(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm 2010, giáo sư Phan Huy Lê (cố Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) nhận được từ Pháp gửi sang một cuốn album đã rất cũ, kèm theo một bức thư của nhà sử học Pháp nổi tiếng Philippe Devillers.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Người gửi cho biết đây là một vật kỷ niệm của tướng Pháp Sellon tặng ông, nay ông muốn tặng lại vì những giá trị lịch sử rất quý của những tấm ảnh dán trong tập album này.
Là một chuyên gia về lịch sử hiện đại Việt Nam, ông hiểu rằng những tấm ảnh xuất xứ từ Việt Nam nhưng đã không còn tìm thấy ở Việt Nam nên muốn trao lại cho những chủ nhân thật sự của nó như một nguồn sử liệu vô giá. Ông cho biết thêm rằng vào những năm 1945, 1946, Sellon, với quân hàm đại úy làm việc trong Phủ Cao ủy Pháp ở Hà Nội, được Bộ Thông tin của Chính phủ Việt Nam tặng cuốn album này.
Hồi đó, việc in sách ảnh rất khó khăn nên Bộ Thông tin có sáng kiến tập hợp những tấm ảnh, khi đó có giá trị thông tấn ghi hình những sự kiện mang tính thời sự dán vào những cuốn album để tặng cho quan khách nước ngoài, làm công tác tuyên truyền đối ngoại.
Cuốn album thực sự là món quà quý trước hết đối với giới sử học Việt Nam. Đó là 203 tấm ảnh có kích cỡ khác nhau được dán vào album theo thứ tự thời gian sự kiện, được ghi hình kèm theo những chú thích ngắn gọn, nhưng chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật và nội dung liên quan đến sự kiện viết bằng mực trắng trên nền giấy màu xám. Chất lượng ảnh còn tốt và nội dung thì rất quý vì nó đề cập tới nhiều sự kiện lớn, sách báo có ghi lại nhưng hình ảnh hầu như không còn.
Một đánh giá của chúng tôi là có tới 80% số ảnh được coi là mới (vì trong nước không có). Có tới 40 tấm ảnh có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tấm có hình ảnh những nhân vật đương thời như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Vũ Đinh Hòe, Hoàng Minh Giám…
Sau khi nhận được món quà quý, Giáo sư Lê giao cho Tạp chí Xưa & Nay của Hội tìm cách phát huy. Ngay trong năm kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám cũng là 1.000 năm Thăng Long (2010), chúng tôi đã mở cuộc triển lãm tại trung tâm Hà Nội, đưa một phiên bản sang Pháp trưng bày tại Nhà Văn hóa Việt Nam ở Paris… Và một thời gian sau (2011), cùng Nhà Xuất bản Thông tin phát hành cuốn Ký ức về những ngày độc lập đầu tiên 1945 - 1946. Bản gốc được giáo sư Phan Huy Lê tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ lâu dài.
Cần nói thêm rằng, tác giả của những tấm ảnh này tuy không xác định được người cầm máy cho từng tấm ảnh nhưng nó là sản phẩm của cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà thời đó là Bộ Thông tin Tuyên truyền do ông Trần Huy Liệu (cũng là nhà sử học lớn) làm bộ trưởng. Những tấm ảnh cho thấy các nhiếp ảnh gia thuở ấy trang bị máy móc rất khiêm tốn so với hiện nay, nhưng rất theo sát sự kiện và tay nghề rất giỏi. Có nhiều tấm ảnh chụp nối 4 đến 5 tấm phim mà ảnh được ráp nối rất chuẩn. Bức ảnh ghi hình ngày 1/5/1946 tại Quảng trường Khu học xá Đông Dương, chúng tôi đưa sang Pháp trưng bày in trên khổ giấy dài hơn 4m rộng 0,7m mà hình nét vẫn rõ và khó nhận ra các mối nối…
Kể từ khi cuốn album được đưa về nước, nhiều tấm ảnh đã được công bố, nhưng nhiều người sử dụng ít biết đến xuất xứ và thường hay dễ dãi ghi chú “ảnh sưu tầm”, “ảnh tư liệu”… Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta có thể chính danh ghi chú là “ảnh của Thông tấn xã Việt Nam”, vì cơ quan Bộ Thông tin Tuyên truyền hồi đó cũng chính là tiền thân của nhiều cơ quan hiện nay, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam, và nếu chuẩn mực hơn có thể ghi thêm xuất xứ là “Album P.Devillers” để trân trọng ghi nhận thịnh tình của các bạn Pháp.
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 3): Cách nay 82 năm, một tàu ngầm của Pháp bị đắm ở Cam Ranh
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 2): Ảnh 'Vua hề Charlot' chụp ở Việt Nam
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 1): Chuyện tiêm chủng xưa
Nội dung 203 ảnh của album này gồm những sự kiện từ 17/8/1945 (biểu tình của Tổng hội Công chức trước Nhà hát Lớn) cho đến 16/8/1946 (lễ kỷ niệm Nguyễn Thái Học và Phạm Hồng Thái tại Nhà Đấu xảo, nay là Cung Hữu nghị). Cuốn album còn giúp ta xác định chính xác được nhiều sự nhầm lẫn khi sử dụng ảnh. Ví dụ điển hình nhất là ngay trong cuộc triển lãm được Bảo tàng Invalides (Bảo tàng Quân sự) của Pháp tổ chức năm 2013 cũng như ấn phẩm của nó (sách Indochine Des Territoires Et Des Hommes của nhà sách rất uy tín Gallimard) cũng nhầm lẫn khi chú thích ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và tiếp xúc với nhân dân tỉnh Nam Định tại trụ sở Tòa công sứ thành sự kiện Ngày Độc lập 2/9/1945 tại Ba Đình, Hà Nội.
Nhân kỷ niệm Quốc khánh năm nay, xin giới thiệu một số tấm ảnh trong 203 tấm ảnh của album và trong 40 tấm ảnh có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh của album quý này.
(Còn tiếp)
QXN
Tags