Theo Báo Restaurant News hôm 6/10, từ rất lâu trước khi hệ thống hàng ăn nổi tiếng Chipotle mở cửa hồi tháng trước tại thủ đô Washington (Mỹ) với bánh mì Việt Nam là một món ăn chính, thì chuỗi cửa hàng Lee Sandwiches đã có tới 43 địa điểm với số lượng còn tiếp tục tăng.
"Bánh mì" có chỗ trong từ điển The Oxford English Dictionary. Ảnh: city.wk.
Tại trung tâm tài chính New York, cửa hàng Baoguette mới đi vào hoạt động được 2 năm đang có kế hoạch mở địa điểm thứ 5 để bán bánh mì Việt Nam. Trước đây bánh mì Việt Nam thường chỉ xuất hiện ở những quán ăn dành cho người Việt hoặc châu Á thì nay đã có mặt thường xuyên trong thực đơn, từ đầu bếp trưởng nổi tiếng David Chang tại New York, cho đến các xe tải nhỏ Nom Nom bán thực phẩm ở Los Angeles và San Francisco.
Khái niệm bánh mì đang ngày càng thân thuộc và không có gì ngạc nhiên khi vào một cửa hàng ăn, dù không hiểu tiếng bản địa, nhưng bạn sẽ nghe rất rõ tiếng khách hàng yêu cầu món "bánh mì" cho thực đơn của mình. "Bánh mì" ở đây là một món bánh mì dài kẹp truyền thống với một ít rau tươi, trộn nước thịt, có thể thêm pa tê và mayonaise. "Bánh mì Việt Nam" thông thường làm từ bột mì và bột gạo với vỏ bánh cứng. Các ông chủ của cửa hàng lớn cho biết, đây chính là "bản sắc" của bánh mì sẽ xuất hiện trước đông đảo người dân tại các thành phố khắp nước Mỹ.
Một trong những chuỗi cửa hàng bánh mì lớn nhất nước Mỹ là Lee’s Sandwiches, đặt trụ sở ở San Jose, bang California với 43 cửa hàng tại 5 bang khác. Giám đốc phụ trách marketing của Lee’s Sandwiches Thang Hoang cho biết, sẽ có thêm 15 cửa hàng mới từ giờ đến cuối năm. "Chúng tôi là người Việt Nam", Thang Hoang nói, "và chúng tôi biết bánh mì của chúng tôi là ngon nhất". Trong khi đó, chuỗi cửa hàng của Michael Bao và vợ Thao Nguyen, Baoguette, bắt đầu từ một cửa hàng bánh mì Việt Nam tại New York năm 2009. Và họ đã có thêm 4 cửa hàng khác trong vòng hai năm, thậm chí còn đang ý tưởng đưa tên tuổi cửa hàng vượt ra ngoài phạm vi New York.