(Thethaovanhoa.vn) - Sau cuộc trình diễn máy bay đầu tiên của phi công Van den Born ở Sài Gòn thành công vang dội vào ngày 10/12/1910 (xem Thể thao & Văn hóa kỳ trước), các xứ khác của Đông Dương cũng sôi sục muốn làm theo.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Ở Bắc Kỳ, một ủy ban vận động tổ chức “đại tuần lễ hàng không” được lập ra, nhưng do không thương lượng được giá cả với Van den Born, nên đã quyết định sắm máy bay rồi mời phi công các nơi đến trình diễn. Mãi đến năm 1912, Bắc Kỳ mới mời được phi công Nga Cumenski sang trình diễn, buổi đầu cất cánh tại Sân đua ngựa Hải Phòng (1912), hôm sau bay lên Hà Nội khoe tài.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong hồi ức kể “hôm máy bay đến Hà Nội các trường học đều được nghỉ học” (Nhớ & Ghi). Ở đâu, dân Tây và Ta cũng đến xem rất đông, nhưng giới Hoa kiều thì ngầm vận động tẩy chay vì lúc đó Nga đồng minh với Pháp nhưng ít thân thiện với Trung.
Phải qua năm 1913, phi công Pháp Marc Pourpe (1887-1914) cùng chiếc Blériot một lớp cánh (monoplane) khá hiện đại sang Đông Dương biểu diễn ở nhiều nơi như: Phnom Penh (Cao Miên), một số tỉnh Nam Kỳ, nhưng vang dội nhất là cuộc biểu diễn ngay tại Huế cổ kính, kinh đô của Triều đình Đại Nam. Cuộc biểu diễn được tổ chức theo gợi ý của Khâm sứ Trung Kỳ Charles và vào thời điểm Hoàng đế Duy Tân trị vì.
Cuộc trình diễn khai mạc vào 17h ngày 4/8/1913 do một Ủy ban Pháp - Việt chủ trì trên khoảnh đất trước Ngọ Môn và Kỳ đài với sự chứng kiến của Hoàng đế Duy Tân, các quan chức Pháp - Nam cùng 30.000 dân chúng (con số của báo chí đương thời).
Hai hôm sau (6/8), cuộc trình diễn thứ 2 đúng vào dịp đại khánh (sinh nhật Ngài Duy Tân) nên kết hợp cả đốt pháo bông, cửu vị thần công bắn mừng, thả khinh khí cầu và đua thuyền… Máy bay không chỉ bay trên bầu trời Thần kinh mà vọt lên cả vùng cao nguyên miền Tây. Tiếp đó, Marc Pourpe còn bay biểu diễn ở Đà Nẵng rồi lại ra Bắc Kỳ bay từ Hải Phòng lên Hà Nội rồi ngược lên Lạng Sơn thị uy vùng biên giới với Thanh triều…
Sau chuyến đi thành công này, đầu năm 1914, phi công người Pháp lập kỷ lục trở thành người đầu tiên bay trên vùng trời châu Phi từ Le Caire (thủ đô Ai Cập) đến Khartoum (thủ đô Soudan) dài hơn 1.250 dặm. Nhưng Chiến tranh Thế giới bùng nổ, Marc Pourpe trở thành phi công ném bom và đã hy sinh trong một chuyến bay thám thính của Không quân Pháp ngày 2/12/1914.
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 7): Sài Gòn trên trang sử hàng không châu Á
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 6): Người mẫu của Hà Nội xưa?
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 4): Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuốn album quý
Dấu ấn của các sự kiện này còn lưu lại trong một bài thơ của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài (Phước Môn) có đoạn: “Ấy ai khôn khéo lạ trong đời/ Chấp cánh mà bay để chúng coi/ Mới đó giập giằng vừa khỏi đất/ Bỗng đâu phất phới đã ngang trời/ Qua qua lại lại đều như ý/ Xuống xuống lên lên rõ thực tời (tài)”…
Còn vè dân gian ở Đà Nẵng thì mộc mạc: “Đời xưa cho chí đời nay/ Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng… Rùng rùng máy nổ thất kinh/ Chiếc tàu cất cánh thình lình bay lên/ Bay lên trên mọi trên Lào/ Nghe tiếng ào ào lại ở trên mây/ Không ai mà giỏi như Tây!”.
Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đặt tên Marc Pourpe cho đường phố, một ở Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Văn Chiêm) và một ở Đà Nẵng (nay là đường Phan Châu Trinh).
(Còn tiếp)
QXN
* Tài liệu tham khảo:
- G.H, Les ailes francaises en Annam- Marc Pourpe, Tuần họa báo“Indchine”
- Đại Nam thực lục chính biên, đệ lục kỷ phụ biên
- Nguyễn Sinh Duy, Coi tàu bay tại Huế và Đà Nẵng 1913, “Xưa & Nay” số 23 (1/1996), tr.23-24
Tags