Ở nước ta, trước khi người Pháp tới, nhu cầu thông tin trong xã hội chủ yếu là truyền khẩu. Nói theo cách thậm xưng, thì chỉ với quán nước, nơi những chuyện trong làng ngoài xóm truyền qua miệng nhau thành tiếng xì xào, nhưng không kém hiệu quả, tạo nên dư luận… Bưu thiếp vốn được du nhập từ châu Âu, nó là một cách thông tin rất mới, nếu so với xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
1. Số đông dân cư không biết chữ nên việc trao đổi thư từ hoặc văn bản chủ yếu để bàn việc công của tầng lớp có học, tham gia việc quản lý xã hội, nhằm duy trì mối liên hệ với nhà nước, chủ yếu đảm bảo thực hiện những nghĩa vụ của địa phương mình với quốc gia. Việc này trong các triều đại phong kiến đã hình thành một bộ máy vận hành khá hiệu quả. Đó là hệ thống trạm và đội ngũ lính trạm. Với địa hình khá đặc thù của từng vùng miền, những người lính trạm chạy bộ, chèo đò hoặc cưỡi ngựa để bảo đảm việc chuyển đạt các thư từ, văn bản công một cách mau lẹ nhất theo hạn định…
Chỉ từ khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, rồi chiếm đóng và thiết lập nền đô hộ theo nhiều phương thức, tạo nhiều tập quán đến từ chính quốc thì việc trao đổi thư từ mới được tổ chức thành bộ máy ngày càng hiện đại. Ngoài các nhu cầu công của bộ máy nhà nước, nền bưu chính dân sự vẫn chủ yếu hình thành và phát triển trong cộng đồng cư dân người Âu và tầng lớp trên, vốn được tiếp thu một nền vấn học và lối sống mới…
Mở đầu thời thuộc địa kéo dài từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 cho tới 3 thập niên đầu của thế kỷ 20, cũng nằm trong trào lưu chung, một hình thức bưu chính dân sự mới được ứng dụng không chỉ nhằm giảm thiểu cước phí cho người dùng, mà còn đáp ứng những nhu cầu cấp bách của công cuộc khai thác thuộc địa. Đó là việc sử dụng một loại hình được gọi chung là “carte postale” mà buổi ban đầu được sử dụng đúng công năng như tên gọi là “bưu thiếp”.
Đó là một tấm bìa mỏng, khổ chừng 12cm x 15cm (phong bì thông dụng), một mặt in sẵn các dòng kẻ ấn định chỗ viết tên và địa chỉ người gửi, người nhận; còn mặt sau trống trắng hoàn toàn để viết những nội dung cần trao chuyển… Không phong bì có nghĩa là mất đi phần nào tính riêng tư (bảo mật thư tín), nhưng giá cước rất ưu đãi. Thời điểm hình thành và phát triển loại hình “bưu thiếp” này cũng lại là thời kỳ phát minh ra công nghệ chụp ảnh (thập niên 1860), nhưng lại nhanh chóng đạt được những tiến bộ vượt bậc. Và cùng với chụp là các công nghệ để in ảnh… Rồi những nhân tố này lại gặp lúc nhu cầu thông tin về thế giới ngày càng rộng mở, đặc biệt là của cư dân châu Âu, họ đang chứng kiến công cuộc chinh phục và khai thác thuộc địa của mình ra khắp toàn cầu, nên nhiếp ảnh ngày càng được khai thác như một lợi khí…
Từ tấm “bưu thiếp”, nó dần chuyển thành “bưu ảnh”; từ việc in ảnh chỉ chiếm một góc tấm thiếp đến lúc phủ trọn 1 mặt của tấm thiếp (nhờ giá thành in ảnh ngày càng rẻ hơn). Nhờ vậy bưu ảnh lên ngôi, chinh phục cả thế giới. Điều đó càng diễn ra rất mạnh mẽ ở nước Pháp - nơi đã phát minh ra nhiếp ảnh - và các thuộc địa của nó. Cho dù người đầu tiên phát minh ra bưu ảnh là một người Áo, nhưng nước Pháp vẫn chiếm ngôi đầu.
2. Ở Việt Nam, rộng hơn là Đông Dương, việc phát hành bưu ảnh do các hãng tư nhân đảm nhiệm. Thống kê của các nhà nghiên cứu cho thấy có tới hơn 70 địa chỉ có mặt ở tất cả các thành phố lớn kinh doanh trên lĩnh vực này. Các cuộc đấu xảo được tổ chức trên toàn thế giới với các cuộc trưng bày và thi ảnh càng kích thích các nhà sáng tác và sản xuất. Thống kê của nhà nghiên cứu Pháp Vincent Thierry đã đưa ra con số là có khoảng 18.000 mẫu bưu ảnh đã được phát hành ở Đông Dương. Nó phát hành không chỉ tới nước Pháp, các thuộc địa, mà còn ra toàn thế giới.
Các bộ sưu tầm bưu ảnh đến nay chúng ta tiếp xúc được cho thấy tính phong phú, đa dạng… và từ đó cho thấy giá trị sử liệu của những tấm bưu ảnh này cho đời sau. Nó như lời mời gọi không chỉ những người dân từ chính quốc hãy đến các xứ sở xa xôi, không chỉ hưởng cái thú du ngoạn của khách du lịch, mà có thể tham gia trực tiếp như một nguồn nhân lực hoặc một nhà đầu tư vào thuộc địa…
Ví như bộ bưu ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế, mà tác giả cũng là chủ nhân của nó là Dieulefils… đã thực hiện như một phóng viên chiến trường, một nhà du khảo và một nghệ sĩ nhiếp ảnh để tung ra thị trường cả trăm tấm (mẫu). Bưu ảnh mô tả từ gương mặt các thủ lĩnh, các sự kiện, trận đánh… kể cả hình ảnh tàn sát dã man những người bản xứ chống đối nền cai trị của thực dân. Bộ ảnh ấy đã phát huy những giá trị thông tấn mạnh mẽ để làm an lòng và mời gọi các nhà đầu tư đến một xứ sở “đã được bình định”…
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 32): Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 31): Về hai giải quần vợt quốc tế có ít nhiều gắn với địa danh Sài Gòn
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 30): Tòa 'biệt thự điên khùng' ở thành phố Hải Phòng
Những cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên và tập quán lạ lẫm của cư dân vùng đất mới không chỉ đáp ứng nhu cầu của ngành bưu chính, mà còn gián tiếp góp phần vào các mục đích thuộc địa khác…
Nhưng dẫu sao, khi thời gian qua đi, những tấm bưu ảnh này trở thành một nguồn sử liệu trực quan rất quý để chúng ta hiểu hơn về một thời đã qua. Sau thập niên 1930, bưu ảnh rơi vào thoái trào, chìm dần vào quên lãng vì sự thay thế bởi những loại hình thông tin và bưu chính mới mẻ và ngày càng hiện đại hơn…
Tuy nhiên, việc khai thác nguồn bưu ảnh xưa đến nay vẫn chứa chất nhiều cảm hứng cho các nhà sưu tập, nghiên cứu với những công trình được trưng bày, công bố ngày càng hấp dẫn và có giá trị…
QXN
Tags