Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sườn Tây núi Yên Tử, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh Bắc Giang huy động nguồn lực, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch.
Tăng cường đầu tư
Bắc Giang có hệ thống di tích danh thắng dọc sườn Tây núi Yên Tử nằm rải rác tại các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, có khả năng kết nối với một số khu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) và một số địa phương khác trong vùng. Thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch của tỉnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, các huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch để hút khách.
Đến nay, nhiều khu, điểm du lịch được du khách biết đến như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng); Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, suối Nước Vàng (Lục Nam); chùa Am Vãi, hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn); Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thác Ba Tia (Sơn Động)...
Là địa phương có nhiều chùa, đền nằm dọc sườn Tây Yên Tử nên huyện Lục Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan tại Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương; suối Nứa, xã Đông Hưng; suối nước Vàng, Thác Giót, xã Lục Sơn; vực Rêu, đền Thần Nông, xã Cẩm Lý. Cùng đó, nâng cấp, mở rộng đường giao thông giúp du khách thuận tiện di chuyển giữa các điểm du lịch, làng nghề truyền thống trên địa bàn”. Đáng chú ý, Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ với cảnh quan tự nhiên đẹp, nhiều hạng mục mới được đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp như: Cầu treo đền Trần, nhà hát văn, bãi đỗ xe… nên thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan. Riêng tháng 7 và 8/2022 có khoảng 21 nghìn lượt khách đến đây vãn cảnh.
Trong 5 năm qua, từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh, địa phương và nguồn xã hội hóa, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) được tu bổ, tôn tạo, xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản, khuôn viên cây xanh, sân tổ chức lễ hội, tam quan và một số hạng mục phụ trợ, tổng trị giá hơn 35 tỷ đồng.
Nhằm xây dựng nơi đây thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch khám phá Tây Yên Tử, năm 2021, UBND huyện Yên Dũng kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo chùa Thiên Lai, đền Thanh Nhàn, chùa Kem (thị trấn Nham Biền); xây dựng đường giao thông kết nối từ Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đi chùa Kem; hoàn thành Đề án trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Bên cạnh du lịch văn hóa tâm linh, UBND huyện tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Năm nay, huyện phấn đấu đón 125 nghìn lượt du khách.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết
Để thu hút du khách đến Bắc Giang nhiều hơn, từ cuối năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội thảo liên kết phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành có uy tín đã gợi mở cho tỉnh nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút phát triển du lịch. Sau hội thảo đã có nhiều doanh nghiệp lữ hành về tỉnh khảo sát, xây dựng tour, tuyến. Từ ngày 1/8 đến 31/10/2022, Liên minh Du lịch hành trình tâm linh (chủ yếu là các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội) triển khai chương trình “Theo dấu chân Phật Hoàng”. Các đơn vị đã đưa một số đoàn khách đến tham quan, vãn cảnh, trải nghiệm.
Đặc biệt, giữa tháng 8/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương, giai đoạn 2022 -2025 trong nhiều lĩnh vực. Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTTDL, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, hiện nay, đơn vị đang tích cực phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh tham mưu chương trình ký hợp tác thỏa thuận phát triển du lịch giữa 3 tỉnh. Tổ chức tọa đàm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng chương trình du lịch với định hướng “một hành trình, ba điểm đến”. Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành 5 không gian du lịch chủ yếu, trong đó có không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”; phục dựng các điểm di tích “Theo dấu chân Phật Hoàng” và không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf. Xây dựng, phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang. Theo dự thảo Đề án phục dựng “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” do Sở VHTTDL tham mưu xây dựng dài khoảng 95 km trải dài địa bàn 3 huyện: Lục Nam, Sơn Động và Yên Dũng. Không gian của con đường từ chùa Vĩnh Nghiêm đến các điểm như chùa Hòn Tháp, đền Quan Tuần, chùa Hóa, chùa Rào, đền Bà Chúa, chùa Đám Trì, thác Giót, suối nước Vàng (Lục Nam); chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh). Đây được cho là con đường bộ hành tâm linh độc đáo nhất tại Việt Nam, góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc biệt gắn với vùng đất thiêng Tây Yên Tử.
- Hà Nội nhận giải thưởng 'Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022'
- Biểu tượng du lịch Hồng Kông hoạt động trở lại sau khi tu sửa
- Hợp tác khai thác, phát triển du lịch của các tỉnh có di sản Then
Cùng với đẩy mạnh liên kết, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 293; phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng tuyến đường nối từ thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) đến TP Hạ Long. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, điểm du lịch. Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, địa phương cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, lĩnh vực “công nghiệp không khói” của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc, góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương, tạo việc làm, mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển KT-XH giữa Bắc Giang với các vùng lân cận.
Hành trình khám phá Tây Yên Tử
Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, trải dài từ các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.
Núi Yên Tử thuộc dãy Đông Triều, dãy núi cao của vùng Đông Bắc, nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Theo sử sách, sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh), nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của người. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông rời kinh thành thượng sơn từ sườn Tây Yên Tử, nhập niết bàn trên núi Ngọa Vân. Sư tổ Pháp Loa và đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây Yên Tử hành đạo Phật sự của Trúc Lâm. Các hòa thượng tiền bối Trúc Lâm cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở vùng Bắc Giang. Chứng tích là hàng trăm công trình xây dựng kiến trúc thời Trần ở các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động có nhiều ngôi chùa thiêng như: Am Vãi, Bình Long, Yên Mã, Sơn Tháp, Đàm Trí, Hồ Bấc. Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) là di tích quốc gia đặc biệt, có mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tây Yên Tử - nơi phát tích và hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam thế kỉ XI đến XIV từng là Trung ương của Phật giáo thiền phái Trúc Lâm.
Từ chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) ngược lên sườn Tây Yên Tử chính là nơi Phật pháp Trúc lâm được hoằng dương rộng rãi, phát triển rộng khắp ở Bắc Giang. Nhờ vậy, hàng trăm công trình kiến trúc chùa tháp được xây dựng. Ngoài những ngôi chùa ở dưới đồng bằng như Vĩnh Nghiêm, Bảo An, Khám Lạng… một loạt các ngôi chùa được dựng trên núi cao có cảnh quan kỳ thú. Những ngôi chùa bên sườn Tây Yên Tử có cảnh quan đẹp như chùa Hồ Bấc, chùa Mã Yên, Sơn Tháp… tất cả đều gắn với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Để đi đến Tây Yên Tử phải đi theo tuyến đường tâm linh 293, tuyến đường nối ba khu du lịch tâm linh và sinh thái: Tây Yên Tử – Khu du lịch Suối Mỡ – Chùa Vĩnh Nghiêm. Đi theo tuyến đường này, du khách có thể tham quan, chiêm bái cảnh chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, ngôi chùa được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ 3050 bản ván khắc được UNESCO công nhận là di sản Tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Sau khi vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm theo chuyến hành trình về Tây Yên Tử, một địa danh hấp dẫn không thể bỏ qua chính là khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Lục Nam. Với diện tích hơn 1.000 ha, thắng cảnh Suối Mỡ nằm trọn trong một thung lũng lớn của dãy núi Huyền Đinh Yên Tử. Được thiên nhiên ưu ái, cảnh sắc núi rừng nơi đây trùng điệp với dòng nước mát lành chảy ra từ các khe suối tạo thành những dòng thác lớn nhỏ len theo các vách núi. Giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của Khu Suối Mỡ gắn liền với 3 đền: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng thờ thánh mẫu Thượng Ngàn. Hội đền suối Mỡ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Đến với Suối Mỡ vào dịp lễ hội (31/3 và mồng 1/4 âm lịch), du khách sẽ được hòa mình vào những màn hát văn độc đáo và hấp dẫn.
Địa điểm cuối cùng trong chuyến hành trình là khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử thuộc xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Khu du lịch được quy hoạch với tổng diện tích gần 14.000 ha, được chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1000m, kết nối với tương Phật Hoàng Trần Nhân Tông và chùa Đồng trên đỉnh Tây Yên Tử. Khu du lịch đã hoàn thành đầu tư giai đoạn I và đi vào phục vụ du khách từ đầu năm 2018.
Hành trình tham quan của du khách sẽ bắt đầu từ chùa Hạ nằm ở độ cao 145m. Vào chùa Hạ du khách được chiêm bái tượng đồng của Tam tổ Trúc Lâm với tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi nặng 700 kg; hai pho tượng Pháp Loa và Huyền Quang trong tư thế đứng, mỗi pho nặng hơn 300 kg. Sau khi thành tâm kính lễ tại chùa Hạ du khách sẽ tiếp tục hành trình để đi đến chùa Thượng. Vượt qua cầu cảnh quan sang khu vực Nhà ga cáp treo tuyến chùa Hạ - chùa Thượng. Với chiều dài hơn 2 km với công suất vận chuyển 1500 đến 1700 khách/giờ. Ngồi trên cabin du khách có thể nhìn ngắm khung cảnh núi rừng hùng vĩ, cảnh sắc sơn thủy hữu tình của Tây Yên Tử từ trên cao.
Chùa Thượng nằm ở độ cao 800 m, cách chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử 700 m theo đường chim bay. Chùa Thượng là đích đến của hành trình leo núi và thực hành thiền của Thiền phái Trúc Lâm với ba pho tượng đồng uy nghi của Trúc Lâm Tam tổ gồm Nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng 200 kg, Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang, mỗi pho nặng 130 kg được rước từ chùa Vĩnh Nghiêm lên đầu tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Từ chùa Thượng đi bộ lên chùa Đồng nằm ở độ cao 1068 m điểm cuối của chuyến hành trình mất khoảng 30 phút. Khi đứng nơi chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử, du khách sẽ cảm nhận được sự linh thiêng của Phật pháp, vẻ đẹp núi non mây trời.
Hiện nay, Bắc Giang đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó có phát triển tuyến du lịch Tây Yên Tử với sự kết hợp khai thác thế mạnh tổng hợp các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái - du lịch tâm linh, xen kẽ là du lịch thể thao leo núi, du lịch nghỉ dưỡng…Để quảng bá cho tuyến du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, từ năm 2018 tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử, năm 2019 tổ chức Tuần Văn hóa du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”. Sự kiện đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu và khám phá. Qua đó, tạo cơ hội để tỉnh quảng bá di sản văn hóa, tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đến nhân dân trong tỉnh, trong nước, du khách quốc tế.
Bên cạnh đó tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng, kết nối tour tuyến để tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch cũng như phát huy các di sản văn hóa tâm linh của các địa phương; trải thảm nhựa tuyến đường 293 với tổng kinh phí 60 tỷ đồng; hoàn thiện tuyến nhánh vào Tây Yên Tử đoạn từ thị trấn Thanh Sơn đi đèo Hạ My (Sơn Động). Để tiếp tục kết nối mạch nguồn tâm linh cho phát triển tuyến du lịch này, hiện nay tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu để khôi phục lại con đường hoằng dương Phật pháp của vua Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Thảo Nhi
Tags