Tỉnh Bắc Ninh vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét thẩm định hồ sơ 4 hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt tiêu biểu về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử... để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022.
Tỉnh Bắc Ninh vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét thẩm định hồ sơ 4 hiện vật gồm: Tượng Quan Thế Âm bằng đá, niên đại thời Lê Sơ (1449) ở chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự) xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ; Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại Lê Trung hưng (1648) ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình và 2 hiện vật của bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng) là Bình vôi vàng thời Mạc và Thạp đồng văn hóa Đông Sơn để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022. Đây là những hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt tiêu biểu về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử...
Là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hệ thống di tích lịch sử văn hóa đặc sắc của Bắc Ninh ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh với mật độ cao, khoảng 1589 di tích các loại.
Hiện Bắc Ninh có 14 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia: Tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích, huyện Tiên Du; Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành; Bia “Xá Lợi Tháp Minh” tại Bảo tàng Bắc Ninh; Rồng đá (Xà thần) đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình; Ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành; Bộ tượng 10 linh thú chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du; Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu hiện thờ tại chùa Dâu, chùa Phi Tướng (xã Thanh Khương) và chùa Dàn (xã Trí Quả), huyện Thuận Thành; Cột đá chạm rồng chùa Dạm, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh; Cửa võng đình Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh; 12 bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh; Bộ tượng phật Tam Thế chùa Bút Tháp; Hương án chùa Bút Tháp; Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp; Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác tại Bảo tàng Bắc Ninh.
Mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị lịch sử, nghệ thuật qua từng thời kỳ của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc, mỗi bảo vật quốc gia là một tài sản vô cùng quý giá mà ông cha sáng tạo, trao truyền cho hậu thế. Những năm qua, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh luôn trân trọng bảo vệ, gìn giữ. Cơ quan chuyên môn nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ khoa học nhằm tiếp tục bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị trong xã hội đương đại.
Bắc Ninh cũng ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 6-5-2021 về việc Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để làm căn cứ pháp lý cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia. Các di tích có bảo vật quốc gia được quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tu bổ chống xuống cấp, chống mối thường xuyên và có lắp đặt camera an ninh giám sát, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các hiện vật.
Hàng ngày, tại điểm di tích cử người trực trông coi, bảo vệ và thuyết minh về giá trị bảo vật. Thời gian qua một số di tích như: Chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, đền thờ Lê Văn Thịnh, chùa Linh Ứng, đình Diềm... đã được lập dự án và đầu tư tu bổ, tôn tạo. Một số bảo vật quốc gia xuống cấp được tu bổ là Cửu Phẩm Liên Hoa, Bộ tượng phật Tam Thế chùa Bút Tháp, Hương án chùa Bút Tháp...
Đối với các bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh được bảo vệ tuyệt đối an toàn, như bia “Xá Lợi Tháp Minh” đang được bảo quản trong tủ kính cường lực, có biển chú thích rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh; trưng bày thường xuyên phục vụ khách tham quan nghiên cứu. Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác gồm 1.183 đơn vị mộc bản (ván khắc) được trang bị 2 giá đỡ để sắp xếp từng đơn vị mộc bản riêng, không chồng xếp lên nhau. Hàng năm Mộc bản đều được kiểm tra, chống mối mọt thường xuyên và định kỳ.
Năm 2020-2021, tỉnh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất 80 tập phim quảng bá di sản văn hóa, trong đó mỗi bảo vật quốc gia tương ứng với một tập phim, thời lượng phát sóng từ 5-6 phút/tập. Ngoài ra, còn xuất bản các ấn phẩm văn hóa khác; xây dựng một số tour du lịch đưa khách tham quan về các di tích có bảo vật quốc gia; gắn nội dung phát huy giá trị các bảo vật quốc gia với đề án phát triển du lịch...
Tuy nhiên việc bảo tồn phát huy giá trị bảo vật còn gặp không ít thách thức, bất cập. So với trước thời điểm công nhận, hầu hết các bảo vật hiện vẫn được áp dụng một điều kiện bảo quản chung như các hiện vật thông thường, chưa có nguồn kinh phí riêng nên việc bảo quản chưa có nhiều khác biệt. Bảo vật được tạo tác bằng các chất liệu khác nhau, phân bố ở nhiều di tích cũng gây khó khăn cho công tác bảo vệ. Những giải pháp phát huy giá trị bảo vật quốc gia vẫn mang tính chung chung. Hầu hết các bảo vật ở trong di tích đều chưa có biển chỉ dẫn giới thiệu là bảo vật quốc gia nên du khách vẫn khó phát hiện để có điều kiện chiêm ngưỡng kỹ lưỡng. Một số bảo vật quốc gia ở ngoài trời như cột đá chùa Dạm, 10 tượng linh thú đá chùa Phật Tích vẫn chưa có biện pháp bảo quản tốt.
Để ứng xử đúng tầm với những báu vật độc nhất vô nhị cần phải có phương án áp dụng riêng, phù hợp với từng hiện vật, từng chất liệu. Chính vì vậy, tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia về bảo quản, căn cứ theo loại hình để xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể nhằm bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia theo quy trình, quy tắc, kỹ thuật bảo quản.
Thảo Nhi
Tags