Bà Đặng Tuyết Mai: Lá rụng về cội...

Thứ Ba, 22/07/2008 11:34 GMT+7

Google News

(TT&VH Online) - Bà Đặng Tuyết Mai (hoa khôi miền Nam trước 1975) đang có mặt tại TP.HCM và biểu diễn văn nghệ ở phòng trà Văn Nghệ (4 Lam Sơn, Bình Thạnh). Gặp lại người phụ nữ một thời nhan sắc, một thời quyền uy này… rất khó nhận ra đây từng là một “đệ nhị phu nhân” hay một người từng “quyền lực đầy mình”. Bà Đặng Tuyết Mai thật gần gũi như những người phụ nữ Việt Nam bình thường khác... Bà đã trò chuyện cùng TT&VH trong chuyến về quê hương lần này.

Tình cảm là quý nhất!

* Thưa, bà đã về VN bao nhiêu lần rồi? Lần này bà thấy VN có gì đổi khác hơn trước?
 Bà Đặng Tuyết Mai
Tôi về VN đã 3, 4 lần rồi. Các chuyến trước, tôi về để ra Hà Nội xây lại sinh phần cho cha tôi và ông bà. Nhìn chung, VN thay đổi rất nhanh, nhất là Sài Gòn… Chỉ có điều Sài Gòn bây giờ đông người quá, đông đến độ tôi không dám băng qua đường và phụ nữ ai cũng bịt mặt, bao tay chứng tỏ không khí đang ô nhiễm nặng. Những lần trước tôi về thầm lặng để làm việc ơn nghĩa với đấng sinh thành. Lần này, tôi đuợc phòng trà Văn Nghệ mời về biểu diễn. Do phòng trà này quảng cáo nên có nhiều người biết tôi đang có mặt tại VN. Những đêm tôi diễn, rất nhiều khán giả đã chào đón tôi niềm nở… nên rất ấm lòng.

* Và bà đã hát rất nhiều để đáp lại tình cảm của khán giả?

ôi mê hát từ nhỏ nhưng vì hoàn cảnh không cho phép mình thỏa mơ uớc. Nhất là mẹ tôi, mẹ tôi rất gia giáo nên xem “xướng ca vô loài”, cấm tôi hát hò. Năm 1999, khi cụ qua đời và tôi được con gái tôi là Nguyễn Cao Kỳ Duyên khuyến khích nên mới lên sân khấu hát, được đánh dấu bằng đêm “Tình yêu trong âm nhạc” tại Houston (Mỹ) vào năm 2002.
 Đặng Tuyết Mai ở Nhật Bản
Trước 1975, tôi thường xuyên giao du với giới nghệ sĩ, nhất là các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương... Mỗi khi có bài hát mới sáng tác, anh Trịnh Công Sơn đều cho chúng tôi thưởng thức trước. Cái máu nghệ sĩ và cái không khí văn nghệ đã ăn vào tôi từ lúc đó. Khi sang Mỹ, tôi chủ yếu làm MC hay đi nói chuyện về các đề tài như: Tình yêu, Phụ nữ Việt và phụ nữ Tây… Bây giờ ở phòng trà Văn Nghệ cũng thế, chủ yếu là tôi nói chuyện về đủ thứ linh tinh rồi hát vài bài cho vui. Nhưng tôi luôn nói trước với khán giả là đừng có hỏi tôi về chuyện chính trị. Không phải là tôi không thể trả lời vì có ai cấm tôi đâu, nhưng thú thật là tôi chán ngán chuyện chính trị lắm rồi.

Ngày xưa, khi tôi kết hôn với anh Nguyễn Cao Kỳ, tôi đâu có mộng trở thành “bà tướng” hay “bà Phó Tổng thống”… Tôi muốn làm một người bình thường được tự do lựa chọn những gì mình thích. Nhưng số phận đã đưa đẩy tôi vào môi trường đó, mà số phận thì khó cưỡng lại được. Ngay cả chuyện tôi và anh Nguyễn Cao Kỳ ly dị cũng vì duyên phận đã hết thì biết làm sao.

* Đã sống trọn một đời nhiều thăng trầm, điều gì bà trân trọng giữ gìn nhất?

Tình cảm là quý nhất! Khi đang làm vợ một Phó Tổng thống tôi còn rất trẻ nhưng vì lễ nghi nên cấp dưới của anh Kỳ cứ “bẩm bà xưng con” khiến tôi không hài lòng và yêu cầu họ phải sửa đổi. Tôi chưa bao giờ xưng hô láo xược với họ mà lúc nào cũng gọi “ông” và dạy các con phải gọi họ bằng “chú”.
 Trong vai một ca sĩ
Biết tôi đang ở VN, có một cô giúp việc từng ở gia đình tôi trước kia bồng bế cả nhà đến phòng trà tìm tôi, mừng vui ôm nhau khóc. Cô ấy ngày xưa chỉ mười mấy tuổi giờ đã có cháu chắt. Cô còn mời tôi về nhà ăn cơm với gia đình và tôi đã đến vào ngày 19/7 vừa rồi, bữa ăn không “nem công chả phượng” gì nhưng khiến tôi vô cùng cảm động. Tình cảm là thế, không có điều gì có thể đánh đổi được.
 
Tôi là một phụ nữ Việt Nam mọi lúc mọi nơi!

* Là người tiếp xúc nhiều, bà có thể so sánh đôi chút về phụ nữ Việt và phương Tây?

Trong một đám đông nơi công cộng, hễ nghe một tràng cười quá lớn của một phụ nữ thì người đó chắc chắn không phải là người Việt hay Á Đông. Phụ nữ ta e ấp, thùy mỵ… chứ không tự do như Tây. Đó là nét mạnh cuốn hút của người phụ nữ VN, lại càng thêm duyên dáng trong tà áo dài.
 Chân dung Tuyết Mai
Tôi là một phụ nữ VN mọi lúc mọi nơi. Những phẩm chất của phụ nữ Việt tôi đã nhìn thấy và học được ở mẹ mình. Cha tôi mất lúc tôi 8 tuổi, nhưng mẹ tôi vẫn một mình tần tảo “buôn gánh bán bưng” suốt đời vì con cháu. Dù khó khăn đến mấy bà cũng không hề kêu than, đó là sự chịu đựng, hy sinh vĩ đại của các bà mẹ. Khi mới qua Mỹ cũng như bây giờ, không có ngựa xe đưa đón, không người hầu kẻ hạ… tôi vẫn làm lụng mọi việc trong gia đình như bất kỳ người đàn bà VN nào khác. Thậm chí còn vui sướng vì được tận tay chăm sóc cho chồng con, như thơ Tú Xương vậy!

* Nhiều người Việt xa quê luôn sợ con cháu mất gốc, vậy còn bà…?

Tôi có căn bản để dạy con cháu không bao giờ quên mình là người Việt. Tôi dùng văn chương Việt để dạy các con cháu, văn hóa Việt với tôi nằm trọn trong văn chương. Lần này về VN, tôi mang theo hai cháu nhỏ (8 và 12 tuổi), dự định ở lại VN khoảng 2 năm cho các cháu học tiếng Việt. Nhưng mọi chuyện còn tùy vào công việc sắp tới của tôi có được như ý không.
 
Muốn mở trường đào tạo giao tiếp cho quý bà quý cô

* Vậy bà dự định làm gì ở VN?

Tôi dự định mở trường đào tạo về những kỹ năng giao tiếp hằng ngày cho các quý bà quý cô. Đất nước ta đã mở cửa rồi, khách bốn phương vào VN làm ăn nhiều rồi nên chúng ta rất cần một “phong cách” khi giao tiếp với họ. Trường của tôi sẽ đào tạo cách đi đứng, nói cười…, cách bố trí một bàn tiệc, cách trang điểm bản thân sao cho xứng tầm một quý bà, quý cô. Vào một ngôi nhà bừa bộn hay tươm tất khách chỉ đánh giá người đàn bà của ngôi nhà ấy. Và tôi muốn làm sao người phụ nữ Việt trở thành niềm hãnh diện của các ông chồng.

* Như thế nghĩa là bà muốn về định cư hẳn ở VN?

Đúng vậy. Đó là tâm lý chung của những người đã có tuổi như tôi. Lá rụng về cội mà! Ngôi nhà hiện nay của tôi bên Mỹ được bài trí như một ngôi nhà Việt truyền thống. Trong nhà tôi xây cái am thờ để tụng kinh gõ mõ, vườn nhà trồng cây khế, thanh long, nhãn, vú sữa… không khác gì nhà ở VN.

Nói thật, tôi muốn về VN ở luôn nhưng tình hình kinh tế của tôi chưa cho phép. Việc đầu tiên phải lo công chuyện trước đã. Nhiều người đã xách mé hỏi tôi từng làm “phu nhân, bà lớn” giờ này “đi hát” thì ước mơ gì? Với những câu hỏi đó tôi thường trả lời nửa đùa nửa thật: ước ngày xưa mình “tham nhũng” thật nhiều! (Cười). Còn ước mơ thật của tôi là trên trái đất này chỉ có toàn những ông chồng chung thủy. Tôi thường ví von: Tại sao biển lại mặn như thế? Có phải vì nước mắt của triệu triệu đàn bà đã khóc từ cổ chí kim vì bị phụ bạc hay không?!

* Xin cảm ơn bà và chúc những dự định của bà được như ý!
 
Về VN biểu diễn lần này, bà Đặng Tuyết Mai đa phần hát các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Bà đã kể nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ họ Trịnh, chẳng hạn như khi nghe bài Mưa hồng trong đó có câu: “Em đi về cầu mưa ướt áo”, bà nói ngay với Trịnh Công Sơn: Ai cầu mưa ướt áo? Rồi bà tự trả lời: Các cô gái Huế cầu mưa ướt áo, vì chỉ có “ướt áo” mới khoe được vẻ đẹp thiên nhiên của mình một cách “danh chính ngôn thuận” trước các chàng trai. Nghe nói thế, Trịnh Công Sơn đã đứng dậy bắt tay bà cảm ơn vì hiểu nhạc của ông muốn nói gì. Còn nhạc sĩ họ Trịnh đã kể với bà tại sao có câu: “Vết mực nào xóa bỏ không hay” và “Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” trong ca khúc Cát bụi. Vì rằng, ở Huế, khi gia đình có người qua đời thì người nhà lên xã báo tử để gạch tên khỏi sổ quản lý nhân khẩu. Thường thì có một ông già làm việc này, ông già hỏi tên người mất rồi chậm rãi lấy bút chấm vào lọ mực gạch tên người quá cố nên Trịnh Công Sơn mới viết: “Vết mực nào xóa bỏ không hay”. Còn “Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” là tiếng búa đóng nắp quan tài…

Bà Đặng Tuyết Mai chẳng những am hiểu nhạc Trịnh mà còn rành rẽ nhiều chuyện khác trong văn hóa Việt.
 
Trần Hoàng Nhân
 

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›