Một bán đảo hẹp, vươn ra biển, dài tới 7km, nằm giữa 2 cửa sông (Cửa Cấm và Cửa Văn Úc), cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 25 km. Nơi ấy sở hữu những thắng cảnh đẹp nhìn từ một bãi biển êm ả, cạnh các rặng thông reo trên những rặng núi thấp.
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Nơi ấy là chốn cư trú của những dân chài gốc Thanh Hóa, họ theo luồng cá, hoặc gặp bão dạt vào định cư, mang theo nhiều tập quán, tín ngưỡng, mà tiêu biểu nhất là lễ hội chọi trâu vào ngày 9/8 âm lịch mỗi năm… Nơi ấy còn có ngôi đền thiêng thờ Bà Đế, gắn với một truyền thuyết diễm tình thời các Chúa Trịnh… Vùng đất đắc địa mang hình hài một bán đảo này có tên là Đồ Sơn.
Trước khi trở thành một điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu ở Bắc kỳ, Đồ Sơn lại ít được biết tới. Chính Jean Dupuis, lái buôn và cũng là kẻ khiêu khích mở đường cho thực dân Pháp lấy cớ xâm lược Bắc kỳ đã là người nước ngoài đầu tiên đặt chân lên Đồ Sơn vào năm 1880. Nhưng phải nhờ mấy nhà thám hiểm chuyên nghiệp người Bồ Đào Nha, Đồ Sơn mới được ghi vào bản đồ và người Pháp dần nhận ra vùng đất đắc địa này khi Hải Phòng được hoàng đế Đồng Khánh giao cho Pháp làm nhượng địa (cùng với Hà Nội và Đà Nẵng vào năm 1888), rồi xây dựng cảng biển đầu tiên ở Bắc kỳ. Ngay trên đảo Hòn Dấu ở ngoài khơi Đồ Sơn không xa, Pháp đã cho xây chiếc đèn biển đầu tiên, phát sáng từ độ cao 140m, khởi công xây từ 1892 và hoàn thành 1898, để dẫn tàu vào cảng qua cửa Sông Cấm.
Đồ Sơn chỉ thực sự được người Pháp quan tâm khai thác sau năm 1892, thời điểm hoàn thành con đường bộ nối thành phố Hải Phòng với bán đảo, nơi mà trước đó bắt buộc phải dùng tàu biển (chaloupe) đi lại, rất khó khăn mới tiếp cận được. Kể từ đó, Đồ Sơn nhanh chóng biến thành một điểm nghỉ dưỡng cho người Âu, đặc biệt kể từ khi toàn quyền Paul Doumer chỉ thị phải tìm những địa điểm giúp người Pháp có nơi nghỉ dưỡng ngay tại thuộc địa nhiệt đới này, để hạn chế họ phải về Pháp nghỉ dưỡng đã xa xôi, lại tốn kém.
Bắt đầu chỉ từ vài căn biệt thự nhỏ của mấy quan chức thực dân vùng Kiến An lân cận, Đồ Sơn mạnh mẽ thu hút các nhà giàu muốn xây nhà nghỉ riêng và các nhà đầu tư kéo đến xây các công trình dịch vụ. Tòa biệt thự đầu tiên mang tên thứ cây vốn được coi là đặc trưng ở nơi đây là "Villa des Pins" (biệt thự thông); rồi nổi tiếng hơn là tòa biệt thự do phủ toàn quyền xây, mang tên là "Villa Joséphine", có kiến trúc hình bát giác rất đẹp. Khi Bảo Đại về nước chấp chính (1933), sau đó có dịp "ngự giá Bắc tuần", thì được chính quyền Pháp tặng cho người đứng đầu triều đình Huế. Nhiều khách sạn cũng mọc lên để đáp ứng lượng người ra nghỉ và tắm biển cuối tuần và mùa Hè, ngày một tăng.
Từ những năm 1920, Đồ Sơn đã được xếp là thị trấn và đầu những năm 1940 đã có 150 bất động sản quy mô khác nhau được dùng làm dịch vụ nghỉ dưỡng. Lễ hội chọi trâu được duy trì, các tập quán, thú chơi của người Pháp như bắn chim, đi khảo sát các vùng đất, hình thành các câu lạc bộ giải trí hoặc thể thao trên biển… thu hút cả khách Pháp và tầng lớp trên của dân bản xứ. Chính điều này làm xuất hiện một dịch vụ rất đặc trưng ở Đồ Sơn là những kiệu chở khách bởi những phu kiệu đàn bà…
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 39): Sức sống bền bỉ của chiếc áo tơi
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 38): Cái nón quai thao
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 37): Ô tô chở khách ở nước ta có tự bao giờ?
Ở Đồ Sơn, ngoài chùa cổ và nhà thờ Thiên Chúa giáo, còn có một ngôi đền thiêng thờ "Bà Đế", một nhân vật truyền thuyết, gắn với một bi kịch diễm tình, đã được người Pháp dựng thành một trong những bộ phim truyện hiếm hoi sản xuất ở Đông Dương làm. Phim này để quảng bá cho địa danh du lịch Đồ Sơn, mà có người ví nó như thành phố du lịch Trouville nổi tiếng của nước Pháp…
Ở Đồ Sơn, người Pháp còn làm cả một chương trình phát triển ngư nghiệp để hỗ trợ cho các ngư dân duy trì được các hoạt động nghề nghiệp, trong đó có những cánh buồm rất đặc trưng và các mẻ lưới của dân chài trình diễn cho du khách hiểu hơn về sinh hoạt ở thuộc địa…
Rất khó so sánh Đồ Sơn trăm năm trước, được ghi vào những tấm ảnh kèm theo bài viết này với Đồ Sơn hôm nay. Nhưng nó có thể là bằng chứng về một khu du lịch biển có truyền thống và nổi tiếng nhất Đông Dương, cho dù chúng ta cũng đã biết đến những địa danh như Ô Cấp (Cap Saint Jacques-Vũng Tàu) ở trong Nam, Nha Trang, Cửa Tùng ở miền Trung, hoặc Sầm Sơn cũng ở Bắc…
QXN
Tags