Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 6): Người mẫu của Hà Nội xưa?

Thứ Hai, 13/09/2021 19:12 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từng là thuộc địa của nước Pháp, xứ đi đầu trong những sáng chế về công nghệ nhiếp ảnh nên loại hình bưu ảnh phát triển rất sớm ở nước ta.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 4): Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuốn album quý

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 4): Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuốn album quý

Đầu năm 2010, giáo sư Phan Huy Lê (cố Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) nhận được từ Pháp gửi sang một cuốn album đã rất cũ, kèm theo một bức thư của nhà sử học Pháp nổi tiếng Philippe Devillers.

Phần lớn các tấm bưu ảnh đều in từ các tấm ảnh chụp “người thật, cảnh thật” để giới thiệu về cảnh vật và con người Việt Nam (rộng hơn là Đông Dương) cho công chúng, trước hết là cho người Pháp hiểu biết về thuộc địa để thu hút đầu tư hay du lịch vào xứ Viễn Đông đầy kỳ bí…

Chú thích ảnh
Những bưu ảnh có chung một gương mặt

Chính chất liệu tự nhiên ấy đã tạo nên sức hấp dẫn cho loại hình nghệ thuật và kinh doanh mới mẻ này. Tuy nhiên, để giới thiệu vẻ đẹp của con người, nhất là người phụ nữ, việc lựa chọn những gương mặt hay vóc dáng khả ái mang nét rất đặc trưng về nhân chủng hay văn hóa là điều khó đối với các nhà kinh doanh bưu ảnh ở một xứ mà lề thói phong kiến còn rất nặng nề.

Chú thích ảnh
Tấm bưu ảnh (mặt trước) có nhật ấn 1905

Trong sưu tập những bưu ảnh về Hà Nội phát hành hồi đầu thế kỷ 20, người ta dễ nhận ra một khuôn mặt được xuất hiện trên nhiều mẫu khác nhau. Vẻ đẹp và cả vóc dáng của nguời phụ nữ này quả thật gây ấn tượng. Nó vẫn giữ được nét cổ điển của một “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”... nhưng lại có phong thái tân thời. Thuở đó, con gái nhà lành chưa dám lên hình, liệu hồi ấy đã có “người mẫu” chuyên nghiệp hay chưa nhỉ? Chính những tấm ảnh được giới thiệu trên trang này ít nhiều trả lời rằng: Có thể! Phải chăng đó là những “người mẫu” đầu tiên ở xứ ta?

Cũng xoay quanh gương mặt này, một số người đã viết báo cho rằng đó chính là cô gái tên Phượng họ Vương ngụ tại Phố Hàng Ngang, gắn liền với một câu chuyện tình lãng mạn và gay cấn.

Chú thích ảnh
Nhật ấn đóng ở mặt sau cũng là 1905 

Thoạt tiên, người kể lại câu chuyện này sớm nhất, trong hồi ký là nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đáng tin cậy. Đại loại, Phố Hàng Ngang năm xưa có một cô gái rất đẹp tên là Vương Thị Phượng con nhà khá giả đã gả cho con trai một nhà buôn người Hoa cũng khá giả nhưng đàng điếm. Hồi ấy, Hà Nội lại xuất hiện một chàng trai tiếng tăm trong nghề làm báo là Hoàng Tích Chu, con quan nhưng lại hào hoa, nên cô Phượng dù đã có con vẫn phải lòng bỏ nhà theo vào Sài Gòn định chung sống lâu dài. Nhưng vì nhà báo họ Hoàng quyết sang Pháp học thêm nghề và quả thực sau chuyến đi này, ông đã trở thành nhà báo danh giá làm cho các tờ Đông Tây hay Hà Thành ngọ báo nổi như sóng cồn, nên cuộc tình dang dở.

Chú thích ảnh
Hoàng Tích Chu và tờ “Đông Tây thời báo”

Vì không thể theo chàng qua Tây nên Cô Phượng phải trở về và rơi vào bi cảnh bị nhà chồng và thiên hạ nặng lễ giáo phong kiến hắt hủi… rồi chết thảm trong nhà thương làm phúc ở Bạch Mai. Câu chuyện này còn được tiểu thuyết hóa thành sách Mồ cô Phượng ăn sâu vào một thế hệ Hà thành…

Câu chuyện nếu chỉ như thế thì cũng chẳng có gì phải nói thêm. Nhưng lại có các nhà cầm bút viết lại câu chuyện này trên báo rồi lấy tấm hình cô “người mẫu” giả định ở trên đăng kèm là hình “Cô Phượng Hàng Ngang” mà chẳng đưa ra bằng chứng, nên dịp này xin nêu một nghi vấn nhỏ.

Bưu ảnh là sản phẩm có thể được in và phát hành nhiều lần với số lượng lớn. Có một tấm bưu ảnh chụp hình giả định là “Cô Phượng Hàng Ngang” kèm theo một "nhật ấn" (dấu của bưu điện đóng trên bưu gửi) của bưu điện đóng cả mặt trước lẫn sau xác định thời điểm sử dụng (gửi thư) là năm 1905. Trông diện mạo cô gái trong ảnh ít nhất cũng phải 16 tuổi, và năm hãng bưu ảnh Dieulefils ở phố Paul Bert (Tràng Tiền) phát hành mẫu này phải trước năm 1905 và hình chụp thì lại phải trước nữa. Do vậy năm sinh của nhân vật trong ảnh tối thiểu chỉ có thể là 1890 hay sớm hơn thế. Ai cũng biết Hoàng Tích Chu sinh năm 1897. Như thế, tối thiểu chị họ Vương phải hơn anh họ Hoàng đến 7 tuổi và có thể hơn thế nữa.

Chú thích ảnh
Tấm bưu ảnh này có nhật ấn và bút tích đề năm 1907

Kết luận ấy cũng chẳng phản bác được câu chuyện tình trên, vì xưa nay đã có biết bao nhiêu cảnh “phi công trẻ thích lái máy bay bà già” (lại rất đẹp). Nhưng chỉ muốn nói rằng, nếu coi bưu ảnh không chỉ là tấm ảnh đẹp mà còn như một sử liệu để tìm kiếm một sự thực nào đó, thì cái nhật ấn hay nội dung của những người sử dụng viết trên bưu ảnh cũng có nhiều điều đáng để mắt tới…

QXN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›