(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam với ba dự án thành phần: dự án trưng bày bảo tàng; dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu; dự án tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng.
Ngày 21/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng bảo tàng. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố Quyết định và ra mắt bảo tàng đã được tổ chức trọng thể ngày 16/8/2017.
Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã, đang được tiếp tục triển khai với trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. Dự án trưng bày triển khai cùng dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Ngày 19/6/2020, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai trương trưng bày tại bảo tàng.
- Nhà báo Hồ Quang Lợi và những kỷ niệm về nước Nga
- Nhà báo Hồ Quang Lợi ra sách về Hà Nội sau mở rộng
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã có cuộc trao đổi với các phóng viên thông tấn báo chí về vai trò của Bảo tàng Báo chí Việt Nam; ý nghĩa của bảo tàng đối với thế hệ trẻ, nhất là các bạn trẻ có đam mê theo đuổi nghề báo.
* Theo ông, việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm báo cả nước?
- Báo chí là tấm gương soi xã hội vì thế đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người xem không chỉ thấy lịch sử của báo chí Việt Nam, còn thấy được lịch sử của đất nước, của dân tộc, thấy được dòng chảy của lịch sử, của văn hóa và lịch sử của đấu tranh, phát triển của đất nước. Khi tờ báo đầu tiên - "Gia Định báo" xuất hiện (ngày 15/4/1865), là lúc báo chí Việt Nam bắt đầu hình thành, cho đến những ấn phẩm sau đó, người xem sẽ cảm nhận được hình ảnh Việt Nam lúc đó là đất nước không có độc lập tự do, người dân là người dân nô lệ. Báo chí đã phản ánh, đưa lại những hình ảnh, những cảm xúc của thời kỳ đó. Đặc biệt, từ khi tờ báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo được ra đời (ngày 21/6/1925), báo chí đã đồng hành với Đảng, dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước. Chúng ta tự hào về nền báo chí cách mạng Việt Nam; hiểu được báo chí đã có những đóng góp to lớn, xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Báo chí luôn luôn ở trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh, của công cuộc xây dựng ấy. Ở đâu có khó khăn, có gian khổ, có hy sinh, ở đó có nhà báo. Đó là phẩm chất dấn thân, cống hiến của các nhà báo được thể hiện rất rõ ở trong các hiện vật ở bảo tàng.
* Sau thời gian chuẩn bị, đến nay, bảo tàng đã có nhiều không gian trưng bày với nhiều hình thức tương tác khác nhau. Với góc độ là người tham gia Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc triển khai Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam?
- Việc triển khai, xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một nhu cầu có từ nhiều năm nay và trở thành mong đợi của các thế hệ nhà báo. Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm việc này. Khi Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng được Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, ký quyết định thành lập và xác định bảo tàng nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Vấn đề là làm sao xây dựng được một bảo tàng xứng tầm thật sự là thách thức lớn đối với Hội Nhà báo Việt Nam và những người được trực tiếp được giao nhiệm vụ thực hiện. Khó khăn đầu tiên là việc xây dựng đội ngũ, bởi Hội không có những người làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Tiếp đó là khó khăn về kinh phí thực hiện. Làm thế nào để có đủ tài chính, nhân lực thu nhận được những hiện vật có quý giá nhất, có giá trị nhất, xứng đáng là di sản báo chí? Những khó khăn đó đã dần được Hội Nhà báo Việt Nam giải quyết được.
Lúc đầu dự kiến bảo tàng sẽ được xây dựng ở khu riêng biệt theo thiết kế, nhu cầu đặc trưng riêng nhưng do những khó khăn cụ thể nên Hội Nhà báo Việt Nam quyết định bảo tàng sẽ được đặt tại tòa nhà văn phòng của Hội. Làm sao trong một thiết kế không phải cho bảo tàng lại phục vụ được cho công tác trưng bày là khó khăn đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của những người làm công tác bảo tàng. Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt hoan nghênh lãnh đạo, nhân viên của bảo tàng đã ngày đêm sát cánh cùng lực lượng kiến trúc hoàn thiện được thiết kế, để đến giờ này bảo tàng có một không gian trưng bày rất đáng tự hào ở trong ngôi nhà của Hội Nhà báo Việt Nam.
* Việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam đi vào hoạt động, đón khách tham quan sẽ có ý nghĩa, tác động như thế nào đến thế hệ trẻ, đặc biệt các bạn trẻ đam mê nghề báo, thưa ông?
- Ngày 15/6/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam và hai cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu của Việt Nam là Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn), Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm phối hợp trong việc đào tạo, trao đổi học thuật cũng như thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí; hỗ trợ lẫn nhau về giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác khác. Bản ghi nhớ này cũng hướng đến lớp trẻ, nhất là những sinh viên báo chí.
Các bạn trẻ khi vào Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ học được rất nhiều điều, bắt đầu từ những cảm xúc sâu sắc về lịch sử dân tộc, về lịch sử báo chí mà những người làm báo trẻ có những cảm hứng về lịch sử, văn hóa báo chí, tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp với một tâm thế, tinh thần của người kế tục, góp phần vào truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam
Tôi tin tưởng và mong muốn những bạn trẻ ở nhiều lĩnh vực khác cũng đến với bảo tàng, thu lượm những kiến thức cần thiết về mặt lịch sử, xã hội, từ đó tiếp tục bồi dưỡng nhân cách sống, tạo cho bản thân một tâm thế tốt, để có thể tiếp tục vươn lên trong thời đại công nghệ 4.0; có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam thật sự hùng cường và phồn vinh.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Phúc Hằng/TTXVN (ghi)
Tags