(Thethaovanhoa.vn) - “Trước thực trạng một số bảo vật quốc gia bị xâm hại và hỏng hóc nghiêm trọng, đặc biệt sau khi Bộ VHTTDL ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng, hoàn thiện và triển khai các phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nghiêm túc triển khai, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ bảo quản…”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.
Sẽ là nhắc lại quá nhiều, nhưng sự tổn hại nghiêm trọng bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí vẫn luôn là một nỗi đau của giới nghề. Bảo vật quốc gia để giữ gìn sự tồn tại và kiêu hãnh thì chỉ sự nâng niu thôi là không đủ, mà còn cần cả sự ứng xử đúng chuẩn mực, đúng cách.
Đạo đức và trình độ
Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nơi sở hữu 20 bảo vật quốc gia với những loại hình, chất liệu và niên đại khác nhau, công tác bảo quản được đánh giá là một hoạt động trọng tâm. Từ nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thành lập, xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ bảo quản chuyên trách, chuyên nghiệp và tay nghề cao để đáp ứng nhiệm vụ này.
Vấn đề trình độ và đạo đức nghề nghiệp đã và đang tiếp tục là câu chuyện đặt ra đối với công tác bảo quản, tu sửa và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Vụ việc bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” chính là bằng chứng cho thấy sự thiếu thốn về đội ngũ cũng như trình độ rất có vấn đề của những người được giao trọng trách giữ gìn các bảo vật của đất nước.
Ngoài việc củng cố, nâng cao đạo đức làm nghề của đội ngũ làm công tác bảo quản, định hướng tiếp theo được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đặt ra là tiếp tục duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường bảo quản, luôn đảm bảo hiện vật bảo tàng nói chung và bảo vật quốc gia nói riêng được bảo quản trong môi trường ổn định, phù hợp với từng chất liệu. Trong đó, công tác bảo quản phòng ngừa là một ưu tiên hàng đầu.
Giới nghề di sản hẳn vẫn còn nhớ vụ việc từng xảy ra với bảo vật quốc gia vô giá như bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý, một trong 37 bảo vật quốc gia được công nhận năm 2013, lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), bị xâm phạm ngay trước lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia; hay cách ứng xử , bảo quản không tương xứng đối với bộ sưu tập 3 khẩu súng thần công cổ thời Nguyễn, được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh…
Thực tế vấn đề ứng xử còn nhiều bất cập đối với các bảo vật quốc gia, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo đối với không ít hiện vật đã và đang khiến dư luận thực sự lo ngại. Chia sẻ kinh nghiệm của một Bảo tàng hàng đầu về công tác bảo quản, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Cường cho biết, 20 Bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng gồm các chất liệu chính như kim loại, gốm, giấy, đá, gỗ. Tùy theo chất liệu và hiện trạng cụ thể của từng hiện vật, việc bảo quản được thực hiện theo đúng các nguyên tắc bảo quản hiện vật bảo tàng. Đặc biệt, bảo tàng luôn duy trì chế độ bảo quản phòng ngừa nghiêm ngặt, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng hiện vật.
Nhiều khó khăn chực chờ
Theo các chuyên gia bảo quản giàu kinh nghiệm, việc bảo quản phải tùy thuộc vào chất liệu, đặc điểm của từng hiện vật để có phương pháp phù hợp. Ví dụ, đối với hiện vật chất liệu kim loại có niên đại sớm như chất liệu đồng Đông Sơn, việc duy trì độ ẩm thấp và ổn định là vô cùng quan trọng. Với chất liệu giấy, bên cạnh điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ, yêu cầu về ánh sáng cũng được Bảo tàng đặc biệt quan tâm, hạn chế tối đa thời gian chiếu sáng cũng như sử dụng các nguồn sáng (ánh sáng tự nhiên, các loại đèn có hàm lượng tia tử ngoại cao) tiếp xúc với hiện vật. Đối với những hiện vật trưng bày ngoài trời như Bia Nam Giao, Bia Võ Cạnh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có phương án làm mái che, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo quản khoa học để giảm thiểu rong rêu và độ mài mòn.
Đẩy mạnh thực hiện các dự án hợp tác quốc tế với các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Bỉ... trong lĩnh vực bảo quản, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cán bộ trong và ngoài nước để nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng bảo quản cũng là một trong những “bí quyết” mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã áp dụng. Theo đó, các chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn, phối hợp thực hiện bảo quản, tu sửa một số hiện vật giá trị. Nhóm hiện vật Mộ Việt Khê là một trong số các bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng đã được các chuyên gia CHLB Đức giúp đỡ bảo quản.
Với những ưu thế thuận lợi của một Bảo tàng hàng đầu cả nước, cũng như nhiều địa chỉ may mắn sở hữu các bảo vật vô giá của đất nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng phải đối diện với không ít thách thức dẫn đến sự xuống cấp của nhiều hiện vật bảo tàng như tác động của thời tiết, khí hậu, hệ thống trang thiết bị chưa đạt chuẩn… Theo ông Cường, do mức đầu tư kinh phí có hạn nên công tác kiểm soát môi trường kho còn gặp nhiều khó khăn để đạt được các thông số kỹ thuật theo yêu cầu. Trong bảo quản phòng ngừa, việc kiểm soát điều kiện nhiệt độ, độ ẩm tương đối trong giới hạn cho phép và ổn định là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống điều hòa trung tâm, máy hút ẩm của bảo tàng đã cũ, không đủ công suất để kiểm soát môi trường theo ý muốn. Mặt khác, vì lý do an toàn, hết giờ hành chính nguồn điện bị cắt, kéo theo hệ thống điều hòa, máy hút ẩm trong các kho ngừng hoạt động, rất khó khăn để duy trì các thông số môi trường ổn định, độ ẩm tương đối không thay đổi quá 5% trong vòng 24h.
“Có nhiều hiện vật đang được trưng bày trên hệ thống là các Bảo vật quốc gia như Trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Thạp Đào Thịnh, Mộ Việt Khê, Chuông Vân Bản..., tuy nhiên nhà trưng bày hiện nay lại chưa có được trang thiết bị kiểm soát môi trường, đặc biệt là kiểm soát độ ẩm…”, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ. Để khắc phục khó khăn này, theo các chuyên gia Bảo tàng, cần tăng cường đầu tư, lắp đặt thiết bị kiểm soát môi trường nhiệt độ, độ ẩm tương đối, ánh sáng đạt chuẩn tại hệ thống kho bảo quản và trưng bày nhằm đảm bảo kiểm soát tốt môi trường lưu giữ và trưng bày hiện vật theo đúng yêu cầu của kỹ thuật bảo quản.
Hà Phương/ Báo Văn hóa
Tags