXN
Tags