(Thethaovanhoa.vn) - Một bản in từ cuối thế kỷ 18 tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng (Dream of the Red Chamber), của nhà văn Trung Quốc Tào Tuyết Cần, đã đạt giá 24,03 triệu NDT (3,53 triệu USD) tại một cuộc đấu giá ở Bắc Kinh do hãng China Guardian tổ chức.
- Tân Hồng lâu mộng không thu hút khán giả
- Ngắm nàng Tần Khả Khanh của Tân Hồng Lâu Mộng
- Tân Hồng lâu mộng: Trang phục quá sexy!
Cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng được nhà văn đời Thanh (1644-1911) Tào Tuyết Cần viết vào khoảng giữa thế kỷ 18. Hồng Lâu Mộng là một trong “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc.
Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Tiểu thuyết đã được dịch ra 20 thứ tiếng phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Italia, Nhật và tiếng Việt.
Tiểu thuyết thuật lại thời kỳ thịnh vượng và suy tàn của hai gia đình quý tộc giàu có và qua đó bộc lộ những gì đen tối trong xã hội Trung Quốc thời đó.
Người ta cho rằng cốt truyện dựa trên hiện thực của chính dòng họ, gia đình Tào Tuyết Cần trước đây, là chuỗi tự sự lớn nhất của đời ông, như là một sự nuối tiếc thời kỳ vàng son rực rỡ, đồng thời nó cũng phản ánh bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc giai đoạn ông sống.
Tào Tuyết Cần sinh ra trong một gia đình đại quý tộc. Ông nội Tào Dần còn là một danh sĩ nổi tiếng vùng Giang Ninh, đã từng in bộ Toàn đường thi nổi tiếng. Nhưng đến đời của Tào Tuyết Cần, tất cả sự giàu sang quyền quý huy hoàng của gia đình đã trở thành quá khứ.
Gia đình gặp đại họa, cha mắc tội, bị cách chức, hạ ngục, tịch biên tài sản. Ông đã phải sống trong những ngày cay đắng nhất của đời mình với nghèo khổ, đi khắp nơi để mưu sinh.
Mười năm cuối đời ông đã dồn toàn bộ trí lực để tạo nên kiệt tác Hồng Lâu Mộng. Tác phẩm đã được ông sửa chữa 5 lần trong cảnh cùng khốn, ốm đau không tiền mua thuốc, con chết.
Khi ông còn sống tác phẩm đã không hoàn thành và không được công bố. Sau khi ông qua đời, hai mươi tám năm sau, Cao Ngạc đã dựa vào di thảo của ông để hoàn thành nốt bằng việc viết tiếp 40 hồi.
40 chương sau của Hồng Lâu Mộng được Cao Ngạc viết tiếp không hay như 80 chương đầu vì ông không có được trải nghiệm đau đớn như Tào Tuyết Cần.
Nhưng với 40 chương mang đến cho tác phẩm sự trọn vẹn, cho thấy Cao Ngạc cũng là người đã sống với tác phẩm và nghiên cứu rất kỹ về văn phong của tác giả.
Hồng Lâu Mộng được viết bằng bạch thoại (ngôn ngữ bình dân) thay vì văn ngôn, mặc dù Tào Tuyết Cần rất giỏi cổ văn và thơ phú. Các đoạn hội thoại trong Hồng Lâu Mộng dựa trên tiếng Quan Thoại Bắc Kinh, cơ sở của tiếng Trung Quốc hiện đại.
Phiên bản Hồng Lâu Mộng vừa được đấu giá là mộc bản có hình minh họa và được phát hành vào năm 1791. Đây là một trong số những bản in lâu đời nhất của tiểu thuyết này.
Nhiều năm trở lại đây, các bản in cổ được nhiều nhà sưu tầm tìm mua và việc một phiên bản cổ Hồng Lâu Mộng đạt giá cao như vậy chứng tỏ xu hướng này vẫn đang phát triển.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp
Tags