Bài chòi ngày tết (Kỳ 1): Thong dong theo hội bài chòi xuân

Chủ nhật, 18/02/2018 07:59 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hẳn ai đã từng có tuổi thơ gắn liền với mảnh đất duyên hải Trung bộ sẽ không ít thì nhiều cũng có ấn tượng với những cái tết quê ở đây. Và một trong những lễ hội không thể thiếu ở những sân đình, sân chợ, nơi hội họp chung của cả làng ngày xuân chính là hội đánh bài chòi truyền thống. Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thong dong chính là từ có thể diễn tả hết tâm thế  thư thái của người dân quê khi họ tham gia vào hội bài chòi tết ngay trên chính mảnh đất mà mình gắn bó suốt mấy trăm năm qua. Bởi đi đến hội bài chòi nghĩa là họ hòa nhập vào lễ hội mùa xuân mà quên đi những mệt mỏi thường ngày của người dân quê chân lấm tay bùn.

Cùng nghe tiếng vọng xa xưa

Có lẽ, nói về nguồn gốc của bài chòi hẳn còn nhiều tranh cãi xem thực chất nó xuất phát từ địa phương nào nhưng hầu hết các cứ liệu lịch sử có tính thuyết phục khả quan thì đều cho rằng đó là công lao rất lớn của Đào Duy Từ khi ông đã quy chuẩn hóa trò chơi dân gian này. Và từ đó đến thế kỷ XIX thì những đặc trưng đặc sắc nhất của môn nghệ thuật dân gian này mới thật sự định hình và thịnh vượng.

Chú thích ảnh
Đài Truyền hình VTV tại Phú Yên góp phần quảng bá và tổ chức các kỳ Liên hoan nhằm tìm kiếm tài năng về nghệ thuật bài chòi tại các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ. Một màn giới thiệu về nghệ thuật bài chòi tại Liên hoan tổ chức tại Bình Định. Ảnh: Hoa Khá

Thời đó, bài chòi chỉ được chơi vào mỗi dịp tết đến xuân về. Vào những ngày cuối cùng của tháng chạp, tại sân đình hoặc sân chợ, các chòi được dựng lên một cách nhanh chóng bằng tre hoặc gỗ, mái lợp tranh đơn giản. Một sân chơi bài chòi thường được bố trí thành hình chữ nhật (chứ không phải theo hình chữ U như mọi người lầm tưởng lâu nay).

Theo đó, hai bên sân bài chòi, người ta sẽ dựng mỗi bên bốn chòi con, giữa hai hàng chòi đó sẽ có một chòi trung ương. Tại chòi trung ương, nếu đúng điệu của một hội bài chòi dân gian truyền thống thể nào cũng treo hai bên câu đối: “Chín chòi lẳng lặng mà nghe hiệu hô mõ đáp/ Một hội vui vầy thử vận hài tới trống vang” bằng chữ thuần Việt.

Chòi trung ương lúc nào cũng được dựng to và hoành tráng hơn tám chòi con còn lại. Chòi này thường dành cho các bậc cao niên trong làng bởi nó đối diện với bàn hội đồng. Bàn hội đồng là bàn thường dành cho chức sắc và hào phú trong làng. Đó chính là mô hình hình chữ nhật của một sân bài chòi, khán giả sẽ đứng xung quanh đó.

Từ sáng Mùng Một tết, khi nghe tiếng trống khai trường (thường là ba hồi chín tiếng hoặc một hồi chín tiếng hoặc ba tiếng theo quan niệm xuân tam) thì những người dân trong làng lại nô nức kéo nhau tới sân bài chòi để dự hội. Họ sẽ mua thẻ bài chòi, có chín thẻ được bán ra cho chín chòi tham gia.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội đánh bài chòi dân gian tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) trong các dịp Tết cổ truyền, tạo sân chơi văn hóa cho người dân địa phương. Ảnh: Hoa Khá

Cái độc đáo của bài chòi chính là các hiệu. Hiệu là những người phụ trách hô bài, mang bài tới cho người tham gia và phát quà cho người chiến thắng. Chính vì có các hiệu nên dù chỉ có chín chòi nhưng tất cả khán giả đều sẽ được tham gia vào hội đánh bài chòi này. Bởi họ sẽ được hòa theo những điệu hô câu thai của các hiệu chính, được ngóng chờ nghi thức dâng khay cờ cho chòi chiến thắng.

Câu hô: “Hiệu phát bài đã đủ, cho hiệu thủ bài tì” là câu mở màn một ván bài chòi làm người tham gia xúc động đợi chờ nhất.

Nếu đúng một hội bài chòi truyền thống thì khi bài tới (nghĩa là có chòi đã xuống hết bài), ba hiệu tham gia hội sẽ đến bàn hội đồng và một hiệu sẽ hô: “Vâng lịnh, lĩnh lấy khay tiền, hiệu khẩn cấp dâng cờ đệ nhất (hoặc nhị, tam…)”, một hiệu sẽ nhận khay từ bàn hội đồng gồm có cờ, rượu và tiền, một hiệu sẽ cầm mõ gõ nhịp đến chòi chiến thắng. Chòi chiến thắng sẽ nhận cờ, rượu và tiền nhưng họ phải chừa lại một ít lại khay để ủng hộ hội bài chòi.

Cứ như thế hội bài chòi diễn ra khoảng bảy ván và tùy theo địa phương thường sẽ có khoảng 3 đến 7 hội bài chòi trong một dịp tết đến như vậy.

Chú thích ảnh
Đông đảo người dân trong tỉnh Bình Định tham gia trong các ngày Hội bài chòi. Ảnh: Hoa Khá

Trò vui mang tính nghệ thuật dân gian

Người thường khi nghe hai chữ “bài chòi” sẽ ngỡ đó là một môn cờ bạc nhưng thực chất không phải vậy. Dù rằng con bài chòi được biến tướng từ con bài tam cúc nhưng mục đích của bài chòi và cách thức chơi nó lại cho thấy đây chỉ là một trò giải trí dân gian mang tính nghệ thuật cộng đồng chứ không hề có mục đích ăn thua cá cược ở đây.

Người mua thẻ lên chòi chơi thì nếu chiến thắng chỉ nhận một số tiền rất tượng trưng nhưng họ sẽ rất vui bởi như vậy họ cảm thấy mình cầu may và cầu phúc đầu năm thành công. Còn khán giả thì được dịp thưởng lãm một hội chơi linh đình và thú vị.

Ai tham gia hội bài chòi thể nào cũng được nghe câu: “Tiền tài như phấn thổ/ nghĩa trọng tợ thiên kim” (tiền tài như bụi đất/ nghĩa nặng như nhìn vàng).

Và đây là một trò chơi dân gian, do người dân hùn sức dựng lên các hiệu khỏi lo chuyện thua thiệt khi tham gia trò chơi này. Nếu như hội bài chòi diễn ra suôn sẻ trong mấy ngày tết thì ngoài tiền thu được từ bán thẻ bài các hiệu còn được thưởng tiền từ chức sắc và hào phú ngồi bàn hội đồng thưởng cho. Họ sẽ gom lại và chia đều nhau, còn dư sẽ để dành tổ chức hội năm sau. Còn nếu như bị lỗ thì thời đó mỗi xóm trong làng có một lẫm lúa chung, họ sẽ trích ra ba vuông lúa, bán đi và lấy tiền góp lại ủng hộ các hiệu.

Tất cả mọi người dù lên chòi hay đứng dự khán đều được tham gia nghe các hiệu diễn (làm trò) và xướng (hô câu thai) nên họ đều cám thấy mình được dự phần vào một hoạt động chung của làng xã, họ đều cảm thấy mình đang hòa hợp vào đời sống của cộng đồng. Đây là một hoạt động gắn kết mối dây liên hệ giữa những dân duyên hải Trung bộ với nhau.

Chú thích ảnh
Các anh, chị Hiệu bài chòi tận tình phục vụ người dân. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Ban nhạc (bằng nhạc cụ dân tộc) phục vụ ngày hội. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Các em thiếu nhi cùng tham gia vui chơi trong ngày hội. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Niềm vui của khán giả khi được nhận thưởng. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Ảnh: Hoa Khá

 

Ly kỳ nguồn gốc của bài chòi

Ly kỳ nguồn gốc của bài chòi

Về nguồn gốc, lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật này đã có một số tài liệu của người Việt Nam và nước ngoài đề cập ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Văn Đồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›